Tài chính

Ngày xuân bàn chuyện 'tâm lý tiêu tiền'

(VNF) - Trước trận chung kết AFF Cup, tôi nhận được cú điện thoại của anh bạn từ Lâm Đồng, rằng, anh kiếm được vé xem trận chung kết lượt về trên sân Mỹ Đình giúp em một cặp? không dễ chú ơi, mua chính thống theo giá niêm yết thì khó như thì thò tay xuống biển mò ngọc trai, còn giá chợ đen thì hãy chờ xem . Ok, cùng lắm là gấp 10 lần, chơi luôn!

Ngày xuân bàn chuyện 'tâm lý tiêu tiền'

Đáp ứng nhu cầu của ông bạn, tôi làm một cuộc khảo sát cả online cả offline rằng, cần mua một cặp vé hạng nhất cho trận chung kết. Kết quả là: với giá gốc 600.000/vé, vị chi là 1.200 ngàn/cặp nhưng không mấy ai mua được giá đó. Bạn chỉ có thể sở hữu nó khi bỏ ra 20 triệu đồng, không chỉ cao gấp 10 lần mà là hơn gần 17 lần giá gốc.

Thực ra thì việc yêu mến đội tuyển và cổ vũ cho trận chung kết có nhiều cách, không nhất thiết phải vào sân. Việc được tới chảo lửa vào trận chung kết lượt về chẳng qua là được sống 90 phút trong không khí cuồng nhiệt và nóng bỏng, còn có sung sướng hay không còn tuỳ thuộc vào tỷ số của trận đấu sau khi kết thúc.

Để có 90 phút có mặt ở Mỹ Đình bạn phải bỏ ra 10 triệu đồng nếu anh là người Hà Nội. Nếu là người ngoại tỉnh như ông bạn tôi sẽ phải cộng thêm vé máy bay lượt đi lẫn về cộng chi phí ăn nghỉ khách sạn xấp xỉ 10 triệu, vị chi là mất 20 triệu cho 90 phút thăng hoa ở sân Mỹ Đình, số tiền này tương đương ba tháng lương của một công chức mẫn cán như anh.

Trường hợp chịu chơi như anh bạn tôi không phải hiếm, khi được biết rằng, những người từ Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương săn tìm vé chợ đen không phải là ít. Vậy đâu là yếu tố để người ta sẵn sàng mở hầu bao chi trả cho niềm vui diễn ra trong 90 phút với giá gốc chỉ là 600 ngàn? Điều này chỉ có thể giải thích được rằng, tiền bạc do con người làm nên và việc chi tiêu tuỳ thuộc rất nhiều vào yếu tố tâm lý mà không phụ thuộc nhiều vào quy luật giá trị.

Vé xem bóng đá chỉ là một ví dụ nhỏ. Có thể kể đến vô vàn việc chi tiêu của con người chỉ vì một tác động khe khẽ vào tâm lý.

Doanh nhân được coi là những người lọc lõi trên thương trường, thậm chí là xây dựng cho mình hẳn những điều khoản trong nguyên tắc chi tiêu vẫn không thoát khỏi yếu tố tâm lý ấy.

Hồi đầu năm, tôi có chuyến đi xuống Tuần Châu thăm chúa đảo Đào Hồng Tuyển. Sau khi lấy phòng nghỉ, tôi ra sân tập golf với hy vọng là tranh thủ luyện mấy gậy để thư giãn. Ra đến nơi thấy sân tập golf hoành tráng sang trọng mới được khai trương không lâu nay được quây tôn nhường chỗ cho một dự án mới.

Tôi hỏi ông Tuyển: Bác có cái sân tập golf đẹp thế, mới khánh thành sao nỡ phá đi? Giãi bày chuyện này ông Tuyển bảo: Hồi đó, khi FLC chưa làm sân golf Hạ Long, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh vẫn trăn trở rằng, là tỉnh sở hữu di sản thế giới, trung tâm thu hút khách du lịch nhưng chưa có sân golf. Ông Tuyển đã tiên phong trong việc làm sân tập và cho khởi công làm sân golf 18 hố ở Tuần Châu.

Để có cái sân tập này, ông Tuyển đã không ngần ngại chi 20 tỷ cho dự án ấy, nhưng rồi khi lượng người chơi không nhiều, ông Tuyển lại không phải là môn đệ của golf, thêm vào đó khi Tuần Châu đang được đô thị hoá mạnh mẽ, để chủ động nguồn nước ngọt, ông đã cho phá cái sân tập ấy đi và đào hồ để chứa nước ngọt cung cấp cho Khu đô thị.

