Ngân hàng

Ngân hàng Việt 'đua' tuyển nhân sự ngoại vào vị trí chủ chốt mảng bán lẻ

(VNF) - Các ngân hàng Việt Nam đang tuyển thêm nhiều nhân sự nước ngoài vào các vị trí chủ chốt nhằm mở rộng kinh doanh tại thị trường nội địa, nơi có mức thu nhập đang tăng lên từng ngày và hầu hết mọi người vẫn còn thiếu tài khoản ngân hàng, theo Nikkei Asean Review.

Ngân hàng Việt 'đua' tuyển nhân sự ngoại vào vị trí chủ chốt mảng bán lẻ

Tháng 10 vừa qua, Vietcombank, một trong ba ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất Việt Nam, đã bổ nhiệm ông Thomas William Tobin làm Giám đốc khối ngân hàng bán lẻ.

Tobin, người có hơn 20 năm kinh nghiệm tại một số tổ chức tài chính bao gồm Visa và HSBC, được kỳ vọng sẽ giúp Vietcombank đạt được mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ số 1 tại Việt Nam vào năm 2020.

Trong khi đó, VPBank đã trải qua một loạt các cuộc cải cách toàn diện, bao gồm cả việc ho phép một nửa thành viên hội đồng quản trị là người nước ngoài trước khi niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán vào tháng 8. VPBank đang nổi lên là ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam, và theo dự đoán phân khúc này sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng nhất với VPBank trong những năm tới.

HDBank, một trong những ngân hàng đang nổi của Việt Nam, cũng đã thuê một người nước ngoài làm giám đốc bộ phận công nghệ bán lẻ, bao gồm giám sát việc cung cấp ứng dụng mới cho khách hàng cá nhân.

Trong khi đó, các ngân hàng khác như Ngân hàng Á Châu (ACB), Eximbank và Vietinbank gần đây cũng đã tuyển dụng nhân tài từ các ngân hàng nước ngoài vào ban quản trị để tăng cường quản lý mảng ngân hàng bán lẻ.

Theo Nikkei, động lực tăng trưởng chính đối với các ngân hàng trong nước chính là mảng bán lẻ.

Để đẩy mạnh các khoản vay thế chấp, cho vay kinh doanh cá nhân, cho vay tự động, cho vay tiêu dùng và tín dụng bằng ngoại tệ ở Việt Nam, các ngân hàng trong nước đang tìm kiếm nhân sự có kinh nghiệm tại các ngân hàng nước ngoài.

Báo cáo tài chính của các ngân hàng niêm yết tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2017 cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng trong phân khúc bán lẻ, góp phần đưa tăng trưởng tín dụng tổng thể 19% so với cùng kì năm trước.

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) - ông Nguyễn Duy Hưng đánh giá, ngân hàng bán lẻ là tương lai của ngành ngân hàng trong nước khi các ngân hàng cạnh tranh nhau để mở rộng thị phần và xây dựng các dịch vụ chuyên nghiệp cho khách hàng.

Nhà cung cấp thông tin tài chính Asian Banker ước tính lợi nhuận mảng ngân hàng bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng hàng năm 25% trong khoảng từ 2016 đến 2020, được hỗ trợ bởi một số yếu tố.

Một trong những yếu tố mà công ty này đưa ra Việt Nam với dân số 93 triệu người, thu nhập bình quân đầu người đã tăng 5% trong suốt thập kỷ qua lên 2.200 USD trong năm ngoái. Trong đó, chỉ có 30% người trưởng thành ở Việt Nam hiện đang có tài khoản ngân hàng và chỉ 20% đã tìm kiếm các dịch vụ tài chính tiêu dùng. Khoảng 90% việc thanh toán vẫn được thực hiện bằng tiền mặt.

Những người trong ngành cho biết xu hướng tuyển dụng giám đốc điều hành quốc tế đã bắt đầu từ 7 năm trước, khi một người Singapore được bổ nhiệm làm giám đốc ngân hàng Mekong vào năm 2011. Ngân hàng Techcombank và Maritime Bank cũng từng bổ nhiệm các giám đốc nước ngoài.

Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp ổn định hệ thống ngân hàng, bao gồm mua các khoản nợ xấu từ các ngân hàng, hạn chế tăng trưởng tín dụng, quốc hữu hóa các tổ chức yếu kém và đặt ra thời hạn cho các ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán. Các ngân hàng 100% vốn nước ngoài cũng được phép hoạt động.

Cùng với việc tuyển dụng nhân sự có kinh nghiệm nước ngoài, các ngân hàng trong nước cũng đang mở thêm chi nhánh và nâng cấp công nghệ. Các ngân hàng cũng đang tạo ra nhiều sản phẩm hơn để thu hút khách hàng cá nhân, trong khi cạnh tranh với các đối tác nước ngoài có kinh nghiệm lâu năm của phân khúc bán lẻ, theo ông Vũ Quang Thịnh, Tổng giám đốc của Vietnam Holding Asset Management.

Các nhân sự tiềm năng có kinh nghiệm về các thị trường tài chính bị khủng hoảng trong những thập niên gần đây đặc biệt quan tâm đến các ngân hàng Việt Nam, để giúp xây dựng cơ sở hạ tầng nội bộ và đào tạo các đồng nghiệp địa phương trong các lĩnh vực như quản lý rủi ro, ông Thịnh nói với Nikkei.

Tin mới lên