Ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: Nhóm cổ đông Nhật gom cổ phiếu TPBank, ngành ngân hàng lo rủi ro trung hạn

(VNF) - Bốn tổ chức có liên quan đến Khối đầu tư của SoftBank gồm quỹ SBI Ven Holdings Pre, Công ty Cổ phần quản lý quỹ đầu tư FPT (FPT Capital, thực hiện theo ủy thác đầu tư của SBI Ven Holdings Pte. Ltd), Công ty TNHH SP và Công ty TNHH JB đồng loạt đăng ký mua vào tổng cộng 28,4 triệu cổ phiếu của TPBank là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Ngân hàng tuần qua: Nhóm cổ đông Nhật gom cổ phiếu TPBank, ngành ngân hàng lo rủi ro trung hạn

Nhóm cổ đông Nhật muốn gom thêm hơn 28 triệu cổ phiếu của TPBank trước tin tăng vốn đợt 2 là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua

Yuanta: Cho vay chững lại và dự phòng tăng, lợi nhuận ngân hàng quý III sẽ giảm 19% so với quý II

Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng vừa công bố, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho hay tăng trưởng tín dụng bị chững lại do ảnh hưởng từ đại dịch.

"Tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng khá thấp, nhưng đây không phải là điều quá bất ngờ trong bối cảnh tác động từ đại dịch. Trong 8 tháng năm 2021, tăng trưởng tín dụng đạt 7,4%. Chúng tôi tin rằng tăng trưởng tín dụng trong quý III/2021 được thúc đẩy chủ yếu nhờ vào các khoản cho vay cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và trái phiếu doanh nghiệp. Nhìn chung, chúng tôi dự báo rằng thu nhập lãi thuần trong quý III/2021 sẽ giảm 2% so với quý trước", Yuanta nhận định.

Tuy nhiên, công ty chứng khoán này kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ hồi phục trong quý IV/2021 khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Yuanta cho rằng biên lãi thuần NIM của các ngân hàng sẽ giảm trong quý III/2021 do các ngân hàng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tuy nhiên, thanh khoản hệ thống toàn ngành cải thiện kể từ đầu tháng 6, cụ thể là lãi suất qua đêm đã giảm 0,86 điểm phần trăm, do đó, có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ ít nhất là đến cuối năm; vì vậy, NIM sẽ cải thiện nhẹ trong quý IV/2021 khi nhu cầu tín dụng tăng trở lại.

Trái ngược với việc nguồn thu từ hoạt động tín dụng dự kiến giảm, Yuanta cho rằng thu nhập phí trong quý III/2021 sẽ tăng và đây sẽ là động lực chính giúp thúc đẩy lợi nhuận trong quý này.

Công ty chứng khoán này kỳ vọng lợi nhuận ngân hàng quý III/2021 sẽ giảm 19% so với quý II/2021 do tăng trưởng cho vay thấp và chi phí dự phòng tăng. Việc tăng trích lập dự phòng sẽ tác động nhiều hơn đối với các ngân hàng có tỷ lệ LLR thấp.

>>> Xem thêm: Yuanta: Cho vay chững lại và dự phòng tăng, lợi nhuận ngân hàng quý III sẽ giảm 19% so với quý II

An Giang: Bắt 5 kế toán tiếp tay lập hồ sơ vay vốn khống, chiếm đoạt trên 600 tỷ đồng của ngân hàng

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết vừa ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với 5 bị can nguyên là kế toán, kế toán trưởng các công ty về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Các đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam gồm: Nguyễn Thị Huyền (SN 1963), Nguyên kế toán trưởng Công ty Cổ phần Việt An; Nguyễn Thị Thu Hằng (SN 1981), Nguyên kế toán trưởng Công ty TNHH Bách Phúc; Huỳnh Thị Minh Trâm (SN 1976), Nguyên kế toán Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bình Minh; Huỳnh Thị Thơ Đào (SN 1985), Nguyên kế toán trưởng Công ty TNHH Việt Hưng An Giang và Tống Duy Khương (1990), Nguyên kế toán Công ty TNHH Việt Hưng An Giang.

