Ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: Dồn vốn cho tăng trưởng tín dụng cuối năm, Chứng khoán Liên Việt bán 3 triệu cổ phiếu Sacombank

(VNF) - Ngân hàng dồn vốn cho tăng trường tín dụng cuối năm; Chứng khoán Liên Việt tiếp tục bán 3 triệu cổ phiếu Sacombank (STB); VNDirect kỳ vọng lạm phát và lãi suất sẽ cùng giảm trong nửa cuối năm;… là những thông tin ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Ngân hàng tuần qua: Dồn vốn cho tăng trưởng tín dụng cuối năm, Chứng khoán Liên Việt bán 3 triệu cổ phiếu Sacombank

Đa phần các ngân hàng quyết định dồn vốn trong nửa đầu năm để chuẩn bị cho tăng trưởng cho vay nói riêng và tăng trưởng tín dụng nói chung trong nửa cuối năm.

Ngân hàng dồn vốn cho tăng trường tín dụng nửa cuối năm

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến hết tháng 6/2020, tổng tiền gửi khách hàng (bao gồm dân cư và các tổ chức kinh tế) tại hệ thống ngân hàng là trên 9,2 triệu tỷ đồng, tăng 4,75% so với hồi đầu năm.

Trong khi đó, dư nợ tín dụng chỉ tăng 3,65%, đạt gần 8,5 triệu tỷ đồng.

Thống kê của VietnamFinance đối với 28 ngân hàng thương mại (*) đã công bố báo cáo tài chính cũng cho thấy xu hướng tương tự. Tăng trưởng dư nợ cho vay (cấu phần chính và cốt lõi của dư nợ tín dụng) chỉ đạt 3,53%; thấp hơn tăng trưởng tiền gửi khách hàng là 4,17%.

Điều này cũng được chứng minh trong kết quả kinh doanh của 28 ngân hàng thương mại trong diện thống kê. Cụ thể, tổng chi phí lãi (phản ánh chi phí huy động) của các ngân hàng này tăng tới 12,5%, cao hơn đáng kể mức tăng 10,8% của tổng thu nhập lãi (phản ánh tiền lãi thu về).

Tuy nhiên nhìn chung, các ngân hàng vẫn chấp nhận thiệt thòi này để dồn vốn, chuẩn bị cho tăng trưởng cho vay mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm.

(*) 28 ngân hàng thương mại bao gồm: ABBank, ACB, BacABank, BIDV, Eximbank, HDBank, Kienlongbank, LienVietPostBank, MB, MSB, NamABank, NCB, OCB, PGBank, Sacombank, Saigonbank, SCB, SeABank, SHB, Techcombank, TPBank, VIB, VietABank, VietBank, Viet Capital Bank, Vietcombank, VietinBank, VPBank.

>>> Xem thêm: Ngân hàng dồn vốn cho tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm

Chứng khoán Liên Việt tiếp tục bán 3 triệu cổ phiếu Sacombank (STB)

Công ty Cổ phần Chứng khoán Liên Việt (Chứng khoán Liên Việt) vừa thông báo đăng kí bán 3 triệu cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 31/8 - 29/9/2020 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Được biết mục đích thực hiện giao dịch là đầu tư tự doanh.

Trước đó, Chứng khoán Liên Việt cũng đã đăng kí bán ra lượng cổ phiếu trên từ ngày 18/6 đến 17/7 nhưng bất thành do điều kiện thị trường chưa phù hợp.

Đóng cửa ngày giao dịch 26/8, giá cổ phiếu STB dừng ở 11.200 đồng/cp, tăng 11% so với cuối tháng 7. Ước tính theo mức giá này, Chứng khoán Liên Việt có thể thu về khoảng 34 tỷ đồng nếu giao dịch thành công.

Chứng khoán Liên Việt là đơn vị liên quan trực tiếp với Sacombank khi ông Nguyễn Văn Huynh, Thành viên HĐQT của Sacombank cũng là thành viên HĐQT của Chứng khoán Liên Việt. Trước đây, ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank - cũng từng là Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Liên Việt.

>>> Xem thêm: Chứng khoán Liên Việt tiếp tục bán 3 triệu cổ phiếu Sacombank (STB)

VNDirect kỳ vọng lạm phát và lãi suất sẽ cùng giảm trong nửa cuối năm

Công ty chứng khoán VNDirect cho biết chỉ số tiêu dùng CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2020 tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019, cao hơn một chút so với mục tiêu của Chính phủ là kiểm soát lạm phát dưới 4%.

