Ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: Bắt giam nguyên giám đốc BIDV Phú Yên, NHNN hạ lãi suất điều hành

(VNF) - Bắt giam nguyên giám đốc ngân hàng BIDV chi nhánh Phú Yên; Ngân hàng Nhà nước muốn luật hóa xử lý nợ xấu; tăng trưởng huy động vượt xa tăng trưởng tín dụng; Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm thêm một số mức lãi suất điều hành; … là những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Ngân hàng tuần qua: Bắt giam nguyên giám đốc BIDV Phú Yên, NHNN hạ lãi suất điều hành

Ngân hàng Nhà nước muốn luật hóa xử lý nợ xấu là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua

Bắt giam nguyên giám đốc ngân hàng BIDV chi nhánh Phú Yên

Ngày 25/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 3 bị can, gồm: Nguyễn Công, sinh năm 1956, trú 281 Nguyễn Huệ, Phường 5, thành phố Tuy Hòa (nguyên giám đốc Ngân hàng BIDV Phú Yên); Nguyễn Phú Phong, sinh năm 1975, trú khu phố 2, Phường 4, thành phố Tuy Hòa (nguyên trưởng phòng Quan hệ khách hàng 1); Võ Hồng Phong, sinh năm 1981, trú thôn Phước Bình Bắc, xã Hòa Thành, thị xã Đông Hòa (nguyên cán bộ Phòng Quan hệ khách hàng 1, hiện là giám đốc Phòng giao dịch BIDV huyện Sông Hinh).

Đến ngày 26/9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đã thi hành lệnh khám xét chỗ ở và bắt bị can để tạm giam đối với 3 bị can nói trên.

Cũng trong vụ án nêu trên, ngày 26/9/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can đối với 2 bị can, gồm: Nguyễn Văn Tuyến, sinh năm 1958, trú 353 Trường Chinh, Phường 7, thành phố Tuy Hòa (nguyên phó giám đốc BIDV Phú Yên); Lê Tấn Đức, sinh năm 1976, trú 13A/2 Trần Hưng Đạo, Phường 1, thành phố Tuy Hòa (nguyên trưởng phòng Quản lý rủi ro, hiện là trưởng phòng Quan hệ khách hàng 1).

Ngày 28/9/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên cũng đã thi hành lệnh khám xét chỗ ở và bắt tạm giam đối với 2 bị can này.

>>> Xem thêm: Bắt giam nguyên giám đốc ngân hàng BIDV chi nhánh Phú Yên

Tăng trưởng huy động vượt xa tăng trưởng tín dụng

Tổng cục Thống kê vừa công bố một số dữ liệu thống kê quan trọng trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính.

Cụ thể, tính đến ngày 22/9/2020, tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế đã tăng 7,74% so với cuối năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,41%).

Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 7,7% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,79%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,12% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,51%).

Như vậy, tăng trưởng huy động vốn cao hơn tăng trưởng tín dụng tới 2,58 điểm%. Đây là dấu hiệu cho thấy hệ thống ngân hàng đang có sự dư thừa vốn nhất định trong bối cảnh cầu tín dụng yếu.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 9, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tín hiệu phục hồi nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19 và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp từng bước trở lại trạng thái bình thường.

Tính chung 9 tháng, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán ước tính đạt 228,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,43% so với cùng kỳ năm trước. 

>>> Xem thêm: Tăng trưởng huy động vượt xa tăng trưởng tín dụng                                    

Ngân hàng Nhà nước muốn luật hóa xử lý nợ xấu

Phát biểu tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2020, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho biết việc xác định việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong suốt giai đoạn 2016-2020.

"Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Quyết định số 1058 phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD", Phó Thống đốc đánh giá.

Ông cũng cho hay sẽ xem xét, nghiên cứu việc luật hóa xử lý nợ xấu nhằm quy định cụ thể về việc xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng.

Liên quan đến vấn đề luật hóa xử lý nợ xấu, ông Đỗ Giang Nam - Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) bày tỏ rằng Nghị quyết số 42 dù đã và đang phát huy hiệu quả, nhưng nghị quyết chỉ mang tính chất thí điểm, có hiệu lực 5 năm kể từ ngày 15/8/2017.

