Tài chính quốc tế

Ngành công nghiệp đồ ăn chay trị giá hàng tỷ USD

Xu hướng sử dụng sản phẩm có nguồn gốc thực vật ngày càng phổ biến, kéo theo ngành sản xuất thực phẩm thuần chay được dự báo có thể đạt giá trị hơn 70 tỷ USD vào năm 2027.

Ngành công nghiệp đồ ăn chay trị giá hàng tỷ USD

Gian hàng bán thực phẩm thuần chay tại một siêu thị ở Nhật Bản. Ảnh: Matcha.

Theo số liệu của Hiệp hội Thực phẩm thuần chay (PBFA) và nhóm vận động The Good Food Institute (GFI), tính tới cuối năm 2019, ngành công nghiệp thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật có giá trị khoảng 5 tỷ USD.

Theo đó, doanh số bán lẻ các thực phẩm chay tăng 11,4% trong năm 2019, trong khi con số này đối với tổng thể mảng bán lẻ thực phẩm tại Mỹ chỉ tăng 2,2% trong cùng thời điểm.

“Thực phẩm có nguồn gốc thực vật đang là động lực phát triển đáng kể của ngành, tăng 29% chỉ trong 2 năm qua. Ngày càng nhiều người tìm đến nguồn thực phẩm này, số lượng cửa hàng và các nhà cung cấp cũng mọc lên như nấm”, Julie Emmett, giám đốc cấp cao tại PBFA cho biết.

Cụ thể, doanh thu từ sản phẩm thịt chay tăng 18% trong năm 2019, chiếm 2% tổng doanh số thịt đóng gói và hiện lĩnh vực này có giá trị hơn 939 triệu USD. Để so sánh, doanh thu từ thịt có nguồn gốc động vật chỉ tăng 3% trong cùng thời điểm. Doanh số bán sữa có nguồn gốc thực vật cũng tăng 5% trong khi tỷ lệ tăng trưởng đối với sản phẩm sữa thông thường gần như không đổi.

Xu hướng tương tự cũng xảy ra đối với các sản phẩm chay mới nổi khác. Chẳng hạn như sữa chua thuần chay, chứng kiến doanh thu tăng vọt tới 31% trong khi sữa chua thông thường giảm 1%. Doanh thu của pho mát chay cũng tăng 18% trong khi con số này đối với pho mát sữa chỉ nhích nhẹ 1%.

Theo hãng phân tích thị trường Meticulous Market Research, ngành công nghiệp thực phẩm có nguồn gốc thực vật có thể đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 11,9% trong giai đoạn 2020-2027, nâng giá trị của toàn ngành lên 74,2 tỷ USD vào năm 2027.

Xét về nguồn gốc, thị trường thực phẩm chay bao gồm protein hạnh nhân, protein đậu nành, protein lúa mì, protein đậu, protein gạo và các nguồn protein khác.

Trong đó, phân khúc protein đậu nành chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường thực phẩm có nguồn gốc thực vật nói chung, chủ yếu là do số lượng lớn, dễ đáp ứng, chi phí lại thấp hơn so với các nguồn khác và lợi ích dinh dưỡng từ nguồn thực phẩm này mang lại.

Xét theo danh mục sản phẩm, thị trường thực phẩm có nguồn gốc thực vật bao gồm sản phẩm thay thế sữa, sản phẩm thay thế thịt, sản phẩm thay thế trứng, bánh kẹo và các loại sản phẩm thực vật khác. Trong năm nay, phân khúc các sản phẩm thay thế sữa được ước tính sẽ chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường thực phẩm chay nói chung.

Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thay thế sữa tăng cao, con người nâng cao nhận thức về việc lạm dụng động vật trong hoạt động chăn nuôi bò sữa và lợi ích dinh dưỡng từ nguồn sản phẩm thuần chay được xem là các yếu tố góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của phân khúc này.

Nhu cầu sử dụng các sản phẩm sữa có nguồn gốc thực vật ngày càng tăng mạnh. Ảnh: Peta.

Hơn nữa, sản phẩm thay thế sữa cũng được chia làm nhiều mảng, bao gồm sữa có nguồn gốc thực vật, pho mát, sữa chua, bơ, kem, kem tươi và các loại sữa thay thế khác. Với ưu điểm là không dung nạp lactose, các loại sữa có nguồn gốc từ thực vật như sữa hạnh nhân và sữa đậu nành đang được nhiều người theo chế độ thuần chay ưa chuộng.

Trong khi đó, sản phẩm thay thế thịt bao gồm đậu phụ, protein thực vật (TVP), tempeh, seitan, bánh mì kẹp thịt, xúc xích, thịt xay, thịt viên, cốm và các sản phẩm thịt chay khác. Hiện tại, đậu phụ chiếm thị phần lớn nhất trong phân khúc thực phẩm thay thế thịt, gồm váng đậu, đậu bắp và tofurkey.

Xét về phân khúc địa lý, thị trường thực phẩm có nguồn gốc thực vật có mặt tại khắp các khu vực như Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương, châu Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Phi. Tính đến năm 2020, châu Âu chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường thực phẩm chay toàn cầu.

Khi xu hướng ăn kiêng dựa trên thực vật ngày càng phổ biến, ngành công nghiệp thuần chay bắt đầu bùng nổ và tung ra nhiều chiêu thức kinh doanh sáng tạo.

Emma Clifford, chuyên gia phân tích thực phẩm và đồ uống cao cấp tại công ty nghiên cứu thị trường Mintel Group (Anh), cho biết có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm thuần chay mọc lên trên khắp nước Anh trong vài năm gần đây do nhu cầu ăn chay tăng mạnh.

Trong khi đó, công ty khởi nghiệp Le Cupboard tại San Francisco (Mỹ) lại cho ra mắt máy bán hàng thuần chay, cho phép cung cấp mọi thứ từ đậu lăng, salad rau bina cho đến bánh pudding.

Tin mới lên