"Chúng tôi dự báo lạm phát sẽ giảm nhanh kể từ đầu quý IV/2020 do mức chênh lệch giữa giá thịt lợn hơi trong quý IV/2020 so với cùng kỳ sẽ thu hẹp đáng kể so với mức chênh lệch của giữa 9 tháng đầu năm 2020 và cùng kỳ năm 2019. Do đó, chúng tôi dự báo chỉ số giá tiêu dùng của nhóm ngành lương thực và thực phẩm trong quý IV/2020 sẽ giảm mạnh. Chúng tôi giữ nguyên dự báo CPI bình quân năm 2020 tăng 3,2% so với cùng kỳ", báo cáo của VNDirect nhấn mạnh.

VNDirect dự báo áp lực lạm phát sẽ vẫn ở mức thấp trong năm 2021 do giá thịt lợn hơi có thể tiếp tục giảm sau khi quy mô đàn lợn trong nước dần phục hồi về mức trước dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, CPI bình quân năm 2021 dự báo tăng 2,9% so với năm 2020.

Về chính sách tiền tệ, nhóm chuyên gia kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và hạ lãi suất điều hành (lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn) khoảng 0,25-0,5% trong nửa cuối năm 2020.

"Chúng tôi cũng kỳ vọng lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại sẽ giảm 0,25-0,5 điểm% trong nửa cuối năm, trong đó lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn có thể giảm mạnh hơn so với các kỳ hạn dài", báo cáo của VNDirect nêu.

>>> Xem thêm: VNDirect: Lạm phát và lãi suất sẽ cùng giảm trong nửa cuối năm

Ngân hàng chỉ được “mua đứt” trái phiếu của nhau nếu thời hạn còn lại dưới 12 tháng

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành.

Trước đó, Luật các tổ chức tín dụng đã quy định ngân hàng thương mại được tham gia đấu thầu tín phiếu Kho bạc, mua, bán công cụ chuyển nhượng, trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Kho bạc, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và các giấy tờ có giá khác trên thị trường tiền tệ, ngân hàng thương mại được mua, bán trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo thông tư là việc quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua, bán hẳn kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu có thời hạn còn lại dưới 12 tháng.

Thời hạn còn lại tính từ ngày thanh toán tiền mua giấy tờ có giá đến ngày đến hạn thanh toán toàn bộ gốc, lãi.

>>> Xem thêm: Ngân hàng chỉ được 'mua đứt' trái phiếu của nhau nếu thời hạn còn lại dưới 12 tháng

So sánh kết quả kinh doanh của ‘Big 4’ ngân hàng Việt nửa đầu năm

Đến thời điểm hiện tại, cả 4 ngân hàng thương mại quốc doanh gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank ("Big 4" ngân hàng) đều đã công bố báo cáo tài chính riêng lẻ bán niên 2020 đã kiểm toán.

Số liệu tổng hợp cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, Agribank tiếp tục là "anh cả" trong nhóm "Big 4" khi đem về tổng thu nhập hoạt động (thu nhập từ tất cả các hoạt động kinh doanh, bao gồm cả hoạt động tín dụng và các hoạt động phi tín dụng) lớn nhất với 25.466 tỷ đồng. Trong đó, 79% là đến từ hoạt động tín dụng và 21% đến từ các hoạt động phi tín dụng.

Kế đó là Vietcombank với 22.615 tỷ đồng (75% đến từ tín dụng và 25% đến từ phi tín dụng), BIDV với 21.186 tỷ đồng (73% đến từ tín dụng và 27% đến từ phi tín dụng) và VietinBank với 20.340 tỷ đồng (78% đến từ tín dụng và 22% đến từ phi tín dụng).

Như vậy, phần lớn nguồn thu của 4 ngân hàng thương mại quốc doanh trên vẫn đến từ hoạt động tín dụng với tỷ trọng từ 75% đến 80%.

Việc Agribank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động lớn nhất trong nhóm "Big 4" là dễ hiểu khi đây là ngân hàng có quy mô lớn nhất hệ thống ngân hàng xét cả về tổng tài sản lẫn dư nợ tín dụng.

Tuy nhiên, quy mô BIDV không kém Agribank là bao nhưng tổng thu nhập hoạt động vẫn kém xa; thậm chí kém hơn cả Vietcombank - ngân hàng có quy mô nhỏ nhất nhóm "Big 4".

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, Vietcombank đứng đầu nhóm "Big 4" về lợi nhuận trước thuế với 10.707 tỷ đồng. Kế đó là VietinBank với 7.482 tỷ đồng, Agribank với 6.761 tỷ đồng và cuối cùng là BIDV với 4.162 tỷ đồng.

>>> Xem thêm: So găng kết quả kinh doanh của 'Big 4' ngân hàng Việt nửa đầu năm

Tin mới lên