Ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: Đón 2023, USD giảm sâu, lãi suất bắt đầu hạ nhiệt

(VNF) - Ngân hàng Nhà nước trong tuần qua cho biết tính đến ngày 21/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021. Mức tăng trưởng tín dụng trên còn chưa chạm tới hạn mức (room) tín dụng cũ (14%) và còn cách xa room tín dụng mới (15,5 - 16%).

Ngân hàng tuần qua: Đón 2023, USD giảm sâu, lãi suất bắt đầu hạ nhiệt

(Ảnh minh hoạ)

Giao dịch từ 300 triệu trở lên phải báo cáo: Thông tin gây nhiều lo lắng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân đối với dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo NHNN, theo quy định tại khoản 2 điều 25 Luật Phòng chống rửa tiền.

Cụ thể, mức giá trị giao dịch phải báo cáo NHNN là 300 triệu đồng khi một khách hàng thực hiện giao dịch bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt một hoặc nhiều lần trong một ngày.

Dự thảo này đã nhận được ý kiến của nhiều tổ chức, cá nhân. 

Về mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo, Bộ Quốc phòng đề nghị nâng định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo vì định mức 300 triệu đã được áp dụng từ năm 2013. Đến nay, giá trị tiền Việt Nam cũng như giá cả thị trường, số lượng giao dịch đã tăng rất nhiều lần.

Ngân hàng An Bình nêu ý kiến: Dự thảo đặt ra mức giá trị của giao dịch lớn phải báo cáo là 300 triệu đồng là chưa phù hợp với thực tế phát triển và hoạt động giao dịch thanh toán hiện nay. Thực tế việc đặt ra một ngưỡng giá trị giao dịch để thực hiện báo cáo liên quan đến công tác phòng chống rửa tiền là hoàn toàn phù hợp. Nhưng với mức giá trị là 300 triệu đồng thì so với hiện trạng sự phát triển kinh tế hiện nay, mức này chưa hoàn toàn phù hợp.

Ngân hàng An Bình đề xuất 2 phương án. Một là nâng cao hơn nữa mức giá trị giao dịch phải báo cáo để phản ánh đúng bản chất cũng như tình hình phát triển kinh tế hiện nay. Hai là không quy định nội dung này. Đối tượng báo cáo sẽ thực hiện báo cáo đối với những giao dịch có yếu tố đáng ngờ khi thực hiện đánh giá, nhận biết khách hàng và giao dịch.

>>> Xem thêm: Giao dịch từ 300 triệu trở lên phải báo cáo: Thông tin gây nhiều lo lắng

Giá USD 'chợ đen' giảm sâu, về sát giá ngân hàng

Sau nhiều ngày neo ở mức giá cao, 24.000 đồng/USD, giá USD trên thị trường tự do trong một vài ngày qua đã giảm mạnh.

Ngày 26/12, giá USD trên thị trường tự do đã mất mốc 24.000 đồng/USD, được mua - bán ở mức giá 23.880-23.980 đồng/USD.

Đến ngày 27/12, giá USD trên thị trường"chợ đen" được giao dịch quanh mức 23.870-23.970 đồng (mua vào - bán ra).

Tới ngày 29/12, giá USD trên thị trường tự do hạ về còn 23.760 - 23.820 VND/USD (mua - bán), giảm 110 đồng ở chiều mua và giảm 150 đồng ở chiều bán so với ngày 28/12.

So với mức đỉnh 25.500 đồng/USD (giá bán) đạt được vào hôm 1/11, giá USD trên thị trường tự do ngày 29/12 đã giảm 1.680 đồng ở chiều bán ra.

Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố vào ngày 29/12 giảm 3 đồng so với hôm qua, ở mức 23.617 đồng/USD. Áp dụng biên độ 5%, tỷ giá trần mà các ngân hàng được phép giao dịch hôm nay là 24.798 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.435 đồng/USD.

Giá USD 'chợ đen' hiện đã về sát giá USD tại các ngân hàng thương mại.

Giá USD tại các ngân hàng thời gian gần đây liên tục đi xuống. Nhưng USD trong ngân hàng hiện vẫn cao hơn hồi đầu năm khoảng 4%.

>>> Xem thêm: Giá USD 'chợ đen' giảm sâu, về sát giá ngân hàng

Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức. 

TS Đinh Thế Hiển: ‘Lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý I và ổn định vào cuối quý II/2023’

Phát biểu tại Tọa đàm: Dự báo Kinh tế - Vươt “cơn gió ngược” 2022, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, hiện nay các dự báo của thế giới đều nhất quán rằng, càng đến cuối năm 2022 các dự báo càng xấu đi đối với kinh tế thế giới nói chung.

“Nhìn lại toàn bộ năm 2022 sẽ thấy đây là năm có tăng trưởng GDP tốt, bởi các yếu tố là xuất phát điểm GDP năm 2021 quá thấp, làm cho tốc độ tăng vượt lên; yếu tố thứ hai là quý I và quý II, chúng ta có mức xuất khẩu tốt. Tuy nhiên đến quý III thì bắt đầu giảm và quý IV thực sự gặp khó khăn”, ông Hiển nói.

Theo ông Hiển, những tháng cuối năm, chính sách của Chính phủ vẫn nhất quán như các năm trước, bảo vệ kinh tế vĩ mô và giữ ổn định đồng tiền. 

Một vấn đề đang lưu tâm hiện nay là nhiều chuyên gia đều mong muốn thị trường bất động sản phải là một thị trường hỗ trợ kinh tế tăng trưởng bền vững, chứ không phải tăng nhanh như 2020 – 2022, mà phải ổn định tăng trưởng, thậm chí chậm hơn một chút so với tăng trưởng kinh tế.

