Tài chính tiêu dùng

Ngành bảo hiểm nửa đầu năm 2019: Tăng trưởng mảng phi nhân thọ 'lấn lướt' mảng nhân thọ

(VNF) - Thống kê đối với các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết cho thấy, trong khi mảng phi nhân thọ tăng trưởng khả quan, tỷ lệ tổn thất cải thiện mang lại kết quả tích cực cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thì mảng nhân thọ đang tăng trưởng chậm lại do sự giảm sút của kênh đại lý.

Ngành bảo hiểm nửa đầu năm 2019: Tăng trưởng mảng phi nhân thọ 'lấn lướt' mảng nhân thọ

Ngành bảo hiểm nửa đầu năm 2019: Tăng trưởng mảng phi nhân thọ 'lấn lướt' mảng nhân thọ

Công ty Chứng khoán SSI vừa công bố Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019, trong đó, ngành bảo hiểm nửa đầu năm 2019 ghi nhận kết quả kinh doanh khá trái ngược đối với các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết.

Cụ thể, trong khi mảng phi nhân thọ tăng trưởng khả quan, tỷ lệ tổn thất cải thiện mang lại kết quả tích cực cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thì mảng nhân thọ của Bảo Việt - doanh nghiệp niêm yết duy nhất kinh doanh bảo hiểm nhân thọ - đang tăng trưởng chậm lại do sự giảm sút của kênh đại lý.

Thống kê của SSI cho thấy, trong quý II/2019, tổng doanh thu phí gốc của 10 doanh nghiệp bảo hiểm đang niêm yết là 15.196 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tương đương mức tăng trưởng của quý I/2019 (15,4%).

Trong đó, doanh thu phí từ bảo hiểm nhân thọ của Bảo Việt là 6.248 tỷ đồng, tăng 16,4% trong quý II/2019, sụt giảm so với quý I/2019 (19,7%).

Mức tăng trưởng chung được hỗ trợ bởi tăng trưởng tích cực của mảng bảo hiểm phi nhân thọ, khi tổng phí bảo hiểm phi nhân thọ quý II/2019 là 8.948 tỷ đồng, tăng 14,5%, cao hơn mức tăng 13% của quý I/2019.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, tổng phí gốc bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ lần lượt là 11.780 tỷ đồng và 18.264 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 17,9% và 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng phí nhận tái bảo hiểm quý II/2019 là 1.199 tỷ đồng, tăng 34%; lũy kế 6 tháng đầu năm 2019 là 1.908 tỷ đồng, tăng 12,7%.

Riêng đối với Bảo Việt, doanh thu phí cả mảng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ của tập đoàn này đều đang tăng trưởng chậm lại, với mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2019 chỉ là 17,9% và 7,8%, thấp hơn mức kế hoạch 2019 đặt ra là 20% và 12% dù mức kế hoạch này đã thấp hơn khá nhiều mức tăng trưởng 23,2% và 24% của năm 2018.

Với mảng bảo hiểm nhân thọ, mức tăng trưởng của Bảo Việt tương đương với toàn ngành và vẫn chiếm thị phần lớn nhất (khoảng 26,6% thị phần).

Tuy nhiên, SSI đánh giá kênh bán qua đại lý – là thế mạnh của Bảo Việt - đang có dấu hiện giảm sút và tập đoàn này có vẻ chậm chân hơn các đối thủ trong việc đẩy mạnh kênh bancassurance.

Với mảng bảo hiểm phi nhân thọ, Bảo Việt siết chặt quản lý với các nghiệp vụ có tỷ lệ tổn thất cao để kiểm soát bồi thường khiến doanh thu tăng trưởng chậm lại rõ rệt trong các quý gần đây.

Nếu loại trừ Bảo Việt, 8 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ còn lại có mức tăng trưởng phí gốc khá ấn tượng (18% trong quý II/2019 và 16,1% trong 6 tháng đầu năm 2019).

Top 5 công ty có thị phần bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất vẫn là Bảo Việt, PVI, PTI, Bảo Minh và PJICO, trong đó tỷ trọng của PTI đang tăng trưởng mạnh nhất (43,4%), chủ yếu ở mảng bảo hiểm con người và mảng bảo hiểm xe cơ giới.