Trước đó, ngày 11/6/2021, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Lưu Bách Thảo, Nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Việt An; Ngô Văn Thu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Việt An; Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bình Minh; Trương Minh Giàu, Giám đốc Công ty TNHH Minh Giàu; Nguyễn Viết Tuyên, Nguyên Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng An Giang và Lưu Bá Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Bách Phúc về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do Lưu Bách Thảo đã trốn khỏi địa phương nên cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã ra Quyết định truy nã đặc biệt nguy hiểm toàn quốc đối với Lưu Bách Thảo.

Theo kết quả điều tra, từ năm 2010 - 2014, Công ty Cổ phần Việt An do Lưu Bách Thảo, Nguyên Tổng giám đốc; Ngô Văn Thu - Tổng giám đốc cùng Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bình Minh, Công ty TNHH Minh Giàu lập 100 bộ hồ sơ vay vốn khống để chiếm đoạt số tiền trên 601 tỷ đồng của Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh An Giang.

Trong đó, có sự giúp sức của Nguyễn Viết Tuyên (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng An Giang), Lưu Bá Phúc (Giám đốc Công ty TNHH Bách Phúc) và sự tham gia làm hồ sơ chứng từ vay vốn khống của Huyền, Hằng, Trâm, Đào và Khương giúp sức cho 3 công ty trên vay vốn chiếm đoạt số tiền trên 601 tỷ đồng.

Ngày 30/5/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

>>> Xem thêm: An Giang: Bắt 5 kế toán tiếp tay lập hồ sơ vay vốn khống, chiếm đoạt trên 600 tỷ đồng của ngân hàng

16 ngân hàng trong đó có BIDV đã giảm hàng nghìn tỷ đồng lãi vay cho khách hàng

16 ngân hàng đã giảm 8.865 tỷ đồng lãi vay cho khách hàng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tính từ 15/7 đến 31/8, 16 ngân hàng thương mại chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế đã thực hiện việc giảm lãi suất cho khách hàng vay là 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Theo đó, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận (thông qua Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng.

Riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Các ngân hàng thực hiện cam kết với với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam gồm: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Seabank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Hàng Hải  (MSB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín( Sacombank).

>>> Xem thêm: 16 ngân hàng đã giảm 8.865 tỷ đồng lãi vay cho khách hàng

Ngành ngân hàng lo rủi ro trung hạn

Trong cuộc họp bàn về chính sách tín dụng cho ngành hàng không diễn ra mới đây, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho hay ngành ngân hàng chia sẻ khó khăn với ngành hàng không cũng như các ngành kinh tế khác. Tuy nhiên, ông Tú, ngành ngân hàng cũng là một ngành kinh tế, các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp, cũng rất khó khăn.

"Điều hành vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước đối với với lĩnh vực tiền tệ, tín dụng lúc này có thể nói là rất lo lắng. Không hẳn là lo lắng ngay hôm nay mà lo lắng cho câu chuyện trung hạn trong mấy năm tới. Khi nền kinh tế giai đoạn 2009 - 2010 chịu tác động của khủng hoảng tài chính khu vực, mới chỉ tác động tới một số lĩnh vực kinh tế nhưng xảy ra câu chuyện bong bóng tài sản, chứng khoán lên, bất động sản lên, khi rút bong bóng để lại một mớ nợ xấu cho ngân hàng. Lúc đó nợ xấu chiếm 11% tổng dư nợ và ngân hàng phải giải quyết đến bây giờ vẫn chưa hết", Phó Thống đốc cho hay.

Thời kỳ đó, quy mô dư nợ nền kinh tế chỉ khoảng 2,4 - 2,7 triệu tỷ đồng nhưng hôm nay đã lên đến 9,8 triệu tỷ đồng. Quy mô lớn càng khiến lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước lo ngại.

