Ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: Nới room tín dụng thêm 1,5 - 2%, tăng bơm tiền ra thị trường

(VNF) - Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng tuần qua: Nới room tín dụng thêm 1,5 - 2%, tăng bơm tiền ra thị trường

(Ảnh minh hoạ)

Ngân hàng Nhà nước giảm giá bán, tỷ giá USD/VND giảm mạnh

Sáng ngày 9/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều chỉnh tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN. Cụ thể, nhà điều hành tiền tệ đã giảm tỷ giá USD bán giao ngay từ 24.840 đồng/USD xuống mức 24.830 đồng/USD, tức giảm 10 đồng. Đây là lần thứ tư liên tiếp trong vòng một tháng qua, NHNN giảm giá bán USD.

Ba lần giảm giá bán USD tại Sở Giao dịch NHNN trước đó diễn ra vào ngày 11/11, 18/11 và 25/11. Mỗi lần, tỷ giá USD bán giao ngay đều có cùng mức giảm là 10 đồng. Như vậy, tỷ giá USD bán giao ngay từ mức 24.870 đồng/USD vào ngày 11/11 đã được điều chỉnh xuống mức 24.830 đồng/USD vào ngày 9/12.

Trước đó, NHNN đã thực hiện 6 lần nâng giá bán USD liên tiếp, từ 23.050 đồng/USD vào ngày 19/1 lên 24.870 đồng/USD vào ngày 24/10, với mức tăng tổng cộng 1.720 đồng (tăng 7,4%).

Không chỉ hạ giá bán USD, NHNN cũng giảm tỷ giá trung tâm. Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam và USD sáng 9/12 được NHNN công bố ở mức 23.657 đồng/USD, giảm 2 đồng so với ngày 8/12.Với biên độ +/-5% đang áp dụng, tỷ giá trần hôm nay là 24.839 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.474 đồng/USD.

Tỷ giá trung tâm gần đây liên tục được điều chỉnh giảm. Từ mức đỉnh 23.700 đồng/USD vào ngày 24/10, tỷ giá trung tâm đã được hạ xuống còn 23.657 đồng/USD vào ngày 9/12, tức giảm 43 đồng.

>>> Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước giảm giá bán, tỷ giá USD/VND giảm mạnh

Ông Nguyễn Đức Thụy được bầu làm Chủ tịch LienVietPostBank

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) chính thức có Chủ tịch HĐQT mới. Theo đó, ông Nguyễn Đức Thụy được bầu làm Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank kể từ ngày 9/12 thay cho Ông Huỳnh Ngọc Huy (SN 1966) xin từ nhiệm.

Ông Nguyễn Đức Thụy sinh năm 1976, tốt nghiệp Trường Đại học Bang Colorado (Colorado State University – Hoa Kỳ).

Trước khi gia nhập ngành ngân hàng với cương vị Phó Chủ tịch LienVietPostBank hồi tháng 5/2021, ông Nguyễn Đức Thụy từng lãnh đạo nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, từ tài chính – chứng khoán đến thể thao, xi măng, năng lượng…

Việc ông Nguyễn Đức Thụy trở thành Chủ tịch LienVietPostBank thời điểm này có vẻ bất ngờ nhưng nếu lật lại thời điểm hồi tháng 4/2021 khi thị trường xuất hiện thông tin ông Thụy gia nhập ngân hàng thì những phỏng đoán về vai trò của ông Thụy tại LienVietPostBank đã được đưa ra.

Việc HĐQT Ngân hàng này bầu Ông Thụy vào cương vị Chủ tịch là hoàn toàn có thể dự đoán được.

>>> Xem thêm: Ông Nguyễn Đức Thụy được bầu làm Chủ tịch LienVietPostBank

Ngân hàng Nhà nước chính thức nới room tín dụng thêm 1,5 - 2%

Ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Theo đó, nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ… các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

"Việc mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán", Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

>>> Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước chính thức nới room tín dụng thêm 1,5 - 2%

Nới room, bơm thêm thanh khoản: Tín hiệu từ Ngân hàng Nhà nước

Trong 2 phiên giao dịch 7-8/12, thị trường ghi nhận diễn biến đáng chú ý trong hoạt động điều tiết thanh khoản hệ thống NHNN khi sử dụng trở lại hợp đồng repo giấy tờ có giá với kỳ hạn lên tới 3 tháng, sau một thời gian dài tạm ngưng.

