Ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước 'nắn' dòng tiền cho vay tiêu dùng

(VNF) - Việc giảm dần trần tỷ trọng cho vay tiền mặt trong tổng dư nợ cho vay một mặt làm giảm tỷ suất lợi nhuận của các công ty tài chính do cho vay tiền mặt có lãi suất rất cao, mặt khác cũng phần nào hạn chế tốc độ mở rộng thị phần của các công ty này, đặc biệt là các công ty tài chính nhỏ, mới gia nhập thị trường không lâu.

Ngân hàng Nhà nước 'nắn' dòng tiền cho vay tiêu dùng

Ngân hàng Nhà nước 'nắn' dòng tiền cho vay tiêu dùng

7 tháng sau khi Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến cho bản dự thảo sửa đổi Thông tư 43/2016/NHNN quy định hoạt động cho vay tiêu dùng tại công ty tài chính, cơ quan này đã chính thức ban hành Thông tư 18/2019/TT- NHNN có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Đối với tỷ trọng giải ngân trực tiếp (chủ yếu là cho vay bằng tiền mặt) trong tổng dư nợ cho vay, các điều khoản thay đổi trong dự thảo trước đó nhắm đến việc giới hạn chỉ giải ngân trực tiếp cho khách hàng hiện hữu, đồng thời phải có lịch sử tín dụng tốt trên cơ sở dữ liệu CIC.

Tuy nhiên, thông tư chính thức đã bỏ việc giới hạn chỉ giải ngân trực tiếp cho khách hàng hiện hữu, trong khi giữ quy định phải có lịch sử tín dụng tốt trên cơ sở dữ liệu của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC).

Cụ thể, công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng đối với khách hàng không có nợ xấu theo báo cáo quan hệ tín dụng tra cứu tại CIC.

Đáng chú ý nhất là việc Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra lộ trình chi tiết đưa tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng về mức 30%.

Theo đó, tỷ lệ này tối đa ở mức 70% trong năm 2021. Năm 2022, tỷ lệ tối đa là 60%; năm 2023 là 50% và về mức 30% kể từ ngày 1/1/2024.

Như vậy, các công ty tài chính còn tới hơn 4 năm để đưa tỷ lệ giải ngân trực tiếp trong tổng dư nợ về mức 30%.

Đánh giá nhanh về thông tư mới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhấn mạnh thông tư đưa ra định nghĩa giải ngân trực tiếp bao gồm cả tiền mặt và giao dịch thanh toán không sử dụng tiền mặt (thẻ tín dụng). Trong tháng 3/2019, FE Credit đã phân biệt danh mục cho vay tiền mặt và thẻ tín dụng, tuy nhiên, Thông tư 18 đặt ra khả năng một phần danh mục thẻ tín dụng của FE Credit sẽ bị tính vào giới hạn.

Hiện dư nợ cho vay tiền mặt và thẻ tín dụng chiếm tới 83% tổng dư nợ FE Credit.

Theo góc nhìn của VietnamFinance, mức tỷ trọng này cho thấy FE Credit sẽ chịu áp lực không nhỏ từ quy định mới. Tuy vậy, lộ trình áp dụng khá dài cho phép ban lãnh đạo FE Credit điều chỉnh chiến lược kinh doanh và không tạo ra cú sốc.

Trên thực tế, cho vay tiền mặt là phân khúc cho vay tiêu dùng "màu mỡ" nhất, dư địa lớn nhất nhưng cũng kèm rủi ro cao, đặc biệt là rủi ro xuất phát từ việc không xác định được mục đích sử dụng.

Không chỉ FE Credit, các công ty tài chính khác, đặc biệt là các công ty mới gia nhập thị trường tập trung rất mạnh nguồn lực vào cho vay tiền mặt bởi bởi thị phần phân khúc này còn rất lớn. Sự tập trung này có thể cộng hưởng rủi ro, tạo nên rủi ro lớn cho hệ thống tín dụng và đây là lý do cơ quan quản lý buộc phải "nắn" dòng tiền cho vay này.

Quy định mới một mặt làm giảm tỷ suất lợi nhuận của các công ty tài chính do cho vay tiền mặt có lãi suất rất cao, mặt khác cũng phần nào hạn chế tốc độ mở rộng thị phần của các công ty tài chính, đặc biệt là các công ty tài chính nhỏ, mới gia nhập thị trường không lâu.

Tuy vậy, vẫn có số ít công ty giữ được tỷ trọng cho vay tiền mặt ở mức thấp hơn nhiều mặt bằng chung, điển hình là HDSaison. Tính đến cuối tháng 9/2019, tỷ trọng này của HDSaison chỉ ở mức 33% (giảm so với mức 35% hồi đầu năm), cho thấy công ty tài chính này không chịu nhiều tác động từ thông tư mới ban hành.

Nửa đầu năm nay, FE Credit tiếp tục áp đảo trên thị trường tài chính tiêu dùng với khoảng 50% thị phần. Đặc biệt, "vị vua" này tiếp tục gia cố thêm vị thế trên thị trường khi tăng hơn 2 điểm% thị phần trong nửa đầu năm.

Hai vị trí tiếp theo thuộc về Home Credit và HDSaison, đều ghi nhận giảm thị phần trong nửa đầu năm dù mức giảm mỗi công ty chỉ khoảng hơn 1 điểm%.

Vị trí thứ tư thuộc về Mcredit, tiếp theo là Shinhan Finance, Toyota Financial Servies và Mirae Asset.

Các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường như SHB Finance, Viet Credit, Easy Credit, Lotte Finance cũng rất tích cực mở rộng thị phần. Trong đó, SHB Finance ghi nhận mức tăng thị phần khá ấn tượng với 1,6% so với mức 0,5% của năm 2018; còn VietCredit thì tăng từ 0,1% lên 0,7%.

Tin mới lên