Ngân hàng

Ngân hàng và công an hợp lực chống tín dụng "đen"

(VNF) - Bốn năm qua, toàn quốc có 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng "đen"; trong đó có 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp. Truy quét vấn nạn này đồng thời nâng tiếp cận tín dụng toàn diện cho người dân là hướng kết hợp của ngành công an và ngân hàng, được bàn thảo tại một hội nghị chuyên đề ngày 26/12/2018.

Ngân hàng và công an hợp lực chống tín dụng "đen"

Tín dụng "đen" sắp bị tính sổ? Ảnh: Sưu tầm

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp của ngành ngân hàng góp phần hạn chế tín dụng "đen", ông Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đưa ra những con số nhức nhối về tệ nạn tín dụng "đen".  

Nhức nhối tín dụng "đen"

Theo ông Tám, liên quan đến tội phạm tín dụng "đen", ngoài những con số nêu trên, còn có 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ huỷ hoại tài sản.

Cùng đó là 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn lãi suất cao, với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỷ đồng do vỡ nợ dây chuyền.

“Ban đầu chỉ vay nóng, vay tuần dăm mười triệu nhưng nếu không trả được, vài tháng sau đã lên tới hàng chục, hàng trăm triệu. Đúng như Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm từng nói là cướp ngày”, ông Phạm Văn Tám nhấn mạnh.

Cũng theo ông, thời gian qua, hoạt động của các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính diễn ra tấp nập. Người vay có thể là cá nhân, doanh nghiệp nhưng còn có không ít đối tượng ham mê cờ bạc, thua độ bóng đá vay “nóng”.

Đáng chú ý, khá nhiều băng nhóm tội phạm liên quan tín dụng "đen", đối tượng hình sự từ phía Bắc di cư vào Nam, gây nên tình trạng nhức nhối ở các khu chế xuất, khu công nghiệp phía Nam và Tây Nguyên.

Thủ đoạn tín dụng "đen" gắn với tội phạm sau một thời gian bị lực lượng công an trấn áp đã biến tướng theo dạng cấu kết với nhau hoạt động ở nhiều địa bàn, vùng ven và không cần cơ sở địa điểm.

Thay vì lập cơ sở, văn phòng có địa chỉ chỉ như trước, các đối tượng này tiến hành phát tờ rơi, lập các website, mạng xã hội đăng tin, dùng sim “rác” gửi tin nhắn quảng cáo vay tiền không cần gặp mặt, không thế chấp, thủ tục đơn giản, giải ngân ngay với số tiền từ 1 triệu đến vài chục triệu đồng.

Thậm chí, tín dụng "đen" cũng mon men đến các ứng dụng “4.0” như cho vay trực tuyến, vay ngang hàng với nhiều phương thức biến tướng, nguỵ trang để lách luật như hợp đồng không ghi lãi suất để tránh phạm phải quy định về lãi suất trong luật dân sự.

Chung quan điểm với ông Tám, ông Nguyễn Văn Cư, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai cho biết thêm, tình hình tín dụng "đen" tại Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng khá phức tạp. Cội nguồn sâu xa ở đây là thu nhập của người dân bị giảm dần do mất mùa, thiên tai, các khoản vay ngân hàng để sản xuất đến hạn không trả được nên một bộ phận người dân, đặc biệt là đồng bào thiểu số buộc phải tìm đến tín dụng "đen".  

Ngành Ngân hàng cũng đã tích cực phối hợp cùng với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen. Qua tổng hợp báo cáo nhanh của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố, ngành Ngân hàng đã phối hợp theo đề nghị của cơ quan công an, các sở, ban ngành, chính quyền địa phương tham gia xử lý 218 vụ việc liên quan đến tín dụng đen tại 16 tỉnh, thành phố với tổng số tiền là khoảng 117 tỷ đồng. Trong đó, 72 vụ việc đã xử lý, khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ.

Nguồn: NHNN

Ngành ngân hàng và công an khởi xướng đẩy lùi tín dụng "đen". Ảnh: Kiều Khanh

Hai ngành cùng hợp lực

Mặc dù ngành ngân hàng và công an chưa có một giao kết chính thức trong việc đẩy lùi tín dụng "đen" nhưng tại hội nghị nói trên, vấn đề trấn áp tội phạm liên quan đến vấn nạn này và tăng diện phủ rộng tiếp cận tín dụng đang xích lại gần nhau giữa hai ngành này.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói: “Để đẩy lùi tín dụng "đen" thì việc đầu tiên là phải nỗ lực để tối đa hoá nhu cầu tiếp cận tín dụng của mọi người dân, đặc biệt là vùng sâu vùng xa”.

