Ngân hàng

Ngân hàng 'vung tiền' mua cổ phiếu quỹ

(VNF) - Trái ngược với nhiều ngân hàng đang "chật vật" với tỷ lệ an toàn vốn, một số ngân hàng khác với nguồn vốn tự có dồi dào, tỷ lệ an toàn vốn ở mức khá cao, sẵn sàng "vung tiền" mua cổ phiếu quỹ bất chấp điều này làm suy giảm tỷ lệ an toàn vốn.

Ngân hàng 'vung tiền' mua cổ phiếu quỹ

Ngân hàng 'vung tiền' mua cổ phiếu quỹ (Ảnh minh họa)

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank) mới đây đã thông qua việc tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản năm 2019 về việc mua lại không quá 5% lượng cổ phiếu HDB đã phát hành để làm cổ phiếu quỹ, tương đương khoảng 49 triệu cổ phiếu.

Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 4/9. Thời gian tiếp nhận phiếu ý kiến là từ ngày 19/9.

Tính theo thị giá chốt phiên giao dịch ngày 15/8 là 26.350 đồng/cổ phiếu, HDBank dự tính sẽ chi ra số tiền tối đa lên đến khoảng 1.300 tỷ đồng để mua vào lượng cổ phiếu quỹ trên.

Một ngân hàng khác gần đây cũng lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc mua cổ phiếu quỹ là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng để lập danh sách cổ đông là 21/8 tới đây.

VPBank chưa tiết lộ số lượng cổ phiếu quỹ dự kiến mua vào là bao nhiêu. Được biết, ngân hàng này hiện có 73,2 triệu cổ phiếu quỹ.

Cũng trong năm nay, có hai ngân hàng đã tiến hành mua vào lượng lớn cổ phiếu quỹ là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).

Cụ thể, hồi tháng 6/2019, TPBank đã hoàn tất mua vào 24 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 2,8% vốn điều lệ ngân hàng này. Giá giao dịch bình quân là 26.117 đồng/cổ phiếu. Đồng nghĩa TPBank đã bỏ ra số tiền trên 600 tỷ đồng để mua vào lượng cổ phiếu quỹ trên.

Trước đó, vào tháng 3/2019, MB đã hoàn tất mua vào 47 triệu cổ phiếu quỹ với giá giao dịch bình quân là 21.999 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng số tiền bỏ ra lên đến trên 1.000 tỷ đồng.

Điểm chung giữa các ngân hàng đã và sẽ mua vào lượng lớn cổ phiếu quỹ trên là tỷ lệ an toàn vốn ở mức khá cao và cổ phiếu đang giao dịch ở mức P/E khá thấp (hàm ý giá cổ phiếu đang ở mức "rẻ" so với mặt bằng chung).

Chẳng hạn như tỷ lệ an toàn vốn cuối năm 2018 của VPBank ở mức 12,9%, HDBank ở mức 12,1%, MB ở mức 10,9% và TPBank ở mức 10,2%, cao hơn khá nhiều mức quy định 9% của Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi đó, P/E (thị giá hiện tại so với lãi ròng năm 2018) của VPBank, HDBank, MB và TPBank đều chưa đến 9 lần, thấp hơn bình quân ngành (khoảng 13 lần) và thấp hơn bình quân chung của thị trường (khoảng 17 lần).

Việc mua lại cổ phiếu quỹ sẽ làm giảm tỷ lệ an toàn vốn, do cổ phiếu quỹ không được tính vào vốn cấp 1 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, việc các ngân hàng sẵn sàng "vung tiền" mua cổ phiếu quỹ có tỷ lệ an toàn vốn khá cao không lạ.

Về mục đích mua cổ phiếu quỹ, toan tính mỗi ngân hàng mỗi khác. Tuy nhiên về cơ bản, mục đích thường thấy nhất làm giảm cung cổ phiếu nhằm hỗ trợ thị giá, đồng thời cũng là tranh thủ mua lại cổ phiếu lúc "rẻ" để sau này bán lại với giá cao.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý với hiện tượng gần đây, khi một số ngân hàng thưởng cổ phiếu quỹ cho cán bộ nhân viên với giá thấp hơn nhiều thị giá.

Tin mới lên