Đây là lần đầu tiên trong rất nhiều tháng qua, NHNN mới sử dụng lại hợp đồng repo giấy tờ có giá với kỳ hạn lên tới 3 tháng. Sự thay đổi này cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản có tính ổn định và dài hạn hơn của cơ quan quản lý tiền tệ.

Giới chuyên gia cho rằng, qua việc kéo dài kỳ hạn từ 14 ngày lên 91 ngày, nhà điều hành đã gửi đi tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản hệ thống với kỳ hạn dài hơn.

Song song với việc tăng kỳ hạn cho các khoản vay cầm cố giấy tờ có giá, NHNN tiếp tục dừng hoạt động phát hành tín phiếu hút thanh khoản. 13 phiên liên tiếp gần đây, nhà điều hành đã dừng hút tiền qua kênh này.

Những động thái trên của NHNN diễn ra trong bối cảnh cơ quan này vừa thông báo về việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo đó, tăng trưởng tín dụng có thể lên tới 15,5 - 16%, đồng nghĩa với quy mô tín dụng vào cuối năm nay dự kiến đạt khoảng 12,063 - 12,115 triệu tỷ đồng, cao hơn khoảng 156.000 - 209.000 tỷ đồng so với chỉ tiêu cũ.

>>> Xem thêm: Nới room, bơm thêm thanh khoản: Tín hiệu từ Ngân hàng Nhà nước

Những ngân hàng được ưu tiên tăng thêm mức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong tuần qua đã tăng chỉ tiêu tín dụng (room) trong năm 2022 cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5-2%.

Trả lời báo chí ngày 8/12, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, đến nay, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 12,2%. Như vậy, room tín dụng mà theo phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% vẫn còn 1,8%, cộng gần 2% tăng thêm thì có khoảng 3,8% room tín dụng cho thời gian tới. Có thể nói, đây dư địa khá lớn cho các ngân hàng thương mại (NHTM) cung ứng vốn cho các doanh nghiệp, nền kinh tế.

Các NHTM được phân bổ có thể nhận các mức tín dụng khác nhau, tùy khả năng thanh khoản của mỗi ngân hàng cũng như việc hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, việc nới hạn mức tín dụng thêm từ 1,5-2% nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, tạo dư địa hỗ trợ cho các lĩnh vực cần thiết trong nền kinh tế.

Theo Phó Thống đốc NHNN, một số ngân hàng vẫn chưa sử dụng hết room tín dụng đã được phân bổ từ đầu năm. Chẳng hạn, tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), dư địa tín dụng còn khá dồi dào nên không cần thiết phải nới thêm. Trong khi đó, một số ngân hàng đang tăng lãi suất ở mức cao thì NHNN thấy rằng cũng cần phải hạn chế tăng trưởng tín dụng...

Việc phân bổ tín dụng lần này có thể được xem là một trong những chính sách khuyến khích các NHTM tập trung huy động vốn và giảm lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi, tích cực kể cả về nguồn vốn và lãi suất cho doanh nghiệp, cho các dự án, chương trình cần thiết của nền kinh tế.

>>> Xem thêm: https://vietnamfinance.vn/noi-room-bom-them-thanh-khoan-tin-hieu-tu-ngan-hang-nha-nuoc-20180504224278582.htm

Techcombank nói gì về kế hoạch rót hơn 10.000 tỷ vào TCBS?

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) vừa gửi văn bản xin ý kiến cổ đông về việc mua cổ phiếu chào bán riêng lẻ của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) với tổng giá trị 10.038 tỷ đồng.

Techcombank cho biết, TCBS là công ty con của Techcombank với tỷ lệ sở hữu là 88,8%. Trong vòng 5 năm vừa qua, TCBS hoạt động rất hiệu quả với tỷ suất sinh lời (ROA và ROE) luôn giữ được ở mức cao.

TCBS có kế hoạch tăng vốn thêm từ việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho Techcombank với số tiền là 10.038 tỷ đồng. Việc này sẽ giúp TCBS phát triển mạnh mẽ hơn, qua đó phối hợp với Techcombank cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách hàng của Techcombank về phát hành và đầu tư trái phiếu, quản lý gia sản theo đúng mục tiêu, chiến lược đề ra.

Trước đó, TCBS đã thông báo lấy ý kiến cổ đông về việc thực hiện chào bán riêng lẻ 105 triệu cổ phiếu cho Techcombank với giá chào bán dự kiến 95.600 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền thu được theo giá dự kiến là 10.038 tỷ đồng.

