Tài chính

Ngành Thuế thu ngân sách: Năm 2020 'căng như dây đàn'

Năm 2020 có thể nói là năm đáng nhớ trong công tác thu ngân sách của ngành Thuế. Những tháng cuối năm, cơ quan Thuế trên cả nước luôn trong thạng thái “căng như dây đàn” để có thể dốc sức hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2020.

Ngành Thuế thu ngân sách: Năm 2020 'căng như dây đàn'

Tổng hợp số thu NSNN do cơ quan Thuế thực hiện đến hết ngày 24/12/2020 đạt 1.215.294 tỷ đồng, bằng 96,93% so với dự toán.

Thăng trầm công tác thu

Nhìn lại việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách của ngành Thuế có thể thấy, 2020 là một năm đầy khó khăn, bởi dịch bệnh Covid-19 hoành hành ngay từ những tháng đầu năm và tình hình mưa lũ đã “kéo lùi” các chỉ tiêu phát triển kinh tế đất nước những tháng cuối năm. Chính điều này đã tác động mạnh đến công tác thu ngân sách của ngành Thuế, nhất là thời điểm quý 2 và quý 3.

Trong quý 2, do thực hiện giãn cách xã hội, thu ngân sách sụt giảm 12% so với cùng kỳ. Bước sang quý 3, dù kinh tế có dấu hiệu hồi phục (GDP quý 3 tăng 2,62%), tuy nhiên, số thu ngân sách vẫn giảm khoảng 7,2% so với cùng kỳ. Tại thời điểm hết quý 3, ước thu 9 tháng chỉ đạt 66,4% dự toán. Theo Tổng cục Thuế, đây là số thu đạt mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Thời điểm đó, Tổng cục Thuế đã lo ngại rằng nếu diễn biến thu không được cải thiện, thu ngân sách quý 4 không hồi phục được như diễn biến tăng trưởng kinh tế qua từng quý vừa qua, dự báo thu ngân sách năm 2020 sẽ hụt lớn so với dự toán. Hơn nữa, cùng với việc kinh tế những tháng cuối năm phục hồi chậm và được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ tiếp tục xem xét mở rộng đối tượng, kéo dài thời gian, nâng mức hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân nên nguồn thu ngân sách trong những tháng cuối năm phát sinh rất thấp, từ đó sẽ ảnh hưởng lớn đến việc điều hành cân đối vĩ mô năm 2020 của Chính phủ.

Từ những lo lắng đó, áp lực đối với toàn ngành Thuế là rất lớn, “đè nặng” từ Trung ương đến địa phương. Liên tiếp có những cuộc họp bàn giữa Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, giữa Tổng cục Thuế với các cục thuế địa phương để tìm giải pháp sao cho đảm bảo số thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, không vì “chạy đua” với số thu mà ngành Thuế bỏ qua điểm mấu chốt của công tác thu ngân sách là đồng hành cùng doanh nghiệp.

Trong các văn bản chỉ đạo địa phương, Tổng cục Thuế luôn nhấn mạnh các cục thuế phải tiếp tục triển khai thực hiện tốt các giải pháp cấp bách về hỗ trợ người nộp thuế chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công,... từ đó, đưa chính sách vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, vượt qua giai đoạn dịch bệnh, từng bước ổn định và khôi phục sản xuất kinh doanh, có nguồn lực tài chính để nộp thuế đúng hạn, tăng đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Song song với mục tiêu hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời cho doanh nghiệp, người dân được hưởng đầy đủ các gói hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất theo đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, cơ quan Thuế đã tập trung lực lượng cho công tác quản lý thu, chống thất thu, khai thác tăng thu đối với những nguồn thu còn tiềm năng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự toán thu ngân sách trong những tháng cuối năm 2020.

Những “tin vui” giờ chót

Nhờ những giải pháp cụ thể và kịp thời không chỉ từ Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, với sự chỉ đạo của UBND, HĐND các địa phương, đến thời điểm “chốt” năm, số thu nội địa cũng có kết quả khả quan.

