Ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước muốn VAMC mua, bán nợ và tài sản cho mọi thành phần kinh tế

(VNF) - Ngân hàng Nhà nước đề xuất mở rộng lĩnh vực hoạt động của VAMC, hướng tới việc mua, bán nợ và tài sản của mọi thành phần trong nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước muốn VAMC mua, bán nợ và tài sản cho mọi thành phần kinh tế

Ngân hàng Nhà nước muốn VAMC mua, bán nợ và tài sản cho mọi thành phần kinh tế

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gần đây đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của chiến lược là phát triển VAMC thực sự trở thành trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Đồng thời thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ, đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của các TCTD, có đủ năng lực và nguồn lực để thực hiện chức năng và nhiệm vụ mua, bán và xử lý nợ xấu, định giá, đấu giá tài sản.

Giai đoạn 2018 - 2020, mục tiêu của VAMC là đạt tổng nợ xấu mua lũy kế hết năm 2020 tối thiểu 330.000 tỷ đồng. Trong đó, VAMC mua nợ xấu theo giá trị thị trường (GTTT) hết năm 2020 đạt tối thiểu 12.000-13.000 tỷ đồng theo giá mua nợ. Từ năm 2019, VAMC mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) của các TCTD yếu kém, có thể gây rủi ro cho hệ thống, các TCTD có tỷ lệ nợ xấu lớn hơn 3%.

Phạm vi, số lượng nợ xấu mua thanh toán bằng TPĐB theo quyết định của NHNN, bảo đảm ổn định và an toàn hệ thống.

Đến hết năm 2020, hoàn thành về cơ bản xử lý số nợ xấu đã mua (không tính các khoản nợ xấu mua bằng TPĐB của các TCTD yếu kém, có thể gây rủi ro cho hệ thống).

Cùng với đó, hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ, trong đó VAMC đóng vai trò là trung tâm của thị trường, với các mục tiêu: Xây dựng Đề án thành lập Sàn giao dịch nợ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi được NHNN phê duyệt thành lập Sàn giao dịch nợ, VAMC sẽ thiết lập, vận hành Sàn giao dịch nợ theo Đề án đã được phê duyệt; Thành lập và duy trì hoạt động Câu lạc bộ xử lý nợ AMCs (Câu lạc bộ AMCs) với các thành viên là VAMC và các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của các TCTD (AMC).

Giai đoạn 2021-2025, VAMC phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành Sàn giao dịch nợ. Song song, tiến hành xây dựng trung tâm dữ liệu về khoản nợ/tài sản tại VAMC, hướng tới việc đề xuất được thực hiện triển khai kết nối thông tin với Trung Tâm Thông Tin Tín Dụng Quốc Gia (CIC) và các TCTD nếu đủ điều kiện nhằm tạo nguồn dữ liệu để khai thác, lựa chọn xử lý các khoản nợ/tài sản.

NHNN yêu cầu VAMC tập trung hoàn thành chỉ tiêu mua nợ theo GTTT được NHNN phê duyệt, phấn đấu hàng năm hoàn thành thành vượt mức chi tiêu này từ 5 10%.

Ngoài ra, VAMC phải tăng cường xử lý nợ xấu đã mua theo GTTT, tiếp tục xử lý số nợ xấu đã mua bằng TPĐB của các TCTD yếu kém, có thể gây rủi ro cho hệ thống.

Giai đoạn 2026 - 2030, NHNN đề xuất mở rộng lĩnh vực hoạt động của VAMC, hướng tới việc mua, bán nợ và tài sản của mọi thành phần trong nền kinh tế; đẩy mạnh các hoạt động đầu tư và khai thác tài sản, tư vấn môi giới mua bán tài sản, định giá tài sản...

Bên cạnh đó, hình thành và vận hành sàn giao dịch đấu giá trực tuyến nhằm đẩy mạnh hoạt động đấu giá tài sản tại VAMC. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện và phát triển hoạt động của Sàn giao dịch nợ. Đẩy mạnh hoạt động đầu tư tài chính, hướng tới xây dựng VAMC thành một định chế có vai trò trung gian để thực hiện các dịch vụ như: Tư vấn tài chính, đối tác xây dựng chiến lược cho các nhà đầu tư trên cơ sở hiểu biết về mục tiêu, các ngành kinh tế, ngành công nghiệp của VAMC.

Thêm vào đó, đề xuất thực hiện hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp và mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.

Riêng đối với việc tăng cường năng lực tài chính cho VAMC, NHNN cho biết sẽ trình các cấp có thẩm quyền cấp bổ sung vốn điều lệ cho VAMC để đạt mức 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn năm 2020-2021 theo Quyết định 1058/QĐ - TTg.

NHNN chỉ đạo VAMC sử dụng có hiệu quả đối với vốn điều lệ được NHNN cấp, đảm bảo an toàn, hiệu quả cao trong hoạt động, như: Đẩy mạnh hoạt động xử lý thu hồi nợ và mua nợ theo giá trị thị trường; Tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư nâng cấp hệ thống CNTT và trụ sở làm việc, thiết lập và vận hành Sàn giao dịch nợ VAMC; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao năng lực tài chính, uy tín thị trường cho VAMC.

NHNN cũng đề xuất cho VAMC được huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, VAMC thực hiện trích vào chi phí hàng năm quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (tổng mức trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ tối đa bằng vốn điều lệ VAMC được cấp) trên nguyên tắc đảm bảo cân bằng thu - chi và đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra, NHNN yêu cầu VAMC hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp, mua bán doanh nghiệp theo quy định pháp luật trong quá trình xử lý nợ xấu.

Tin mới lên