Ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: BIDV muốn phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu, MSB tăng vốn điều lệ lên 15.275 tỷ đồng

(VNF) - SeABank có tân phó tổng giám đốc; SCB lên kế hoạch lợi nhuận quý IV đạt 526 tỷ đồng; MSB tăng vốn điều lệ lên hơn 15.200 tỷ đồng; BIDV muốn phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu trả cổ tức;… là những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Ngân hàng tuần qua: BIDV muốn phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu, MSB tăng vốn điều lệ lên 15.275 tỷ đồng

BIDV muốn phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu trả cổ tức, tăng vốn lên hơn 50.585 tỷ đồng là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

SeABank có tân phó tổng giám đốc

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HoSE: SSB) trong tuần qua đã chính thức bổ nhiệm ông Võ Long Nhi (Andrew Võ) vào vị trí phó tổng giám đốc kể từ ngày 16/11/2021.

Với việc bổ nhiệm này, Ban điều hành của SeABank sẽ có 1 tổng giám đốc và 9 phó tổng giám đốc.

Ông Andrew Võ tốt nghiệp Đại học Simon Fraser (SFU) ở Vancouver, Canada. Ông đã có trên 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đầu tư và chính thức gia nhập SeABank từ năm 2015 với chức vụ Giám đốc Khối Đầu tư.

Theo thông tin từ phía SeABank, ông Andrew Võ từng đảm nhiệm nhiều vị trí cấp cao tại các tập đoàn, ngân  hàng, quỹ đầu tư tài chính lớn ở các nước như: Giám đốc Cấp cao Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ VinaWealth (thành viên của Tập đoàn VinaCapital); Phó Tổng Giám đốc Honeywell - VCT (Việt Nam); Tổng Giám đốc NextView tại Việt Nam - nhà cung cấp dịch vụ tài chính uy tín đến từ Singapore; Cố vấn cấp cao tại Ngân hàng HSBC Canada; Cố vấn Tài chính cấp cao tại Ngân hàng TD Canada Trust…

>>> Xem thêm: SeABank có tân phó tổng giám đốc

SCB lên kế hoạch lợi nhuận quý IV đạt 526 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa công bố tài liệu ĐHCĐ thường niên năm 2020. Theo đó, SCB lên kế hoạch tổng tài sản năm 2021 tăng 12,37% so với thời điểm cuối năm 2020, đạt 712.196 tỷ đồng. Cho vay khách hàng dự kiến đạt 386.525 tỷ đồng, huy động thị trường 1 đạt 649.824 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và tăng 12,46% so với mức thực hiện năm 2020.

Lợi nhuận trước thuế mục tiêu năm 2021 của SCB đạt 1.310 tỷ đồng, gấp 14 lần mức thực hiện năm 2020 là vỏn vẹn 91 tỷ đồng.

Về kế hoạch đăng ký chứng khoán tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM, SCB cho biết ngân hàng này hiện đang thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật.

Trong năm 2021, SCB đã thực hiện phương án tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.788 tỷ đồng thông qua chào bán hơn 478 triệu cổ phiếu cho cổ đông với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Theo kế hoạch sử dụng vốn huy động, SCB sẽ ưu tiên phát triển hoạt động tín dụng và đầu tư trái phiếu Chính phủ.

>>> Xem thêm: SCB lên kế hoạch lợi nhuận quý IV đạt 526 tỷ đồng

MSB tăng vốn điều lệ lên hơn 15.200 tỷ đồng, mục tiêu lãi 5.000 tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định sửa đổi nội dung Giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HoSE: MSB).

Theo đó, Thống đốc NHNN chấp thuận sửa đổi nội dung về vốn điều lệ quy định tại Mục 4 Giấy phép hoạt động số 0001/GP-NHNN ngày 8/6/1991 do Thống đốc NHNN cấp cho MSB và khoản c Điều 1 Quyết định số 68/NH-QĐ ngày 8/6/1991 của Thống đốc NHNN về việc cấp Giấy phép hoạt động cho MSB như sau: vốn điều lệ 15.275 tỷ đồng. Như vậy, MSB tăng vốn điều lệ thêm 3.525 tỷ đồng.

Theo NHNN, MSB có trách nhiệm thực hiện các quy định tại Khoản 4 Điều 29 Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) đối với nội dung sửa đổi nêu trên.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và là một bộ phận không tách rời của Giấy phép hoạt động 0001/GP-NHNN ngày 8/6/1991 do Thống đốc NHNN cấp cho MSB và Quyết định số 68/NH-QĐ ngày 8/6/1991 của Thống đốc NHNN về việc cấp Giấy phép hoạt động cho MSB.

>>> Xem thêm: MSB tăng vốn điều lệ lên hơn 15.200 tỷ đồng, mục tiêu lãi 5.000 tỷ đồng

16 ngân hàng đã làm gì với cam kết giảm hơn 20.000 tỷ đồng tiền lãi?

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ ngày 15/7/2021 đến 31/10/2021 của 16 ngân hàng là khoảng 15.559 tỷ đồng, tăng 3.323 tỷ đồng so với ngày 30/9/2021 tương ứng tăng 27,16%), đạt 75,48% so với cam kết.

Trong đó, tại Agribank, tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 4.996 tỷ đồng với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,3 triệu tỷ đồng cho gần 3,2 triệu khách hàng.

Tại Vietcombank, tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 3.055 tỷ đồng với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,14 triệu tỷ đồng cho 236.403 khách hàng.

Trong danh sách, BIDV đã giảm cho khách hàng tổng số tiền lãi là 2.739 tỷ đồng với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,21 triệu tỷ đồng cho 407.603 khách hàng.

Tại VietinBank, tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 1.873 tỷ đồng với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,71 triệu tỷ đồng cho 685.573 khách hàng.

Tại các ngân hàng thương mại cổ phần còn lại khác, số tiền lãi đã giảm vào khoảng từ 610 tỷ đồng trở xuống.

>>> Xem thêm: 16 ngân hàng đã làm gì với cam kết giảm hơn 20.000 tỷ đồng tiền lãi?

BIDV muốn phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu trả cổ tức, tăng vốn lên hơn 50.585 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) vừa công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.

Theo đó, BIDV trình cổ đông phương án phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến năm 2019 và lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2020.

Tỷ lệ phát hành dự kiến là 25,77%. Tỷ lệ thực hiện quyền là 100: 25,77. Thời gian phát hành là trong năm 2021-2022.

Sau phát hành, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 20.220 tỷ đồng lên hơn 50.585 tỷ đồng.

Về kế hoạch sử dụng vốn điều lệ tăng thêm, BIDV dự kiến đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tỷ lệ thu nhập từ dịch vụ trong tổng thu nhập, nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ.

Cùng với đó, BIDV cũng sẽ tập trung cơ cấu danh mục tín dụng, cho vay vốn đối với các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động kinh doanh có hiệu quả, an toàn, có phương án/dự án kinh doanh khả thi, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), doanh nghiệp FDI có tiềm năng phát triển, lợi thế cạnh tranh; mở rộng kênh phân phối hiện đại và nâng cao chất lượng kênh phân phối truyền thông trong nước, khu vực và thế giới.

>>> Xem thêm: BIDV muốn phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu trả cổ tức, tăng vốn lên hơn 50.585 tỷ đồng

Tin mới lên