Vị tiến sĩ dự báo lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý I và trở về ổn định vào cuối quý II/2023. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý II trở đi. Xuất khẩu tiếp tục suy giảm trong quý I-II/2023 và sẽ phục hồi tăng vào quý III.

"Như vậy, nền kinh tế nội địa sẽ giảm khó khăn từ quý II/2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý III, với hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ. Đồng thời thị trường bất động sản phục hồi nhẹ, từ quý IV/2023 tập trung ở khu vực đô thị lân cận khu công nghiệp và khu vực hạ tầng đang đầu tư mạnh”, vị chuyên gia phân tích.

>>> Xem thêm: TS Đinh Thế Hiển: ‘Lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý I và ổn định vào cuối quý II/2023’

Tiếp tục kiểm soát đặc biệt đối với SCB

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát đặc biệt đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), từng bước duy trì hoạt động ổn định và hạn chế những khó khăn cho ngân hàng này.

Đó là thông tin được Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú cho biết tại cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023 diễn ra vào ngày 27/12.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, có thể coi vấn đề về ngân hàng SCB là sự kiện nóng của năm 2022. "Đến nay, chúng tôi vẫn tiếp tục kiểm soát ngân hàng này và tiếp tục từng bước duy trì hoạt động ổn định và hạn chế những khó khăn cho SCB", ông Tú khẳng định.

Theo lãnh đạo NHNN, do tác động của những doanh nghiệp, tập đoàn, cá nhân có sai phạm và liên quan trực tiếp với SCB đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của người gửi tiền ở ngân hàng này. Sự việc người dân ồ ạt rút tiền tại SCB ảnh hưởng xấu đến tâm lý của người dân cả nước. Vì vậy, NHNN đã phải kiểm soát đặc biệt đối với SCB.

Theo NHNN, kiểm soát đặc biệt là cơ chế được NHNN thực thi khi cần thiết để đảm bảo hoạt động của ngân hàng thương mại cụ thể khi TCTD đó rơi vào khó khăn, cũng như an toàn cho toàn hệ thống. Việc kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.

>>> Xem thêm: Tiếp tục kiểm soát đặc biệt đối với SCB

Tăng trưởng tín dụng đến 21/12 đạt 12,87%, chưa chạm room tín dụng cũ

Chia sẻ tại buổi họp báo Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023 diễn ra sáng 27/12, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết trong năm 2022, NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trước diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị.

Về điều hành tín dụng chung, định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Tháng 11/2022, tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của TCTD cải thiện hơn, NHNN quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các TCTD.

Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng theo hướng, các TCTD có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Phía NHNN cho biết đến ngày 21/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021.

Như vậy, mức tăng trưởng tín dụng trên còn chưa chạm tới hạn mức (room) tín dụng cũ (14%) và cách xa room tín dụng mới (15,5-16%), trong khi chỉ còn cách năm mới 10 ngày.

>>> Xem thêm: Tăng trưởng tín dụng đến 21/12 đạt 12,87%, chưa chạm room tín dụng cũ

Thu nợ cuối năm: Đại hạ giá, gom từng khoản lẻ

Mới đây, tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Vận tải và Thương mại Thành Đạt được VietinBank được rao bán tới lần thứ 8 với giá khởi điểm 12,5 tỷ đồng. Trong khi giá trị sổ sách khoản nợ này tới hơn 23,7 tỷ đồng.

Còn trong lần rao bán thứ 10 mới đây, VietinBank đưa ra giá khởi điểm cho khoản nợ của doanh nghiệp Tân Âu Cơ là 27,47 tỷ đồng, trong khi giá trị khoản nợ tới hơn 123 tỷ đồng. Còn khoản nợ của Công ty Phương Nam Nhi cũng được rao bán lần thứ 10 với giá khởi điểm 22,58 tỷ đồng, thấp hơn cả dư nợ gốc (24,7 tỷ đồng) và chỉ bằng 25% tổng giá trị khoản nợ.

Không chỉ VietinBank mà nhiều ngân hàng cũng nhiều lần giảm giá các khoản nợ có tài sản đảm bảo hàng trăm tỷ.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) mới thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH XD và KD Nhà Bách Giang, Công ty TNHH XD TM Cao Nguyên. Giá khởi điểm cho 2 khoản nợ này là hơn 235 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 54% so với tổng giá trị của 2 khoản nợ. Được biết, các khoản nợ này đã được BIDV rao bán 12 lần trước đó nhưng không thành công.

Hoạt động rao bán nợ vẫn được các ngân hàng thực hiện thường xuyên. Nhưng các ngân hàng thường chỉ rao bán nợ vay có tài sản đảm bảo.

Việc ngân hàng rao bán nhiều khoản nợ vay tiêu dùng đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi các khoản nợ này đều không có tài sản bảo đảm, giá khởi điểm bằng giá ghi sổ sách của khoản nợ, giá trị nhiều khoản nợ lại rất nhỏ. Trong khi các ngân hàng ồ ạt rao bán nợ xấu lớn, có các tài sản đảm bảo với giá khởi điểm thấp hơn nhiều so với giá trị khoản nợ thậm chí phải giảm giá nhiều lần nhưng thanh khoản không dễ dàng. Chưa kể, việc bán nợ xấu rất phức tạp, bởi khi xử lý nợ còn có rất nhiều chi phí phát sinh liên quan.

>>> Xem thêm: Thu nợ cuối năm: Đại hạ giá, gom từng khoản lẻ

Tin mới lên