Để đạt mục tiêu đó, ngành ngân hàng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 116 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 55 về cho vay “tam nông”. Theo đó, sửa đổi đối tượng vay vốn cho phù hợp với quy định tại Bộ Luật dân sự 2015; nâng mức cho vay tối đa không tài sản bảo đảm lên gấp 2 lần, chẳng hạn: cá nhân, hộ ngoài khu vực nông thôn nâng từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng, cá nhân khu vực nông thôn được nâng từ 100 triệu lên 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, thủ tục và thời gian giải ngân cũng là vấn đề đặc biệt quan trọng, bởi đây chính là lợi thế của tín dụng "đen". Bà Trần Ngọc Hà, đại diện Quỹ Tình Thương (TYM) nói: “Hỗ trợ người dân không chỉ dựa vào việc cho họ vay mà cần kết nối họ với nhiều sản phẩm khác như tiết kiệm linh hoạt để tích luỹ, bảo hiểm lẫn nhau. Nếu không cho họ vay được thì giới thiệu họ đến với những tổ chức phù hợp. Điều kiện vay ở TYM là đơn giản, linh hoạt; thủ tục, quy trình thuận tiện”.

Đáng nói, những quỹ tài chính vi mô chính thức như TYM hiện mới chỉ có 4 đơn vị, dù nhu cầu cấp phép chính thức lên tới hàng trăm.

 Về vấn đề này, ông Phạm Văn Tám nhấn mạnh thêm: tín dụng "đen" thường giải ngân rất nhanh, có khi chỉ vài tiếng đồng hồ là xong một món vay. Trong khi, tín dụng ngân hàng thì lâu, mất thời gian chờ đợi.

Chuyển sang vấn đề đấu tranh, bài trừ tội phạm tín dụng "đen", hiện tại, lực lượng cảnh sát hình sự đã rà dựng và quản lý 210 băng nhóm với 1.565 đối tượng hoạt động có tổ chức vễ lĩnh vực cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê.

“Tuy nhiên, đây chỉ là những bước đầu, vấn đề sâu xa hơn là phải huy động tổng lực cả hệ thống chính trị nhập cuộc trong cuộc chiến đẩy lùi tín dụng "đen".

Hiện tại, Bộ Công an đang tiến hành soạn thảo chỉ thị của Thủ tướng về vấn đề này. Dự kiến, hầu hết các bộ ngành như: Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư Pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND các địa phương, Toà án, Viện Kiểm sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều tham gia theo từng chức năng nhiệm vụ cụ thể.

“Công tác phối kết hợp phải hết sức chặt chẽ, tránh tình trạng như ngành công an đề nghị ngành ngân hàng xác định mức lãi suất một vụ tín dụng "đen" ở Thanh Hoá mà mãi 2 tháng sau mới cho trả lời. Đến khi đó thì đối tượng đã bỏ trốn”, ông Tám nói.

“Qua 26 năm, TYM có mặt tại 13 tỉnh từ miền trung trở ra, có 160 nghìn thành viên (100% phụ nữ), 70% thành viên khu vực nông thôn, miền núi và bán đô thị. Tổng số vốn cho vay gần 14 nghìn tỷ đồng, dư nợ xấp xỉ 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ hoàn trả 99,9%, số dư tiết kiệm đạt trên 1.200 tỷ đồng. Đã có trên 120 nghìn phụ nữ thoát nghèo và 7.000 phụ nữ trở thành doanh nhân vi mô”.

Nguồn: Bà Trần Ngọc Hà, đại diện Quỹ Tình Thương (TYM)

"Nếu các con nợ không trả đúng hạn, đối tượng cho vay thường sử dụng nhân viên hoặc thuê các đối tượng hình sự đe doạ, khủng bố tinh thần, ném chất bẩn, đặt vòng hoa, quan tài, sử dụng sim rác đe doạ, huỷ hoại tài sản, gây thương tích, làm nhục nạn nhân”.

Nguồn: Ông Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát Hình sự (Bộ Công an).  

 

 

Tin mới lên