Ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước liên tiếp cảnh báo: Tín hiệu xấu về cho vay BOT giao thông?

(VNF) - Từ đầu năm 2016 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp ban hành các văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát rủi ro đối với cho vay BOT giao thông. Những cảnh báo dồn dập này là những tín hiệu cho thấy thị trường đang chứa đựng những rủi ro rất lớn.

Ngân hàng Nhà nước liên tiếp cảnh báo: Tín hiệu xấu về cho vay BOT giao thông?

Cho vay đối với các dự án BOT giao thông đang hứng chịu những rủi ro lớn

Cho vay BOT giao thông tăng mạnh

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã dành nguồn vốn lớn cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, chiếm từ 85-90% tổng mức đầu tư của các dự án BOT có tài trợ vốn của ngân hàng.

Từ năm 2014 tới nay, cam kết cấp tín dụng, dư nợ cấp tín dụng của các ngân hàng đối với các dự án BOT, BT giao thông có mức tăng trưởng cao.

Tính đến 30/6/2016, chỉ tính riêng các ngân hàng thương mại, tổng mức cam kết cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông là 159.204 tỷ đồng; tổng số dư cấp tín dụng là 83.611 tỷ đồng, tăng 12,43% so với cuối năm 2015.

Riêng 3 ngân hàng BIDV, VietinBank và SHB, tổng hạn mức cấp tín dụng chiếm tới 85,64%, dư nợ chiếm 85,3% so với toàn ngành.

Rủi ro rình rập

Theo nhận định của các chuyên gia, sở dĩ ngân hàng mạnh tay rót vốn như vậy là do trong các năm qua, các dự án BOT được xem như con gà đẻ trứng vàng. Với mức phí cao, thời gian thu phí kéo dài, đầu tư một dự án BOT giao thông có thể mang về lợi nhuận siêu khủng.

Nhưng điều đáng lo ngại là có khá nhiều ngân hàng rót vốn cho cả những doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính. Theo quy định, muốn làm dự án BOT, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp phải đạt ít nhất 15%. Tuy nhiên, tỷ lệ ấy ở đa số các chủ đầu tư hiện nay chỉ là 10%. Hệ quả là có không ít dự án chậm tiến độ, thậm chí chết lâm sàng.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, trong tổng số 150 dự án BOT, BT giao thông ngân hàng tài trợ vốn, hiện nay có 22 dự án bị chậm tiến độ (với tổng hạn mức cấp tín dụng là 20.347 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng là 11.122,6 tỷ đồng), nguyên nhân chủ yếu là do giải phóng mặt bằng, tăng tổng mức đầu tư hoặc không đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án. Điều này đã và đang trực tiếp tạo ra nguy cơ tăng khối nợ xấu của các ngân hàng.

Một đặc điểm khác của các dự án thuộc lĩnh vực giao thông là có tổng mức đầu tư rất lớn, có nhu cầu nguồn vốn dài hạn và thời gian thu vốn dài (khoảng 20-25 năm). Trong khi nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, việc cho vay với lượng vốn lớn, dài hạn sẽ khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc cân đối nguồn vốn và tiềm ẩn rủi ro thanh khoản.

Bên cạnh đó, tài sản bảo đảm cho dự án BOT, BT lại chủ yếu tài sản hình thành từ vốn vay nên rất khó định giá, tiềm ẩn rủi ro cao nếu lưu lượng xe, doanh thu không đạt như dự kiến, gây nhiều khó khăn cho tổ chức tín dụng trong việc thu hồi vốn và xử lý tài sản đảm bảo.

Ngoài ra, một số thông tư hướng dẫn Nghị định 15/2015/NĐ-CP chậm ban hành, tính ổn định của chính sách không cao, đặc biệt là việc thay đổi chính sách về thu phí của Nhà nước đối với các dự án BOT (giảm mức thu phí so với hiện hành hoặc chưa được thực hiện lộ trình tăng phí theo quy định tại Thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính) tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho ngân hàng khi cấp tín dụng, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nợ.

Trong trường hợp rủi ro xảy ra, ngân hàng phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng, tăng nợ xấu, tăng trích lập dự phòng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng.

Siết tín dụng BOT giao thông

Để đảm bảo sự an toàn của hệ thống, trong năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 23/02 về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2016; Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 27/5về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016.

Đặc biệt là một loạt văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát rủi ro cho vay dự án BOT, BT giao thông như công văn số 3257/NHNN-TTGSNH ngày 06/5; Chỉ thị số 05/CT-NHNN ngày 15/7; và công văn số 6395/NHNN-TD ngày 29/8.

Trong các công văn này Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo và chỉ đạo các tổ chức tín dụng hạn chế và kiểm soát chặt chẽ, mức độ tập trung tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông.

Đồng thời nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng và sàng lọc các dự án, lựa chọn các dự án có khả năng thu hồi vốn cao, mức độ rủi ro thấp, các dự án thực hiện tốt quy định của pháp luật về đấu thầu, đầu tư và xây dựng; không xem xét các dự án có thủ tục pháp lý không đầy đủ, không đủ điều kiện vay vốn theo quy định.

Ngoài ra, tăng cường giám sát vốn vay đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích. Thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi, kiểm tra chặt chẽ khách hàng vay vốn, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp.

Các công văn này đã có những tác động nhất định, song về cơ bản vẫn cần có những động thái mạnh hơn từ phía Ngân hàng Nhà nước trong việc cấp tín dụng cho các dự án BOT giao thông. Mặc dù vậy, cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn bỏ ngỏ khả năng ra một Thông tư siết tín dụng vào BOT giao thông tương tự như siết tín dụng với cho vay bất động sản.

Tin mới lên