Ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: Ngân hàng đối mặt rủi ro và nỗi lo của Phó Thống đốc

(VNF) - Vốn đầu tư trung dài hạn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, trong khi huy động vốn của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, do đó hệ thống các TCTD đối mặt với rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn. Đây là cảnh báo đáng chú ý của NHNN đưa ra tuần qua về dự báo chính sách tiền tệ 2023

Ngân hàng tuần qua: Ngân hàng đối mặt rủi ro và nỗi lo của Phó Thống đốc

(Ảnh minh hoạ)

Lo vốn trung, dài hạn phụ thuộc ngân hàng, Phó thống đốc mong sớm khắc phục bất cập trái phiếu

Trong chia sẻ với báo giới mới đây về định hướng giải pháp điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trong năm 2023, ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho hay trong thời gian tới, bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục còn nhiều yếu tố bất lợi và khó lường, các ngân hàng trung ương (NHTW) tiếp tục duy trì thắt chặt CSTT, tăng lãi suất để tiếp tục kiểm soát lạm phát.

 Để thực hiện thành công mục tiêu lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 4,5% mà Quốc hội đặt ra, thời gian tới, lãnh đạo NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT để kiểm soát lạm phát; góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến lạm phát và mục tiêu CSTT, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ với các biện pháp và công cụ CSTT để ổn định thị trường ngoại tệ; sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của tổ chức tín dụng (TCTD), qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

"Hiện nay, vốn đầu tư trung dài hạn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, trong khi huy động vốn của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, do đó hệ thống các TCTD đối mặt với rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn. Để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển kinh tế thì cần phát triển thị trường vốn một cách an toàn, bền vững như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, theo đó cần rà soát lại các quy định pháp lý và có giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay trên các thị trường này", Phó thống đốc lưu ý.

>>> Xem thêm: Lo vốn trung, dài hạn phụ thuộc ngân hàng, Phó thống đốc mong sớm khắc phục bất cập trái phiếu

 

Nhóm ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận 2022: Tỷ USD trong tầm tay

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) là nhà băng đầu tiên công bố lợi nhuận 2022. Lãnh đạo VietinBank cho biết, năm 2022, ngân hàng đã hoàn thành các chỉ tiêu được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Trong đó, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2022 ước đạt 20.500 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp dưới 1,2%, tỷ bao phủ nợ xấu đạt 190%. Thu hồi nợ xử lý rủi ro với kết quả thu hồi nợ gốc lãi xử lý rủi ro tăng hơn 60% so với số thu năm 2021. Tỷ lệ chi phí hoạt động/thu nhập hoạt động (CIR) dưới 30%.

Đến hết năm 2022, tổng quy mô tín dụng mà VietinBank dành cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên chiếm hơn 40% tổng danh mục tín dụng.

Thông tin tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2023 sáng 9/1, lãnh đạo Vietcombank cho biết, kết thúc năm 2022, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của Vietcombank tăng 39% so với năm 2021 (khoảng 36.774 tỷ đồng, đạt 119% kế hoạch năm 2022). NIM đạt 3,51%, tăng 0,24 điểm % so với 2021. Chỉ số ROAA và ROAE duy trì ở mức cao, tương ứng là 1,84% và 24,25%.

Trong đó, năm 2022, tín dụng tăng trưởng vượt mốc 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021. Tín dụng bán buôn tăng trưởng 18,5%; Tín dụng bán lẻ tăng trưởng ở mức 19,4% so với năm 2021.

Huy động vốn thị trường I của ngân hàng đạt xấp xỉ 1,26 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2021, đạt 100% kế hoạch năm 2022. Tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn (CASA) bình quân đạt 34%, tăng 1,8 điểm % so với 2021 (tương đương khoảng 428.000 tỷ đồng). Huy động vốn bán buôn tăng trưởng 10,4%; huy động vốn bán lẻ tăng trưởng ở mức 8% so với năm 2021.

>>> Xem thêm: Nhóm ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận 2022: Tỷ USD trong tầm tay

BIDV báo lãi trước thuế 23.190 tỷ đồng trong năm 2022, tăng hơn 70%

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác Đảng và công tác kinh doanh năm 2023, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) đã tiết lộ các chỉ tiêu kinh doanh đạt được tính đến hết ngày 31/12/2022.

