Ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: NHNN bổ nhiệm 2 Phó thống đốc, Eximbank biến động nhân sự cấp cao

(VNF) - Thủ tướng bổ nhiệm 2 Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Eximbank sắp có biến động nhân sự cấp cao; BIDV rao bán khoản nợ với giá hơn 547 tỷ đồng là những tin tức đáng chú ý trong tuần qua.

Ngân hàng tuần qua: NHNN bổ nhiệm 2 Phó thống đốc, Eximbank biến động nhân sự cấp cao

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký 2 quyết định bổ nhiệm có thời hạn 2 Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

BIDV rao bán khoản nợ hơn 547 tỷ đồng

Theo thông báo của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), phiên đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Quang với mức giá khởi điểm hơn 547 tỷ đồng được tổ chức vào ngày 12/11 vừa qua.

Trước đó, theo thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá được công bố hồi đầu tháng 7, BIDV cho biết dư nợ của Công ty Thành Quang tại ngân hàng này tính đến ngày 21/3/2021 là hơn 670 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 469 tỷ đồng, dư nợ lãi là hơn 201 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo của khoản nợ này là một số quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại huyện Đông Anh cùng máy móc thiết bị của dự án nhà máy xử lý rác thải huyện Đông Anh.

BIDV từng 2 lần thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty Thành Quang vào tháng 9 và tháng 10 với mức giá khởi điểm lần lượt là gần 676 tỷ đồng và hơn 608 tỷ đồng. Như vậy, so với giá trị của khoản nợ và so với các mức giá khởi điểm trước thì mức giá khởi điểm trong thông báo mới nhất của BIDV đều thấp hơn đáng kể.

Hiện kết quả của phiên đấu giá chưa được phía BIDV công bố. 

>>> Xem thêm: BIDV rao bán khoản nợ của chủ dự án khu xử lý rác thải huyện Đông Anh với giá hơn 547 tỷ đồng

Thống đốc NHNN cảnh báo rủi ro lạm phát lớn trong năm 2022

Sáng 12/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã giải đáp nhiều nội dung mà các đại biểu Quốc hội chất vấn liên quan đến lĩnh vực của ngành.

Về dư địa để tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết chính sách tiền tệ có 2 nhiệm vụ. Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát.

Thứ hai, trong vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, ngành ngân hàng phải đảm bảo hệ thống tín dụng hoạt động an toàn, sẵn sàng khả năng chi trả cho người dân.

"Để xác định dư địa còn giảm lãi suất tiếp hay không, thời gian vừa qua, khi đánh giá thực trạng hoạt động ngân hàng và kinh tế vĩ mô, chúng tôi thấy năm 2021 khả năng đạt chỉ tiêu lạm phát dưới 4% theo mục tiêu của Quốc hội đề ra là có thể. Hết tháng 10, lạm phát mới tăng 1,81%. Tuy nhiên, sang năm 2022, rủi ro lạm phát đang có áp lực lớn", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Thống đốc NHNN cũng cho biết nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đang gia tăng. Thời gian qua, các ngân hàng giảm lãi suất bằng chính nguồn lực tài chính của mình chứ không phải tiền từ ngân sách. Khi nợ xấu tăng, bản thân các tổ chức tín dụng phải dùng nguồn lực tài chính của mình để xử lý nợ xấu.

“Nếu chúng ta để tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng bị suy giảm sẽ ảnh hưởng đến khả năng chi trả và an toàn của hệ thống. Đây là bài học kinh nghiệm rất lớn từ thời gian trước đây khi tăng trưởng tín dụng cao, thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất trong năm 2008 đã có rủi ro lạm phát trong năm 2011 có thời điểm lên tới 18%”, Thống đốc nhấn mạnh.

>>> Xem thêm: Thống đốc NHNN cảnh báo rủi ro lạm phát lớn trong năm 2022

Eximbank sắp có biến động về nhân sự cấp cao

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB) vừa có thông báo về việc ngày 24/11 tới sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền đề cử nhân sự dự kiến bầu vào HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ VII (2020 - 2025).

