Ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: Tiền gửi chững lại, BIDV tiếp tục đấu giá khoản nợ của ‘bông hồng vàng’ Phú Yên

(VNF) - Tiền gửi ngân hàng chững lại; BIDV tiếp tục đấu giá khoản nợ của ‘bông hồng vàng’ Phú Yên và Công ty Nam Sơn; Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam báo lãi hơn 170 tỷ nửa đầu năm… là những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Ngân hàng tuần qua: Tiền gửi chững lại, BIDV tiếp tục đấu giá khoản nợ của ‘bông hồng vàng’ Phú Yên

(Ảnh minh họa)

Tiền gửi ngân hàng chững lại

Thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy trong tháng 7/2020, lượng tiền gửi khách hàng tại các tổ chức tín dụng chỉ tăng gần 9.400 tỷ đồng; trong đó, tiền gửi của dân cư tăng gần 4.900 tỷ đồng, còn lại khoảng 4.500 tỷ đồng là đến từ các tổ chức kinh tế.

Hai tháng trước đó, mức tăng tiền gửi khách hàng là rất mạnh. Cụ thể, tháng 6/2020, mức tăng lên đến gần 214.000 tỷ đồng; trong đó khoảng 53.000 tỷ đồng là đến từ dân cư, còn lại khoảng 161.000 tỷ đồng là đến từ các tổ chức kinh tế.

Trong khi đó, tháng 5/2020, mức tăng tiền gửi khách hàng là trên 197.000 tỷ đồng; trong đó khoảng 31.000 tỷ đồng là đến từ dân cư, còn lại khoảng 166.000 tỷ đồng là đến từ các tổ chức kinh tế.

Như vậy, lượng tiền gửi khách hàng tại các tổ chức tín dụng đã chững lại rõ rệt.

>>> Xem thêm: Tiền gửi ngân hàng chững lại

BIDV tiếp tục đấu giá khoản nợ của "bông hồng vàng" Phú Yên và Công ty Nam Sơn

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã thông báo bán đấu giá lần thứ 17 khoản nợ của Công ty Cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn của nữ doanh nhân được mệnh danh là “bông hồng vàng” Phú Yên – bà Võ Thị Thanh và 95 khách hàng cá nhân.

Tài sản đảm bảo của khoản nợ bao gồm 3 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 100B, đường Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, quận 1, TP. HCM; địa chỉ khu phố 2 và khu phố 4, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP. HCM cùng 5,2 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Thuận Thảo (UPCoM: GTT) thuộc sở hữu của bà Võ Thị Thanh.

Phía BIDV cho biết, tại thời điểm ngày 7/4/2020, tổng dư nợ của liên quan đến “bông hồng vàng” Phú Yên là hơn 2.700 tỷ đồng. Trong đó tổng dư nợ của Công ty Cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn là 462 tỷ đồng; tổng dư nợ của 95 khách hàng cá nhân liên quan là 2.273 tỷ đồng.

Giá khởi điểm mà BIDV đưa ra cho khoản nợ trên là 800 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 30% so với tổng dư nợ. Mức giá này thấp hơn 400 tỷ đồng so với mức giá cao nhất từng được BIDV đưa ra cho khoản nợ trên.

Ngoài ra, khoản nợ của Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Nam Sơn cũng đang được BIDV rao bán lần thứ 3.

Tài sản đảm bảo của khoản nợ trên bao gồm toàn bộ phần vốn góp và quyền lợi phát sinh từ giá trị vốn góp của công ty này vào Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh thép Hưng Yên; quyền phát triển và kinh doanh dự án xây dựng – kinh doanh hạ tầng khu dân cư dô thị mới phía Đông Bắc cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh do Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Nam Sơn làm chủ đầu tư cùng nhiều bất động sản tại Hà Nội.

Phía BIDV cho biết tổng dư nợ của Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Nam Sơn tính đến thời điểm bán đấu giá là hơn 245 tỷ đồng. Giá khởi điểm được BIDV đưa ra là 199 tỷ đồng, giảm 22 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm ở lần đấu giá trước.

>>> Xem thêm: BIDV tiếp tục đấu giá khoản nợ của "bông hồng vàng" Phú Yên và Công ty Nam Sơn

Nắm hơn 60.000 tỷ trái phiếu, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam báo lãi hơn 170 tỷ nửa đầu năm

Theo báo cáo tài chính bán niên năm 2020, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ghi nhận gần 340 tỷ đồng tiền thu từ hoạt động bảo hiểm tiền gửi nửa đầu năm nay, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn nguồn thu này là trích từ thu nhập hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi.

Trong khi đó, chi phí hoạt động bảo hiểm tiền gửi chỉ 2,4 tỷ đồng, chủ yếu là chi cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền chính sách về bảo hiểm tiền gửi.

