Tài chính quốc tế

Nghị sĩ Mỹ kêu gọi trừng phạt Nga vì ‘vũ khí hóa’ khí đốt ở châu Âu

(VNF) - Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa của Mỹ Michael McCaul cho rằng Nga đang hạn chế nguồn cung khí đốt sang châu Âu nhằm đẩy nhanh việc cấp giấy phép hoạt động cho Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2). Ông McCaul đồng thời kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Dòng chảy phương Bắc 2.

Nghị sĩ Mỹ kêu gọi trừng phạt Nga vì ‘vũ khí hóa’ khí đốt ở châu Âu

Nghị sĩ Mỹ kêu gọi trừng phạt Nga vì ‘vũ khí hóa’ khí đốt ở châu Âu (Ảnh minh họa).

Trong tuyên bố đưa ra ngày 7/10, Hạ nghị sĩ Michael McCaul, thành viên cấp cao nhất của đảng Cộng hòa tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cho rằng việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu đã dẫn tới việc giá khí đốt tăng mạnh và châu Âu bị giảm lượng khí đốt để dự trữ cho mùa đông.

“Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Angela Merkel cam kết sẽ hành động nếu Nga cố gắng sử dụng năng lượng làm vũ khí. Tuy nhiên, cả hai đều làm ngơ trước những nỗ lực có chủ ý của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm gây áp lực buộc châu Âu đẩy nhanh quá trình cấp giấy chứng nhận cho đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2”, Hạ nghị sĩ Michael McCaul nêu rõ.

Ông đồng thời nhấn mạnh rằng Nga đã “thao túng thị trường khí đốt trong khu vực” và “kích động cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng” ở châu Âu.

Để minh chứng cho điều này, ông McCaul dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, người nói rằng việc sớm cấp giấy phép cho đường ống Dòng chảy phương Bắc 2, công trình đã thi công xong nhưng chưa được đưa vào hoạt động, sẽ giúp hạ nhiệt tình hình trên thị trường khí đốt.

Theo Hạ nghị sĩ McCaul, nếu ông Biden không bãi bỏ ngay lập tức các ngoại lệ trong lệnh trừng phạt khắt khe đối với Dòng chảy phương Bắc 2 và dừng đường ống này lại, thì tức là ông ấy đã “trao cho Tổng thống Nga thêm một vũ khí tai hại khác để gây ảnh hưởng, có thể sử dụng để chống lại Ukraine và các đối tác châu Âu khác của chúng ta”.

Ông McCaul chính là tác giả của dự luật sửa đổi ngân sách quốc phòng, trong đó có điều khoản buộc chính quyền Mỹ phải mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với tất cả các đối tượng tham gia dự án Dòng chảy phương Bắc 2 không có ngoại lệ, bao gồm cả công ty điều hành dự án trước đó đã được đưa ra khỏi danh sách áp đặt hạn chế.

Mới đây, phát biểu tại cuộc họp giữa lãnh đạo chính phủ và giám đốc các công ty năng lượng Nga hôm 6/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nhằm giúp châu Âu ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng và ổn định thị trường khí đốt, Nga sẽ tăng cường cung cấp khí đốt cho châu lục này, thông qua cả đường ống dẫn khí qua Ukraine.

Theo người đứng đầu nước Nga, doanh số khí đốt Nga bán cho châu Âu có thể đạt kỷ lục mới trong năm nay, do đó sản lượng vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine dự kiến sẽ cao hơn hợp đồng ký kết giữa tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga với Kiev.

Cũng phát biểu tại buổi họp, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak khẳng định ở thời điểm hiện tại, yếu tố quan trọng nhất có thể giúp giảm giá khí đốt tại châu Âu là sớm cấp giấy phép hoạt động cho dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, nhằm đưa vào vận hành tuyến đường ống đã hoàn thành từ tháng trước.

Trước đó, Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, đã bác bỏ cáo buộc cho rằng Nga hạn chế nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu nhằm đẩy nhanh việc khởi động dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2, đồng thời khẳng định Moscow không có bất kỳ vai trò nào về những gì đang xảy ra trên thị trường khí đốt châu Âu.

Cuộc khủng hoảng nguồn cung ngày càng leo thang tại châu Âu khiến giá khí đốt tự nhiên tăng gần 8 lần kể từ đầu năm đến nay. Trong ngày 6/10, giá khí đốt tại châu Âu giao tháng 11 đã lập kỷ lục mới khi tăng lên hơn 150 euro/MWh.

Sở dĩ giá khí đốt tại châu Âu tăng cao do nhu cầu tăng mạnh khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19. Nhu cầu tăng vào đúng thời điểm lượng dự trữ khí đốt của châu Âu thấp hơn bình thường khi bước vào mùa Đông - thời kỳ nhu cầu đạt mức đỉnh.

Ngoài ra, nhu cầu gia tăng ở châu Á cũng khiến một lượng lớn khí tự nhiên hóa lỏng (NLG) từ Anh và châu Âu được xuất sang châu lục này vào mùa hè năm nay trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng.

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án hợp tác giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng các công ty châu Âu là Uniper và Wintershall. Tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltic đến Đức với chiều dài 1.234km được xây dựng với công suất 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm với tổng số tiền đầu tư ước tính khoảng 11 tỷ USD.

Nhiều nước lo ngại dự án sẽ làm gia tăng sự ảnh hưởng của Nga đối với châu Âu thông qua việc cung cấp khí đốt tự nhiên cũng như gây tổn hại cho Ukraine, quốc gia sẽ bị mất khoản phí vận chuyển cho hoạt động vận chuyển khí đốt. 

Hiện tại, phần lớn xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu đều đi qua Ukraine. Nhờ đó, hàng năm Ukraine sẽ nhận được hàng tỷ USD phí vận chuyển.

Gazprom được cho đã lên kế hoạch vận chuyển những dòng khí đốt đầu tiên tới Đức vào đầu tháng 10, song dường như kế hoạch này khó thực hiện khi chưa được sự chấp thuận của Cơ quan mạng lưới liên bang Đức (BNetzA).

Xem thêm >> Nga: 'Dòng chảy phương Bắc 2 giúp châu Âu ứng phó với khủng hoảng năng lượng'

Tin mới lên