Theo báo cáo tổng hợp số thu NSNN do cơ quan Thuế thực hiện đến hết ngày 24/12/2020 đạt 1.215.294 tỷ đồng, bằng 96,93% so với dự toán và tăng trên 112.000 tỷ đồng so với số Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại thời điểm tháng 6/2020. Ngoài ra đã có 45/63 tỉnh, thành phố hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch thu NSNN năm 2020. Các con số này là minh chứng cho sự nỗ lực không mệt mỏi của cơ quan Thuế trên cả nước trong việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2020.

Tại Cục Thuế Hà Nội, số thu đến hết tháng 11 dù mới đạt hơn 83% song bằng 100,2% so với cùng kỳ năm 2019. Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Nguyễn Tiến Trường, qua gần một năm triển khai nhiệm vụ thu ngân sách trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, bài học kinh nghiệm được rút ra là việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ chú trọng nuôi dưỡng nguồn thu, quyết liệt chống thất thu thuế, chống chuyển giá đến tăng cường phối hợp giữa cơ quan Thuế với các sở, ngành, địa phương trong thu hồi nợ thuế, rà soát các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng để khai thác như thu từ đất đai.

“Với ngành Thuế Thủ đô, bài học kinh nghiệm lớn nhất là nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các cấp và từng cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ; xác định mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đối với từng nhiệm vụ, gắn cùng trách nhiệm của từng cán bộ, công chức”, ông Nguyễn Tiến Trường nói.

Hay như tại Cục Thuế Nam Định, đến tháng 12/2020, đơn vị này thu ngân sách đạt 95% dự toán pháp lệnh, tăng 7% so với cùng kỳ thực hiện. Ông Vũ Đình Hồng, Cục trưởng Cục Thuế Nam Định cho biết, cùng với việc tăng cường quản lý, thu kịp thời các khoản thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước, Cục Thuế đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ các nội dung chính sách của Chính phủ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đặc biệt, trong giai đoạn nước rút cuối năm, ông Vũ Đình Hồng cho biết, ngoài việc triển khai thực hiện tốt các giải pháp cấp bách về hỗ trợ người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hàng ngày, Cục Thuế còn bám sát nhiệm vụ phải thu được giao để tập trung lực lượng cho công tác quản lý thu, chống thất thu thuế, thu hồi nợ thuế; chỉ đạo thu ngân sách chi tiết tới từng địa bàn thu, nguồn thu, sắc thuế; đặc biệt là giao nhiệm vụ, trách nhiệm đến từng lãnh đạo, công chức thuế trong thực thi nhiệm vụ.

Dù năm 2020 là năm đầy khó khăn với ngành Thuế nhưng ngay từ đầu tháng 12, nhiều cục thuế đã báo “tin vui” thu ngân sách vượt dự toán, trong đó có Cục Thuế Đồng Nai và Cục Thuế Yên Bái hay Cục Thuế Kiên Giang. Ba đơn vị này tại thời điểm đó đã ước vượt dự toán lần lượt 13%, 9% và 2,7%.

Vì “phút thứ 89” của năm 2020 đang đến gần nên ngành Thuế trên cả nước vẫn đang hồi hộp theo dõi từng đồng, từng khoản thu “đổ” về ngân sách nhà nước. Dù có hoàn thành hay không thể hoàn thành nhiệm vụ (như những lo lắng từ trước) thì vẫn phải khẳng định, ngành Thuế đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình và đây sẽ là tiền đề thuận lợi để toàn ngành Thuế có thể hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021.

Định hướng năm 2021 của Tổng cục Thuế

Năm 2021, toàn ngành Thuế sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiệm vụ và giải pháp phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021 đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao.

Bên cạnh đó, thực hiện các nghị quyết, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngành Thuế cũng sẽ đẩy mạnh tiến trình thực hiện Kế hoạch cải cách quản lý thuế giai đoạn 2021-2030 đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt, tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính thuế theo yêu cầu của Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Một nhiệm vụ trọng tâm khác của ngành Thuế đó là tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Thuế các cấp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương nội ngành, đổi mới phương pháp làm việc, chấn chỉnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ; đồng thời thực hiện tốt Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tin mới lên