Theo đó, tổng tài sản của BIDV ở thời điểm cuối năm 2022 đạt hơn 2,08 triệu tỷ đồng, tăng trưởng gần 21% so với năm 2021. Tổng nguồn vốn huy động đạt 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 21,1% so với đầu năm; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1,62 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với đầu năm và chiếm gần 13,6% thị phần tiền gửi toàn ngành ngân hàng.

Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12,65% so với đầu năm, cao hơn mức thực hiện năm 2021 (11,8%). Được biết, BIDV được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12,7% trong năm 2022.

Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu của BIDV đạt 0,9%, tăng nhẹ so với mức 0,83% ở thời điểm đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 245%, giảm 34 điểm phần trăm so với mức 279% ghi nhận cuối năm 2021.

BIDV báo lãi trước thuế năm 2022 đạt 23.190 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 71% so với mức thực hiện năm 2021. Trong đó, lợi nhuận trước thuế khối ngân hàng thương mại đạt 22.560 tỷ đồng. Lợi nhuận của khối các công ty con, công ty liên doanh, liên kết đạt gần 1.600 tỷ đồng.

>>> Xem thêm: BIDV báo lãi trước thuế 23.190 tỷ đồng trong năm 2022, tăng hơn 70%

Huy động tiết kiệm xấp xỉ 10%, lãi suất 2023 chỉ tăng khó giảm?

Hưởng ứng kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng về việc đưa mức lãi suất huy động về dưới 9,5%/năm (kể cả ưu đãi), nhiều ngân hàng đã thông báo công khai hạ lãi suất huy động từ 1-2,5%/năm so với trước, lãi suất cho vay cũng được giảm theo. Đến nay, hầu hết ngân hàng niêm yết mức lãi suất tiết kiệm cao nhất chỉ 9,5%, trong khi lãi suất trước đó lên tới 11-12%.

Tuy vậy, hiện vẫn còn một số ngân hàng áp dụng mức lãi suất tiết kiệm cao nhất vượt mức cam kết chung 9,5% như Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hay Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB).

Lãi suất huy động gần đây đã hạ nhiệt. Nhưng một số chuyên gia cho rằng hiện vẫn chưa phải "đỉnh" lãi suất. Do đó, mặt bằng lãi suất có khả năng sẽ tăng trở lại.

Thực tế, một số ngân hàng mới điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn.

Ngân hàng Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản trong quý I/2023 và giữ nguyên cho đến cuối năm 2024 nhằm duy trì sự ổn định. 

Tương tự, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) dự báo nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng lãi suất do lãi suất điều hành của Mỹ vốn đã vượt mức trước dịch Covid-19 trong khi mức lãi suất điều hành của Việt Nam chỉ mới ngang bằng so với trước dịch.

Còn các chuyên gia của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo lãi suất liên ngân hàng có thể tăng thêm 0,5-1 điểm % trong nửa đầu năm 2023 khi Fed dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất. ACBS cũng kỳ vọng lãi suất điều hành của Việt Nam có thể thêm 1-2 điểm % vào năm 2023.

>>> Xem thêm: Huy động tiết kiệm xấp xỉ 10%, lãi suất 2023 chỉ tăng khó giảm?

Không hỗ trợ lãi suất cho vay bằng đồng USD

Cử tri tỉnh Tiền Giang vừa có kiến nghị gửi NHNN trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV liên quan đến việc xem xét hỗ trợ lãi suất cho vay bằng USD đối với các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Cử tri cho rằng, Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có hỗ trợ lãi suất khi cho vay bằng đồng Việt Nam nhưng chưa tính đến việc hỗ trợ lãi suất USD cho các doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, cử tri đề nghị xem xét, mở rộng ngành nghề được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Nguyên nhân là do nhiều ngành, nghề khác cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 chứ không riêng gì các ngành nghề được quy định tại Nghị định.

Về vấn đề này, NHNN cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp để hạn chế tình trạng đô la hóa nền kinh tế, trong đó có việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay bằng ngoại tệ, dần chuyển từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán nhằm ổn định thị trường ngoại tệ và tăng niềm tin của người dân vào đồng nội tệ.

