Tài chính quốc tế

Ngành bất động sản Trung Quốc phải trả nợ gần 300 tỷ USD trong năm 2023

(VNF) - Đến cuối năm 2023, ngành bất động sản Trung Quốc sẽ phải trả nợ ít nhất 292 tỷ USD từ các khoản vay trong và ngoài nước, làm dấy lên “bóng ma” về áp lực thanh toán gia tăng sau làn sóng vỡ nợ kỷ lục trong năm nay.

Ngành bất động sản Trung Quốc phải trả nợ gần 300 tỷ USD trong năm 2023

Lĩnh vực bất động sản Trung Quốc tiếp tục gánh nợ "khủng" trong năm 2023.

Theo dữ liệu do Bloomberg và công ty nghiên cứu Use Trust tổng hợp, trong quý IV/2022, các nhà kinh doanh bất động sản Trung Quốc sẽ phải đáo hạn các khoản nợ khoảng 53,7 tỷ USD. Sau đó, sang quý I/2023, số tiền phải trả là khoảng 72,3 tỷ USD, tới từ các khoản vay trái phiếu trong và ngoài nước, cũng như các khoản vay ủy thác trong nước.

Theo ông Henry Loh, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định châu Á tại công ty đầu tư abrdn Plc: “Nếu chúng ta tìm kiếm các điểm tương đồng từ năm 2022, chúng ta sẽ nhận thấy sự dồn dập thanh khoản trong quý đầu tiên của các năm sẽ tạo ra nhiều áp lực cho các nhà phát triển. Vì vậy, không nghi ngờ gì nữa, áp lực thanh toán trong quý đầu tiên của năm 2023 sẽ gây thêm căng thẳng cho một môi trường đầy thách thức”.

Nhìn chung, đến cuối năm 2023, lĩnh vực nhà đất của Trung Quốc sẽ phải trả nợ tổng cộng khoảng 292 tỷ USD. Trong đó, tính riêng khoản tiền phải trả cho các trái phiếu đến hạn là tổng cộng 238 tỷ USD, giảm 25% so với số tiền phải đáo hạn của cả năm nay, và vẫn thấp hơn so với mức đỉnh 381 tỷ USD vào năm 2021. Đây được coi là một dấu hiệu “nhẹ nhõm” hơn phần nào cho lĩnh vực kinh tế đầy bất ổn của quốc gia tỷ dân.

Mặc dù vậy, đồng NDT ngày càng mất giá so với đồng USD sẽ dẫn tới việc “áp lực thanh toán trở nên nặng nề hơn”, ông Li Kai, đối tác sáng lập của Beijing Shengao Fund Management cho biết.

Lĩnh vực bất động sản của nước này, ước tính chiếm gần 1/4 nền kinh tế Trung Quốc, đã phải chịu đựng hơn một năm khủng hoảng nợ, bắt đầu với một cuộc “đàn áp” từ chính quyền với việc tăng trưởng đòn bẩy và được đẩy lên cao trào sau màn vỡ nợ của China Evergrande, nhà phát triển bất động sản hàng đầu trong nước.

Thị trường trái phiếu lợi suất cao ở nước ngoài của Trung Quốc, vốn do các nhà phát triển chi phối, đã rơi vào tình trạng khốn đốn chưa từng có khi các khoản vỡ nợ tăng vọt và doanh số bán nhà mới sụt giảm.

Trong thời gian gần đây, ngày càng nhiều nhà phát triển bất động sản Trung Quốc gặp rắc rối với tính thanh khoản. Tháng trước, CIFI Holdings Group, nhà phát triển bất động sản được hậu thuẫn của nhà nước Trung Quốc, đã vỡ nợ do không thanh toán lãi suất cho trái phiếu chuyển đổi 6,95% KHD đến hạn vào ngày 8/10.

Một công ty khác là Longfor Group Holdings cũng chứng kiến mức sụt giảm cổ phiếu và trái phiếu USD lớn nhất từ trước tới nay vào đầu tuần này, sau khi chủ tịch công ty này là bà Wu Yajun tuyên bố từ chức.

Xem thêm >> Ngân sách Trung Quốc thâm hụt kỷ lục 980 tỷ USD

Tin mới lên