"PTI đang đẩy mạnh bán sản phẩm bảo hiểm người vay vốn qua các công ty tài chính tiêu dùng, giúp tạo ra mức tăng trưởng ấn tượng của nhóm nghiệp vụ bảo hiểm con người, tuy vậy, có vẻ như doanh nghiệp này đang đánh đổi hiệu quả để lấy tăng trưởng, bằng chứng là lợi nhuận và ROE liên tục giảm mạnh trong các quý gần đây", SSI nhìn nhận.

ABIC (ABI), PVI và Bảo hiểm Bảo Long (BLI) dẫn đầu ngành bảo hiểm về tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và hiệu quả về tỷ lệ kết hợp

Về chi trả bảo hiểm, tổng số tiền chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết quý II/2019 nhích tăng 1,9% nhưng tính chung 6 tháng đầu năm vẫn giảm 1,3%, khiến cho tỷ lệ bồi thường 6 tháng ở mức 67,5% - thấp hơn khá nhiều mức 76,8% của cùng kỳ 2018.

Ngoại trừ Bảo Minh tăng từ 40,9% trong 6 tháng đầu năm 2018 lên 41,8% trong 6 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ bồi thường tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm khác đều sụt giảm đáng kể, trong đó nhiều nhất là ở MIC (từ 44% xuống 28,6%) và Bảo Việt (96,3% xuống 82,4%).

Nếu không tính Bảo Việt, tỷ lệ bồi thường bình quân của 9 doanh nghiệp bảo hiểm còn lại ở mức 41,3%, giảm so với mức 45,1% của 6 tháng đầu năm 2018.

Tình hình bồi thường khả quan cùng với tỷ lệ chi phí hoạt động 6 tháng là 38,4%, giảm nhẹ so với mức 38,7% của cùng kỳ năm ngoái khiến cho tỷ lệ kết hợp của các doanh nghiệp bảo hiểm giảm, số doanh nghiệp có lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng lên.

Hiện chỉ có Bảo Việt, VNR và PTI là có tỷ lệ kết hợp trên 100% - tức là vẫn lỗ từ kinh doanh bảo hiểm.

Tổng danh mục đầu tư của 10 doanh nghiệp bảo hiểm tại ngày 30/6/2019 là 30.223 tỷ đồng, tăng 6,9% so với hồi đầu năm. Lợi nhuận tài chính 6 tháng đạt 3.614 tỷ đồng, giảm 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái, do trong 6 tháng đầu năm ngoái, Bảo Việt có thu nhập đột biến rất lớn từ kinh doanh trái phiếu khiến cho tổng lợi nhuận tài chính giai đoạn này rất cao. 

Kết thúc 6 tháng đầu năm nay, tổng lợi nhuận trước thuế của 10 doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết là 2.367 tỷ đồng, tăng 15%.

Nếu loại trừ Bảo Việt, lợi nhuận tài chính 6 tháng của các doanh nghiệp bảo hiểm còn lại tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lợi nhuận trước thuế tăng tới hơn 32%.

Một trong những yếu tố thúc đẩy lợi nhuận tài chính là việc tỷ suất sinh lời đầu tư tăng mạnh trong quý II/2019 nhờ diễn biến thuận lợi của lãi suất tiền gửi.

Xét về hiệu quả sinh lời, ABIC giữ vững vị trí đứng đầu với tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) tăng liên tục và ngày càng bỏ xa các doanh nghiệp bảo hiểm khác.

ROE của ABIC 6 tháng đầu năm nay là 27,6% nhờ lợi thế chi phí bồi thường rất thấp của sản phẩm bảo hiểm người vay vốn, sản phẩm chủ lực của ABI được phân phối qua mạng lưới của Agribank.

Trong top 3 về tỷ suất sinh lời còn có Bảo hiểm Bảo Long và PVI. 2 doanh nghiệp này có ROE cải thiện liên tục trong các quý gần đây.

Tin mới lên