Tài chính quốc tế

Ngày mai (17/4), Thủ tướng Nhật gặp Tổng thống Mỹ: Cơ hội cuối cho sự hồi sinh của TPP?

(VNF) – Ngày mai (17/4), Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ gặp gỡ tại Florida, Mỹ. Thủ tướng Abe từng nói ông sẽ bước vào cuộc gặp "được ăn cả, ngã về không" với Tổng thống Trump, khi phía Nhật Bản muốn thuyết phục Mỹ quay lại TPP.

Ngày mai (17/4), Thủ tướng Nhật gặp Tổng thống Mỹ: Cơ hội cuối cho sự hồi sinh của TPP?

Thủ tướng Abe sẽ bước vào cuộc gặp "được ăn cả, ngã về không" với Tổng thống Trump

Hôm 12/4, Tổng thống Trump đã yêu cầu Uỷ viên Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer xem xét khả năng nối lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ngay sau đó, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố ông đã có kế hoạch đề xuất khung mới cho các cuộc đối thoại về thương mại khi ông có cuộc họp với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày mai (17/4) tại Florida.

Thủ tướng Abe hy vọng sẽ thuyết phục được Tổng thống Trump chấp thuận việc Mỹ tái gia nhập TPP.

Trong khi ông Abe muốn thuyết phục Tổng thống Mỹ về tầm quan trọng của thương mại tự do thì ông Trump lại luôn tin rằng thỏa thuận thương mại song phương sẽ giúp giảm thâm hụt thương mại tốt hơn.

Ông Trump nhấn mạnh rằng Mỹ hiện đã có thỏa thuận song phương với 6 trong 11 nước thuộc TPP và đang cố gắng sẽ có thỏa thuận với Nhật Bản - nền kinh tế lớn nhất trong các nước tham gia TPP.

Theo Tổng thống Trump, Mỹ chịu thiệt nhiều với Nhật về thương mại đã nhiều năm.

Trên thực tế, thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật giảm gần 20% trong thập kỷ qua xuống 69,7 tỷ USD vào năm ngoái. Con số này chỉ tương đương 8,6% tổng thâm hụt thương mại Mỹ, thấp hơn tỷ lệ 30% của 20 năm trước. Trong khi đó, thâm hụt thương mại với Trung Quốc trong tổng thâm hụt thương mại Mỹ lớn hơn nhiều.

Hoa Kỳ đang thúc đẩy mạnh mẽ phía Nhật Bản để bắt đầu các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do song phương, tìm hiểu nhu cầu về chính sách ngoại hối và xuất khẩu khi Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tới Mỹ vào ngày mai (17/4).

Washington đã nhiều lần đề nghị Tokyo ngồi lại bàn đàm phán. Theo một quan chức từ Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ thì đây chỉ là vấn đề thời gian.

Trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới, ông Trump đang phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ từ các nhóm nông dân và một số đối thủ khác.

Áp lực này khiến Tổng thống Donald Trump muốn nhanh chóng ký một thỏa thuận thương mại với Nhật Bản.

Mới đây, Nhật Bản đã ký một số điều khoản sửa đổi của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 10 thành viên còn lại. Sau khi sửa đổi, TPP có tên mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

CPTPP cắt giảm thuế mà Nhật áp đối với thịt bò nhập từ Úc xuống mức 9%, trong khi Mỹ vẫn phải chịu mức thuế 38,5%. Điều này khiến các nhà sản xuất thịt bò ở Mỹ lâm vào thế bất lợi.

Ngành công nghiệp ô tô đóng góp nhiều nhất vào sự mất cân bằng thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, Nhật Bản đã bỏ thuế đối với xe ô tô của Mỹ, trong khi Mỹ vẫn duy trì mức thuế 2,5% đối với ô tô chở khách và 25% đối với xe tải từ Nhật Bản.

Thay vì thảo luận thêm về thuế, ngành công nghiệp ô tô của Mỹ muốn có các biện pháp ngăn cản Nhật Bản làm suy yếu đồng tiền của họ, tờ Nikkei Asia trích lời một nguồn tin từ Nhà Trắng.

Trước thềm cuộc gặp ngày mai (17/4) tại Florida, Tổng thống Trump vẫn chưa đề nghị đàm phán thương mại song phương trong các cuộc gặp mặt trực tiếp với ông Abe.

Tờ Nikkei Asia nhận định "tuần trăng mật giữa Trump và Abe dường như đang kết thúc" khi Trump tìm kiếm các cuộc đàm phán trực tiếp với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, việc hợp tác với Nhật Bản trở nên không quan trọng.

Vẫn theo một nguồn tin từ Nhà Trắng được Nikkei Asia trích lời thì "ôngTrump thiếu kinh nghiệm kinh doanh đáng kể ở Nhật Bản và ít quan tâm đến nước này".

Tin mới lên