Tiêu điểm

Ngày độc lập, nhìn lại 'Tuần lễ vàng' năm 1945

(VNF) - Trong “Tuần lễ vàng” năm 1945, các tầng lớp nhân dân cả nước đã quyên góp được 370kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương. Trước tấm lòng vì nước của giới công thương Việt Nam, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có buổi gặp gỡ với đại diện là các nhà tư sản ở Nhà hát Lớn Hà Nội và ngày đó đã trở thành “Ngày Doanh nhân Việt Nam”.

Ngày độc lập, nhìn lại 'Tuần lễ vàng' năm 1945

Ngày độc lập, nhìn lại 'Tuần lễ vàng' năm 1945

Hai ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chính phủ lâm thời ký Sắc lệnh số 04 thành lập “Quỹ Độc lập”.

Sắc lệnh nêu rõ: “Lập tại Hà Nội và các tỉnh trong cả nước một quỹ thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của Quốc gia” và “Mọi việc quyên tiền và đồ vật và việc tổ chức sẽ đặt dưới quyền kiểm soát của Bộ Tài chính”.

Trong khuôn khổ “Quỹ Độc lập”, Chính phủ non trẻ đã đề ra chương trình tổ chức “Tuần lễ vàng” từ ngày 17 đến 24/9/1945, kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân, nhất là tầng lớp thương nhân trong xã hội.

“Tuần lễ vàng” ở Hà Nội khai mạc vào sáng 17/9 tại thềm Nhà hát Lớn Hà Nội.

Do bận công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử cố vấn Vĩnh Thụy (tức cựu hoàng Bảo Đại) thay mặt đọc diễn văn khai mạc.

Trong thư cho gửi đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh Viết: "Cùng toàn quốc đồng bào! Ban tổ chức “Tuần lễ vàng” ở Hà Nội có mời tôi đến dự cuộc lễ khai mạc “Tuần lễ vàng”. Vì bận việc, tôi không đến được, nhưng tôi có bức thư này ngỏ cùng toàn quốc đồng bào:

Nhờ sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào ngót 80 năm qua, nhất là trong 5 năm nay, chúng ta đã xây đắp được nền tự do độc lập của chúng ta. Ngày nay chúng ta cần củng cố nền tự do độc lập ấy để chống lại với sự dã tâm xâm lăng của bọn đế quốc Pháp. Muốn củng cố nền tự do độc lập ấy, chúng ta cần sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào; nhưng chúng ta cũng rất cần sức quyên giúp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có".

“Tôi mong rằng toàn quốc đồng bào, nhất là các nhà giàu có, hết sức vì nước hy sinh. Tôi tin rằng, toàn quốc đồng bào, nhất là các nhà giàu có, trong sự quyên giúp này, sẽ xứng đáng với sức hy sinh phấn đấu của các chiến sĩ ái quốc trên các mặt trận. Mong toàn quốc đồng bào làm tròn nghĩa vụ. Việt Nam độc lập muôn năm!”, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi cuối thư.

Các tầng lớp công thương Hà Nội ủng hộ "Tuần lễ vàng" tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội (tháng 9/1945)

Sau lời khai mạc của cố vấn Vĩnh Thụy, đoàn người xếp hàng tiến đến hòm lớn đặt ngay trong sảnh nhà hát. Đi đầu là các nhà tư sản rồi trí thức và các tầng lớp dân chúng Hà Nội.

Sau này bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô, chủ hiệu buôn tơ lụa nổi tiếng Phúc Lợi ở số 48 phố Hàng Ngang kể lại: “Vợ chồng tôi cảm kích trước bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước khi cụ nói về trách nhiệm của người dân trước quốc gia non trẻ nên ngay trong ngày đầu tiên vợ chồng tôi đã ủng hộ 117 lạng vàng”.

Tổng cộng, gia đình nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô đã ủng hộ Việt Minh, Chính phủ lâm thời 5.147 lạng vàng.

Bà Hoàng Thị Minh Hồ (giữa, mặc áo dài trắng) trước thềm Nhà hát Lớn tại “Tuần lễ vàng” 1945, hiến 117 lạng vàng

Nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà chuyên sản xuất sơn cũng rất tích cực đóng góp tiền vàng, ông còn vận động các nhà tư sản khác và nhân dân mọi tầng lớp tham gia. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi và con gái Nguyễn Sơn Thạch đi cùng trong lần ủng hộ đầu tiên đã hiến tặng toàn bộ số nữ trang của gia đình (gồm vàng bạc, đá quý) cân được 10,5kg. Riêng ông Nguyễn Sơn Hà không ngần ngại tháo ngay chiếc nhẫn quý bằng platin cẩn kim cương bỏ vào thùng.

Ông Nguyễn Hữu Nhâm, chủ hiệu vải Tam Kỳ ở số 48 phố Hàng Đào nổi tiếng Hà thành cũng là một trong những tư sản tham gia tích cực. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Lãm (bà Tam Kỳ) đã xếp lớp 300 lạng vàng vào hộp đem ra đóng góp ủng hộ ngân khố quốc gia.