Gánh nặng chi phí chủ yếu của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là chi phí quản lý doanh nghiệp với 165 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lớn nhất là chi phí nhân viên quản lý với 79,4 tỷ đồng, kế đó là chi phí khấu hao tài sản cố định với 45,9 tỷ đồng, chi phí dịch vụ mua ngoài với 19,1 tỷ đồng...

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ghi nhận tổng lợi nhuận gần 173 tỷ đồng, 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến hết ngày 30/6/2020, tổng tài sản của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam lên đến gần 65.000 tỷ đồng, trong đó riêng lượng đầu tư trái phiếu chính phủ đã lên đến gần 60.400 tỷ đồng.

>>> Xem thêm: Nắm hơn 60.000 tỷ trái phiếu, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam báo lãi hơn 170 tỷ nửa đầu năm

Vietcombank "thừa vốn"

Nhóm chuyên gia của SSI cho biết Vietcombank có số dư tiền gửi cao kỷ lục tại Ngân hàng Nhà nước với quy mô 73 nghìn tỷ đồng, tương đương 6,2% tổng tài sản cuối tháng 6/2020. Trong khi đó, lợi suất đối với tiền gửi ở Ngân hàng Nhà nước chỉ ở mức 1%/năm đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng tiền VND và 0%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn bằng tiền VND, là mức rất thấp.

Quy mô tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước tăng dù lợi suất thấp, theo SSI, cho thấy Vietcombank đang thừa thãi vốn và đang có chủ trương thận trọng tăng trưởng tài sản sinh lãi trong giai đoạn này. Điều này hàm ý rằng Vietcombank có rất nhiều dư địa để cải thiện lợi nhuận một khi các nguồn vốn nhàn rỗi này được sử dụng cho các hoạt động kinh doanh có lợi nhuận cao hơn.

Mặc dù nguồn vốn dư thừa hàm chứa tiềm năng tăng trưởng nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tái bùng phát tại Việt Nam cho thấy khả năng phải sang năm 2021 đại dịch mới được kiểm soát, SSI đã đưa ra dự báo thận trọng về kết quả kinh doanh của Vietcombank trong năm 2020 và 2021.

Cụ thể, SSI cho rằng lợi nhuận trước thuế năm 2020 của Vietcombank sẽ ở mức 20.100 tỷ đồng, giảm 13,2% so với năm ngoái. Ước tính này được đưa ra dựa trên kịch bản tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng 0,5% nhưng chi phí dự phòng rủi ro lại tăng tới 61,2%.

Đối với năm 2021, mức lợi nhuận dự báo ở mức 23.470 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2020.

>>> Xem thêm: Vietcombank "thừa vốn"

Nghịch lý: Ngân hàng "ngồi trên đống tiền", doanh nghiệp thì "khát vốn"

Thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở mức dồi dào chưa từng có, song nghịch lý ngân hàng "thừa tiền" nhưng doanh nghiệp thì “khát vốn” vẫn cứ diễn ra.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, 8 tháng qua, hệ thống ngân hàng đã được bổ sung thêm gần 200.000 tỷ đồng thanh khoản. Tính đến giữa tháng 8, huy động vốn toàn hệ thống tăng gần 6,3%, trong khi tín dụng chỉ tăng 4,13%.

Báo cáo cũng cho hay, trong gần 8 tháng, toàn hệ thống ngân hàng mới giải ngân thêm hơn 346.600 tỷ đồng tín dụng ra nền kinh tế, tương đương hơn 1.400 tỷ đồng/ngày. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nửa thập niên qua. Nguyên nhân trực tiếp là đại dịch Covid-19 đã khiến doanh nghiệp suy kiệt, thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa nên khả năng hấp thụ vốn rất thấp.

Theo báo cáo thị trường tiền tệ tháng 8 của Công ty Chứng khoán HSC, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở mức dồi dào chưa từng có, ngay cả khi Kho bạc Nhà nước rút ròng 189.700 tỷ đồng tại 3 ngân hàng: Vietcombank, BIDV, Vietinbank từ đầu năm. Nguyên nhân là do việc tăng trưởng huy động cao hơn nhiều so với tín dụng. Do đó, thời gian này ngành ngân hàng như đang "ngồi trên đống tiền".

Các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng lý giải, hiện tượng tiền nhàn rỗi vẫn chảy mạnh vào các ngân hàng dù lãi suất thấp trong thời gian qua, một phần là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh của nhiều cá nhân, doanh nghiệp bị đình trệ. Cùng với đó, một số kênh đầu tư khác như: vàng, chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ không còn hấp dẫn và có thể sinh lời cao tại thời điểm này.

>>> Xem thêm: Nghịch lý: Ngân hàng "ngồi trên đống tiền", doanh nghiệp thì "khát vốn"

Tin mới lên