Vậy là chỉ bằng một ảo giác hảo hán của một doanh nhân đầu đàn, ông Tuyển đã không ngần ngại bỏ ra 20 tỷ rồi đến khi phát hiện thấy khoản đầu tư đó không mấy hiệu quả đã không ngần ngại dẹp bỏ và quên đi “khoản tiền lẻ” đó để làm việc khác.

Chuyện ông Tuyển vô tình “ném qua cửa sổ” 20 tỷ trong vụ làm sân tập golf ở Tuần Châu tưởng như đã lớn nhưng so với chuyện ông Dương Công Minh, chủ tịch tập đoàn Him Lam làm cầu vượt đường 5 kéo dài ở Long Biên thì chưa thấm vào đâu.

Năm 2013, ông Minh đã có cuộc làm việc với Uỷ ban nhân dân TP. Hà Nội và được biết rằng, Nút giao trung tâm quận Long Biên, giao cắt giữa quốc lộ 5 và đường Nguyễn Văn Cừ thường xuyên bị ùn tắc kéo dài. Thành phố đang muốn làm cầu vượt đường 5 nối thông với cầu Đông Trù và kêu gọi xã hội hoá theo hình thức “đổi đất lấy hạ tầng”. Ông Minh đã nhanh chóng thoả thuận với thành phố nhận làm dự án này. Theo đó, hạng mục chính cây cầu vượt dài hơn 800m, dành cho 6 làn xe cơ giới nối đường 5 kéo dài với đường Nguyễn Văn Linh sang cầu Đông Trù ra sân bay… Cùng với đó là hệ thống hầm chui qua đường sắt với tổng mức đầu tư 2.800 tỷ đồng.

Đổi lại, Tp. Hà Nội sẽ giao cho Tập đoàn Him Lam 300 héc ta đất sạch ở ngoài đê ven sông Hồng thuộc phường Long Biên. Tháng 5/2014, dự án được khởi công, cuối năm 2016, dự án được khánh thành.

Tính đến nay, khoản tiền mà tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh bỏ ra cho dự án đã hơn 5 năm nhưng vẫn chưa được Tp. Hà Nội giao một mét vuông đất nào. Lý do: Đất ở ngoài bãi liên quan đến hành lang thoát lũ, trong khi đó, Luật đê điều chưa được sửa đổi, cũng chưa có sự phân định lại ranh giới thoát lũ ven sông Hồng….

Vậy là 2.800 tỷ đồng mà Him Lam bỏ ra bao giờ thu về đang là một ẩn số chưa có lời giải.

Chuyện những doanh nhân sừng sỏ thả tiền ra để rồi tiền không hẹn ngày trở lại có thể kể ra rất nhiều. Trong nền kinh tế thị trường, thương trường khốc liệt không kém chiến trường. Điều quan trọng là những sai lầm trong quyết định chi tiêu vẫn nằm trong tầm kiểm soát an toàn về tài chính. Theo cách nói của Napoleon: “Làm tướng có thể thua trong từng trận đánh. Điều quan trọng là phải thắng trong cả cuộc chiến.”

Với doanh nhân cũng vậy. Những mất mát, thua lỗ là không thể tránh khỏi nhưng “thua keo này” để rồi vẫn có thể “bày keo khác” để gỡ gạc. Điều quan trọng là trong bảng tổng kết tài sản hàng năm vẫn còn số dư để hạch toán vào lãi sau thuế.

Cũng chính vì sự phức tạp của tâm lý tiêu tiền nên những chuyên gia đã đưa ra những quy luật cơ bản của việc tiêu tiền. Nhà tâm lý học người Áo Viktor Frankl cho rằng “để biến phản ứng thành hành động, cơ thể chúng ta cần một khoảng không gian. Khoảng không gian đó sẽ quyết cách chúng ta phản ứng lại những kích thích của não bộ hay cảm xúc”.

Một doanh nhân nói với tôi: Suy cho cùng việc kiếm tiền cũng chỉ để phục vụ mục thoả mãn nhu cầu cá nhân. Việc chi tiêu mang đến cho chúng ta niềm vui, sự thỏa mãn và cảm giác như nắm cả thế giới trong tay. Hơn thế là cách thức để thể hiện quyền lực của mình.

Tiền bạc là một công cụ, là tài xế đưa bạn đến bất cứ nơi nào mà bạn muốn. Điều quan trọng là mục tiêu mà con người ngắm đến trong từng giai đoạn, từng khoảnh khắc. Việc anh bạn tôi không ngần ngại chi vài chục triệu cho việc xem đội tuyển thi đấu ở trận chung kết lượt về chỉ vì mục tiêu mà anh đặt ra trong năm nay là phải được chứng kiến một trận đấu của đội tuyển quốc gia ở sân Mỹ Đình. Đắt, nhưng nằm trong khả năng chi trả, chơi luôn!

Tin mới lên