Tài chính

Ngân sách hụt thu hơn 8000 tỷ, nợ thuế vùn vụt tăng

(VNF) - Hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí tính thuế đã khiến ngân sách nhà nước thiếu thu hơn 8000 tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, nợ thuế vẫn tiếp tục leo cao, mỗi năm tăng thêm vài nghìn tỷ.

Ngân sách hụt thu hơn 8000 tỷ, nợ thuế vùn vụt tăng

Báo cáo kết quả kiểm toán 2015 tiếp tục cho thấy bức tranh nợ thuế mang nhiều mảng xám

Ngân sách thiếu thu hơn 8000 tỷ đồng

Kết quả kiểm toán năm 2015 (niên độ tài chính – ngân sách 2014) của Kiểm toán Nhà nước công bố sáng nay (26/8) cho biết trong năm 2014, quyết toán thu ngân sách nhà nước đạt 877.697 tỷ đồng, vượt 12,1% dự toán (tương đương 94.997 tỷ đồng).

Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cũng phơi bày thực trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí tính thuế vẫn diễn ra hết sức phổ biến tại các đơn vị.

Không ít đơn vị hạch toán thiếu số thu, hạch toán các khoản phí không đúng chế độ, định mức; không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ các khoản phải nộp ngân sách nhà nước. Điều này dẫn đến tính thiếu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách nhà nước…

Kiểm toán Nhà nước xác định tổng cộng số tiền phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm là 8.287 tỷ đồng.

Ngoài ra, báo cáo kết quả kiểm toán 2015 cũng ghi nhận tình trạng thu học phí, lệ phí vượt mức quy định, thu một số khoản không có trong quy định nhưng không phản ánh đầy đủ số thu vào báo cáo tài chính, chưa nộp kịp thời hoặc chưa đầy đủ số thu học phí, lệ phí vào kho bạc nhà nước.

Nợ thuế tăng nhanh

Theo thống kê của ngành Thuế, trong các năm qua, nợ thuế đã không ngừng tăng lên cả về số liệu tuyệt đối lẫn tỷ trọng đối với thu nội địa: từ 35.117 tỷ (2011) lên 55.056 tỷ (2012) rồi 69.342 tỷ (2013).

Đến ngày hết năm 2014, tổng số nợ thuế đã lên mức 76.073 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ (tương đương 6.731 tỷ).

Trong đó, nợ khó thu tăng 24% (2.617 tỷ đồng), xảy ra ở 53/63 địa phương. Nợ có khả năng thu tăng 12% (6.160 tỷ đồng), xảy ra ở 28/63 địa phương. Riêng nợ chờ xử lý có mức giảm 32% song vẫn còn ở mức cao và phổ biến tại 33/63 tỉnh thành.

Nợ thuế do ngành Hải quan quản lý vẫn duy trì ở mức cao, 7.111 tỷ đồng, mặc dù trong năm 2014 có mức giảm 22,6% .

Việc nợ thuế tăng cao và liên tục qua các năm được nhìn nhận là hệ quả của việc tăng trưởng kinh tế chậm và phá sản doanh nghiệp hàng loạt cũng như tình trạng chiếm dụng vốn đang diễn ra khá phổ biến hiện nay.

Ngoài ra, còn do công tác quản lý nợ đọng thuế tại một số địa phương còn hạn chế. Một số Cục Thuế thực hiện không triệt để các biện pháp cưỡng chế theo quy định; không thực hiện đầy đủ cưỡng chế thu nợ đối với các đối tượng cần cưỡng chế; công tác phân loại nợ thuế thiếu cơ sở, căn cứ và bằng chứng...

Tin mới lên