Với các gói tín dụng hỗ trợ nền kinh tế, Phó Thống đốc cho hay cần phải cân nhắc đến vấn đề nợ xấu, bởi tác động tới ngành ngân hàng có độ trễ khoảng nửa năm, một năm. "Ngay bây giờ nợ xấu cũng có nguy cơ tăng lên. Theo tính toán sơ bộ, hiện nay tỷ lệ nợ xấu và nợ có nguy cơ trở thành nợ xấu ở mức trên 7% dư nợ, cho nên rất lo ở góc độ vĩ mô", ông Tú nói.

"Có chuyên gia IMF, WB khuyên chúng tôi nếu quá lạm dụng chính sách tiền tệ thì quốc gia sẽ trả giá đắt. Nếu như không kiểm soát được lạm phát, nếu như tiền cứ ra như thế này thì ai dám chắc không lạm phát trong những năm tới? Độ trễ của ngành ngân hàng nửa năm, một năm. Ví dụ như tái cơ cấu nợ, nhìn sổ sách thì tưởng đẹp nhưng thực chất rất nhiều doanh nghiệp, ở các ngành khác nhau có khi 5, 7 năm sau mới phục hồi. Họ gần như kiệt quệ, 80-90% giá trị tài sản, vốn liếng đều ở ngân hàng, tức là hoạt động bằng tiền vay", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu quan điểm.

Một rủi ro khác với ngành ngân hàng trong trung hạn, theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, là khi dịch Covid-19 từng bước được khống chế, nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn thì nhu cầu vốn cũng sẽ tăng, doanh nghiệp sẽ rút tiền ra thanh toán, tác động đền nguồn tiền huy động của các tổ chức tín dụng. Nhằm đảm bảo thanh khoản để cho vay tiếp, lãi suất sẽ phải bị điều chỉnh tăng lên, khó giữ được mặt bằng thấp như hiện nay.

>>> Xem thêm: Ngành ngân hàng lo rủi ro trung hạn

Nhóm cổ đông Nhật muốn gom thêm hơn 28 triệu cổ phiếu của TPBank trước tin tăng vốn đợt 2

Bốn tổ chức có liên quan đến Khối đầu tư của SoftBank gồm quỹ SBI Ven Holdings Pre, Công ty Cổ phần quản lý quỹ đầu tư FPT (FPT Capital, thực hiện theo ủy thác đầu tư của SBI Ven Holdings Pte. Ltd), Công ty TNHH SP và Công ty TNHH JB đồng loạt đăng ký mua vào tổng cộng 28,4 triệu cổ phiếu TPB.

Cụ thể, SBI Ven Holdings Pre đăng ký mua vào 6 triệu cổ phiếu TPB, dự kiến nâng số lượng nắm giữ lên hơn 54,4 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 4,65%.

FPT Capital theo ủy thác của SBI Ven Holdings Pre đăng ký mua vào 6 triệu cổ phiếu TPB. Công ty TNHH SP và Công ty TNHH JB đều đăng ký mua vào cùng số lượng 8,2 triệu cổ phiếu TPB, qua đó nâng số lượng nắm giữ lên hơn 48,1 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 4,11% (mỗi công ty).  

Tạm tính theo thị giá của TPB, nhóm các công ty này dự kiến chi hơn 1.100 tỷ đồng để mua hết số lượng cổ phiếu đã đăng ký.

Được biết, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt hiện là chủ tịch HĐQT của Công ty TNHH SP và Công ty TNHH JB, đồng thời là Tổng giám đốc FPT Capital. Tại TPBank, bà Nguyệt nắm giữ vị trí thành viên ban kiểm soát.

Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận, trong thời gian từ ngày 5/10 đến ngày 3/11. Trừ FPT Capital, tất cả giao dịch đều được thực hiện với mục đích cơ cấu lại danh mục.

Nhóm cổ đông Nhật thực hiện giao dịch trong bối cảnh TPBank vừa hoàn tất đợt chào bán riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ và dự kiến xin ý kiến cổ đông để thực hiện tăng vốn đợt 2.

>>> Xem thêm: Nhóm cổ đông Nhật muốn gom thêm hơn 28 triệu cổ phiếu của TPBank trước tin tăng vốn đợt 2

Tin mới lên