Cụ thể, số lượng nhân sự HĐQT Eximbank dự kiến trình cổ đông thông qua là 7 thành viên, trong đó có ít nhất 1 thành viên độc lập. Nhiệm kỳ của HĐQT là 5 năm, nhiệm kỳ của thành viên HĐQT được tính theo nhiệm kỳ của HĐQT.

Về số lượng thành viên Ban kiểm soát (BKS), ngân hàng dự kiến bầu 3 thành viên nhiệm kỳ VII (2020-2025). Trong đó phải có ít nhất ½ tổng số thành viên là thành viên chuyên trách, không đồng thời đảm nhiệm chức vụ, công việc khác tại tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp khác.

Thời gian Eximbank gửi thông báo cho cổ đông về việc đề cử nhân sự dự kiến được bầu vào HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ VII (2020-2025) là ngày 30/11/2021.

>>> Xem thêm: Eximbank sắp có biến động về nhân sự cấp cao, dự kiến tổ chức ĐHCĐ vào tháng 3/2022

Ông Phạm Tiến Dũng được bổ nhiệm làm Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký 2 quyết định bổ nhiệm có thời hạn 2 Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là ông Phạm Tiến Dũng và ông Phạm Thanh Hà.

Ông Phạm Tiến Dũng có 30 năm kinh nghiệm làm việc tại Ngân hàng Nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin ngân hàng.

Ông từng công tác tại phòng Phát triển Phần mềm – Cục Công nghệ Tin học, tham gia phát triển các phần mềm thanh toán bù trừ, thanh toán liên ngân hàng; tham gia triển khai hệ thống CA cho Ngân hàng Nhà nước áp dụng cho các tổ chức tín dụng; triển khai Tuxedo cho hệ thống Ngân hàng Nhà nước.

Từ tháng 4/2014, ông được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chuyển mạch tài chính Quốc gia Việt Nam (Banknetvn) và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Banknetvn nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Từ tháng 6/2017, ông Phạm Tiến Dũng giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ông Phạm Thanh Hà là Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh - Đại học George Washington - Mỹ. Ông được tiếp nhận và bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước từ ngày 21/8/2017.

Ông Hà đã công tác tại Vietcombank 23 năm, trong đó từng giữ các chức vụ trưởng phòng các đề án công nghệ, phòng kinh doanh ngoại tệ, phòng quản lý và kinh doanh vốn trước khi được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank năm 2010.

>>> Xem thêm: Ông Phạm Tiến Dũng được bổ nhiệm làm Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

TPB vào vùng giá cao, con gái phó chủ tịch muốn mua 1 triệu cổ phiếu

Bà Đỗ Quỳnh Anh vừa đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu TPB của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) trong thời gian từ ngày 17/11 đến ngày 16/12, theo phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh.

Tạm tính theo thị giá của TPB, bà Quỳnh Anh dự kiến phải chi hơn 43 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch.

Hiện cổ đông này đang nắm giữ gần 34 triệu cổ phiếu TPB, tương đương tỷ lệ 2,9%. Nếu mua thành công số lượng cổ phiếu TPB đã đăng ký, bà Đỗ Quỳnh Anh sẽ nâng số lượng nắm giữ lên gần 35 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 2,98%.

Được biết, bà Đỗ Quỳnh Anh là con gái của ông Đỗ Anh Tú, Phó chủ tịch HĐQT TPBank.

Trước bà Quỳnh Anh, nhóm cổ đông liên đến SoffBank đã mua xong 24 triệu cổ phiếu TPB trong thời gian từ ngày 5/10 đến ngày 3/11.

>>> Xem thêm: TPB vào vùng giá cao, con gái phó chủ tịch muốn mua 1 triệu cổ phiếu

Tin mới lên