Việc triển khai hỗ trợ lãi suất cho vay ngoại tệ sẽ làm tăng nhu cầu ngoại tệ, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường quốc tế diễn biến phức tạp có thể gây ra áp lực tới tỷ giá trong nước và mục tiêu chính sách tiền tệ, làm giảm hiệu lực các chính sách hạn chế tình trạng đô la hóa đang được triển khai hiện nay.

Mặt khác, trên thực tế, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ thường thấp hơn so với lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam. Vì vậy, khi vay vốn bằng ngoại tệ, doanh nghiệp đã được vay với mức lãi suất thấp hơn so với việc vay vốn bằng đồng Việt Nam.

>>> Xem thêm: Không hỗ trợ lãi suất cho vay bằng đồng USD

Sau 1 năm lãi đậm, ngân hàng tiếp tục thu lợi lớn trong 2023

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố một số kết quả chính của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong Quý I/2023.

Đánh giá cả năm 2022, các TCTD nhận định tình hình thanh khoản “cải thiện” so với năm 2021 nhưng không được như kỳ vọng. Tính chung trong năm 2022, 80% TCTD nhận định tình hình kinh doanh tổng thể ”cải thiện” so với năm 2021, 87% TCTD ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng dương so với năm 2021, có 9,3% TCTD ước tính lợi nhuận tăng trưởng âm.

Năm 2023, các TCTD kỳ vọng thanh khoản hệ thống tiếp tục được cải thiện so với năm 2022. Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 2,9% trong quý I/2023 và tăng 10% trong năm 2023. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4% trong quý I/2023 và tăng 13,7% trong năm 2023.

Các TCTD dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng diễn biến khả quan trong quý I/2023 nhưng tăng với tốc độ chậm lại trong năm 2023 so với năm 2022, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng tăng nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán. 

Dự báo về hoạt động kinh doanh năm 2023, các TCTD tỏ ra thận trọng hơn trong thời gian tới với 56,4-75,4% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I/2023 và cả năm 2023 nhưng mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với năm 2022. 95,3% TCTD kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2023 so với năm 2022, 2,8% TCTD dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 1,9% dự kiến lợi nhuận không thay đổi.

>>> Xem thêm: Sau 1 năm lãi đậm, ngân hàng tiếp tục thu lợi lớn trong 2023

Vào thời không tiền mặt: Thanh toán qua di động, quét QR code… tăng hơn 100%

Theo thống kê của NHNN, tính đến hết tháng 11/2022, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, giao dịch TTKDTM tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 89,36% và 40,55%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 116,1% và 92,3%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 182,5% và 210,6%; giao dịch qua POS tăng tương ứng 53,57% và 48,78%; giao dịch qua ATM tăng tương ứng 13,28% và 14,04%.

Theo ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), hoạt động thanh toán điện tử tiếp tục tăng trưởng nhanh trong năm 2022 với tổng số lượng giao dịch và giá trị giao dịch thực hiện qua NAPAS tiếp tục tăng tương ứng là 96,5% và 87,3% so với năm 2021.

Năm 2022 tiếp tục ghi nhận tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS giảm từ 12% trong năm 2021, xuống mức 6,56% của năm 2022. Tỷ trọng giao dịch thẻ chip thực hiện qua hệ thống NAPAS tiếp tục tăng từ 26% năm 2021 lên đến hơn 60% năm 2022.

Trước đó, theo NAPAS, tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS giảm từ 26% năm 2020 xuống mức 12% năm 2021. Như vậy, con số tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt hiện chỉ bằng 1/4 so với cách đây 2 năm.

Theo kế hoạch chuyển đổi số toàn ngành, NHNN đặt mục tiêu cho các mốc 2025 tới 2030 tương ứng 50-70% nghiệp vụ ngân hàng cho phép thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 50-80% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số; có 60-80% đơn vị có doanh thu từ kênh số đạt trên 30%; 50-70% quyết định giải ngân của ngân hàng, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng cá nhân được số hoá và 70-90% hồ sơ công việc được lưu trữ/xử lý trên môi trường số.

>>> Xem thêm: Vào thời không tiền mặt: Thanh toán qua di động, quét QR code… tăng hơn 100%

Tin mới lên