"Do đó, sau thời điểm Nghị quyết 42 hết hiệu lực, nếu không có văn bản thay thế thì có thể làm quá trình xử lý TSBĐ bị kéo dài, các nhà đầu tư mua, bán nợ xấu nghi ngại về khả năng xử lý các khoản nợ đã mua để thu hồi vốn", lãnh đạo VAMC cho hay.

>>> Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước muốn luật hóa xử lý nợ xấu

Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng còn 4%/năm

Các quyết định điều chỉnh lãi suất có hiệu lực từ ngày 1/10/2020. Trong đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 4,5%/năm xuống còn 4%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 3%/năm xuống còn 2,5%/năm.

Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng giảm từ 5,5%/năm xuống còn 5%/năm.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh giảm lãi suất chào mua giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3%/năm xuống 2,5%/năm.

Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,2%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống 4%/năm.

Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến 6 tháng tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.

Ngoài ra, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5%/năm xuống 4,5%/năm.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm.

>>> Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng còn 4%/năm

Có nên hạ quá thấp trần lãi suất?

Hạ mặt bằng lãi suất là một trong những hướng chính sách quan trọng mà NHNN lựa chọn. Tuy vậy, dù lựa chọn bất kỳ chính sách nào thì cũng sẽ có mặt được cũng như mặt trái. Vấn đề là nên duy trì mặt bằng lãi suất ở mức nào là hợp lý.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng lãi suất ở Việt Nam luôn phải ở mức trung bình cao, không chỉ so với các nước phát triển mà còn so với cả các nước đang phát triển. Vị chuyên gia này đưa ra 4 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, lạm phát của Việt Nam cao, nếu trong tầm kiểm soát thì cũng khoảng 3,5-4%/năm. Thứ hai, rủi ro doanh nghiệp rất lớn. TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh rằng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam là BB, tương đương với xếp hạng đầu cơ, vì vậy lãi suất đi vay quốc tế bằng USD luôn ở mức cao từ 5%/năm đến 7%/năm, nếu vay bằng VND thậm chí còn yêu cầu lãi suất trên 15%/năm.

Thứ ba, chi phí giao dịch của toàn bộ nền kinh tế rất cao, cả chi phí chính thức và chi phí không chính thức. Cuối cùng, lãi suất huy động phải cao để thu hút tiền gửi tiết kiệm.

Nếu nhìn vào việc hạ trần lãi suất tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống 4%/năm, có thể thấy NHNN đang muốn kéo trần lãi suất kỳ hạn ngắn xuống sát hơn với lạm phát thực tế (chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,85%). Tuy nhiên, như đã đề cập, lãi suất tiền gửi đang tự điều tiết và đa phần đã dưới mức trần mới, điều này hàm ý rằng đợt giảm thứ 3 này có thể không đem lại nhiều hiệu quả.

Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng thấp hiện tại đến từ nguyên nhân cầu yếu, trong khi tăng trưởng huy động tương đối khả quan dù giảm lãi suất đến một phần đến từ tâm lý dự phòng của người dân và doanh nghiệp. Điều này dẫn đến một kịch bản trong tương lai rằng, khi nền kinh tế phục hồi trở lại, nhu cầu tín dụng tăng cao trong khi huy động không còn được hỗ trợ bởi tâm lý dự phòng, cùng với đó, triển vọng lạm phát cũng tăng cao hơn, thì sẽ đồng loạt đẩy lãi suất tăng lên.

Nếu trần lãi suất tiền gửi ở mức quá thấp trong thời gian dài có thể làm méo mó cung - cầu vốn, làm phổ biến hơn tình trạng "đi đêm" lãi suất. Cùng với đó, trần lãi suất thấp cũng làm giảm sức mua của người gửi tiền, qua đó tác động tiêu cực đến sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng.

>>> Xem thêm: Có nên hạ quá thấp trần lãi suất?

Tin mới lên