Một nhà tư sản khác là bà Vương Thị Lai, chủ hiệu buôn Lợi Quyền ở phố Hàng Ngang, đã đóng góp 109 lạng vàng, mặc dù khi đó 2 con bà đang du học tại Pháp. Bà Lai góa chồng năm 28 tuổi nhưng tự tay gây dựng cơ nghiệp bằng nghề buôn bán tơ lụa.

Trân trọng tình cảm của bà Vương Thị Lai dành cho dân tộc, ngày 10/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng bà tấm Huy chương hình ngôi sao bằng vàng. Tấm huy chương này là quà tặng của Việt kiều yêu nước ở Trung Quốc gửi biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà (ngoài cùng bên phải) và vợ ông, bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi (ngoài cùng bên trái)

Một gia đình tư sản yêu nước tiêu biểu khác là ông bà Đỗ Đình Thiện. Để vận động mọi người ủng hộ cách mạng, bản thân ông bà đã làm gương khi quyên góp 10 vạn đồng (trị giá 4kg vàng) vào “Quỹ Độc lập” và 100 lạng trong “Tuần lễ vàng”. Đặc biệt, ông bà Đỗ Đình Thiện còn bỏ ra 1 triệu đồng mua bức tranh của họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh sau đó tặng lại TP. Hà Nội.

Vợ chồng bà Trịnh Thị Điền, chủ cửa hàng buôn bán tơ lụa tại 54 Hàng Gai, Hà Nội; chủ một nhà máy dệt ở Gia Lâm, Hà Nội và một đồn điền lớn tại Chi Nê, Hòa Bình ủng hộ 10 vạn đồng (trị giá 4kg vàng) vào “Quỹ Độc lập” và 100 lạng vàng trong “Tuần lễ vàng”. Bà Trịnh Thị Điền sau đó đã tham gia Ủy ban Hành chính Kháng chiến khu Hoàn Kiếm, Hà Nội; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ năm 1946 đến năm 1955.

Tổng cộng “Tuần lễ vàng” tại Hà Nội đã góp được 2.201 lạng vàng, 920 tạ thóc cùng tiền bạc và nhiều hiện vật khác, tổng trị giá lên 7 triệu đồng Đông Dương.

Bên cạnh Hà Nội, nhiều nhà tư sản, nhà yêu nước ở các tỉnh thành khác cũng rất tích cực tham gia tuần lễ vàng.

Theo báo “Quyết Tiến” số ra ngày 18/9/1945, vào ngày 17/9/1945 tại Huế, “Tuần lễ vàng” khai mạc tại phía Nam sông Hương. Cựu Hoàng hậu Nam Phương (vợ vua Bảo Đại mới thoái vị) là người đầu tiên cởi toàn bộ trang sức kiềng vàng, bông tai, xuyến… đeo trên người ra quyên góp giữa tiếng vỗ tay nhiệt liệt của dân chúng. Bà sau đó đã được mời làm chủ tọa “Tuần lễ vàng” tại Huế.

Chỉ trên dưới một tuần lễ, thành phố Huế đã thu được 945 lượng vàng. Bà Nam Phương đã tuyên bố trước giới phụ nữ nước nhà: “Chúng tôi rất vui mừng thấy chị em đã tiến rất mau trên con đường cứu nước… Nay mai khi nào chị em có việc gì cần đến tôi, tôi sẽ rất sung sướng mà gánh lấy một phần công việc”.

Cựu Hoàng hậu Nam Phương làm chủ tọa “Tuần lễ vàng” tại Huế

Ở Bình Thuận, bà Nguyễn Thị Thềm, dòng dõi vua Chăm, đã hiến chiếc mão của vua và dĩa đựng trầu cau bằng vàng từ bao đời trước để lại. Bà Dương Thị Lịch ở Sông Cầu (Phú Yên) có tên thật là Paulette Jovanic (người Ý, quốc tịch Pháp) đã ủng hộ Chính phủ 2 lượng vàng.

Ở Đắc Lắc, bà H’Lay, người Êđê đã hiến 5 chỉ vàng.

Nhân dân miền Tây Nam bộ đóng góp nhiều nữ trang, đồ gia bảo, ai không có vàng thì đóng góp tiền. Cuối đợt vận động, miền Tây Nam bộ đã gửi ra Trung ương 2.500 lượng vàng và 20.000 đồng (tiền Đông Dương ngân hàng).

Trong “Tuần lễ vàng”, các tầng lớp nhân dân cả nước đã quyên góp được 370kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ giới công thương Hà Nội trong “Tuần lễ Vàng” ngày 18/9/1945 tại Bắc Bộ phủ.

Trước tấm lòng vì nước của giới công thương Việt Nam, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có buổi gặp gỡ với đại diện là các nhà tư sản ở Nhà hát Lớn Hà Nội và ngày đó đã trở thành "Ngày Doanh nhân Việt Nam".

Tin mới lên