Sau khi thành công chào bán 100% lượng cổ phần, vốn điều lệ của TCBS sẽ tăng lên hơn 2.176 tỷ đồng. Cổ phiếu phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn tất đợt chào bán.

Hoàn tất đợt mua cổ phần chào bán riêng lẻ trên, tỷ lệ sở hữu của Techcombank tại TCBS sẽ tăng lên mức 94,2035% vốn điều lệ.

>>> Xem thêm: Techcombank nói gì về kế hoạch rót hơn 10.000 tỷ vào TCBS?

Tăng room thêm 200 nghìn tỷ đồng, vay vốn vẫn không dễ hơn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng cho toàn hệ thống năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2%. Quy mô tín dụng vào cuối năm nay dự kiến đạt khoảng 12,063 - 12,115 triệu tỷ đồng, cao hơn khoảng 156.000 - 209.000 tỷ so với chỉ tiêu cũ.

Việc phân bổ chỉ tiêu tín dụng sẽ theo nguyên tắc các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Như vậy, nhóm các ngân hàng mới thực hiện việc cắt giảm lãi suất cho vay sẽ có lợi thế hơn. Đến nay, đã có 4 ngân hàng thông báo giảm lãi suất cho nhiều đối tượng khách hàng là Vietcombank, Agribank, HDBank và ACB.

Nhiều tổ chức tín dụng kỳ vọng NHNN có thể xem xét cấp thêm chỉ tiêu cho các ngân hàng đạt những đánh giá chỉ tiêu về năng lực tài chính và có đóng góp cho hệ thống ngân hàng, đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao dịp cao điểm cuối năm.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, các ngân hàng thương mại đang thiếu nguồn vốn huy động để cho vay do tín dụng tăng trưởng cao khi huy động vốn tăng thấp. Vì thế, ngay cả khi NHNN nới room thì các ngân hàng cũng không có vốn để cho vay.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết, 10 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng 11,5% trong khi nguồn vốn chỉ tăng 4,8%. Các ngân hàng đang rất khó khăn trong hệ số an toàn vốn.

Vì vậy, muốn doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn trong thời gian này, nhà quản lý tiền tệ phải bơm tiền, đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng. Cùng với nới room tín dụng, NHNN cũng được chỉ đạo là đảm bảo thanh khoản trong mọi điều kiện, kể cả kéo dài các khoản tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại hơn.

Theo SSI Research, việc nới hạn mức tín dụng trong năm 2022 sẽ chỉ giải quyết một phần nhỏ vấn đề ở thời điểm hiện tại. Dư địa để các ngân hàng thương mại cấp tín dụng hiện nay là có nhưng vấn đề là các tiêu chí cho việc giải ngân cho vay có được nới ra không...

>>> Xem thêm: Tăng room thêm 200 nghìn tỷ đồng, vay vốn vẫn không dễ hơn

Lãi suất cho vay tăng mạnh, khách không dám ký hợp đồng mua nhà

Theo Công ty Chứng khoán VnDirect, tính đến đầu tháng 12/2022, lãi vay mua nhà của các ngân hàng vốn nhà nước và ngân hàng tư nhân đều tăng mạnh, lần lượt 190 điểm cơ bản lên 11,1% và 250 điểm cơ bản lên 12%, so với mức cuối năm 2021.

VNDirect cho rằng, lãi suất huy động có thể tăng hơn 50 điểm cơ bản trong 2023, lãi suất cho vay thế chấp của các ngân hàng tư nhân cũng có thể tăng lên 12,5 - 13%/năm trong 2023.

Các chuyên gia của VNDirect nhận thấy rủi ro vượt khả năng trả nợ vay ngày càng tăng do giá nhà leo thang và lãi suất vay mua nhà tăng nhanh trong năm 2022 - 2023.

Không những vậy, theo VNDirect, người mua nhà sẽ càng khó tiếp cận với cả căn hộ trung cấp (<2.000 USD/m2) tại TP.HCM và Hà Nội, ngay cả với những người có thu nhập trung bình hàng năm gấp đôi (5.500 - 7.500 USD), với tỷ lệ chi trả trên thu nhập hàng tháng ước tính đã đạt 80-100% vào năm 2022.

Hơn nữa, tình hình có thể càng khó khăn hơn vào năm 2023 khi nhiều người mua nhà hết thời gian hưởng ưu đãi lãi vay và phải đối mặt với mức lãi suất đang tăng cao hiện tại.

>>> Xem thêm: Lãi suất cho vay tăng mạnh, khách không dám ký hợp đồng mua nhà

 

Tin mới lên