Tiêu điểm

Nghị trường 'nóng' với tranh luận vụ kỷ luật Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng

(VNF) - Sau phần trả lời chất vấn của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, hai đại biểu Quốc hội đã tranh luận với nhau về tính hợp pháp trong vụ kỷ luật Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng.

Nghị trường 'nóng' với tranh luận vụ kỷ luật Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng

Đại biểu Lê Thanh Vân

Ngày 6/11, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đã chất vấn Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cách chức Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng đối với ông Lê Vinh Danh rằng việc này có đúng luật không.

Trước Quốc hội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Chính phủ ủng hộ mô hình tự chủ của Trường Đại học Tôn Đức Thắng”.

Về vấn đề cách chức Hiệu trưởng đối với ông Lê Vinh Danh, Phó thủ tướng dẫn quy định của Luật Giáo dục đại học - “Hội đồng trường là cơ quan quyền lực của trường” – để kết luận các chức danh lãnh đạo (bao gồm hiệu trưởng) phải do hội đồng trường quyết và đề nghị cấp có thẩm quyền, ở trong trường hợp này là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công nhận hoặc phê chuẩn.

Như vậy có nghĩa là nếu trong trường hợp có Hội đồng trường thì việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xử lý Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng mà không căn cứ vào đề nghị của Hội đồng trường là không đúng luật.

Tuy nhiên, sự việc ở Đại học Tôn Đức Thắng lại rất “đặc thù” bởi vì Hội đồng trường của đại học này đã hết nhiệm kỳ và việc kiện toàn Hội đồng trường của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại chậm trễ, do nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Cho tới thời điểm ban giám hiệu của Trường Tôn Đức Thắng, bao gồm hiệu trưởng, nhận kỷ luật của Đảng thì Trường Tôn Đức Thắng không có Hội đồng trường. Vì vậy, câu chuyện trở nên không rõ ràng.

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo - với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, phải vào cuộc và trực tiếp lập một đoàn do một thứ trưởng vào làm việc trực tiếp để làm rõ đúng sai và có hướng dẫn. Theo đó, trước hết phải thành lập lại Hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật.

“Đoàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vào làm việc rồi, khi về sẽ có báo cáo và sẽ có hướng dẫn”, Phó thủ tướng nói và không quên nhấn mạnh rằng “Trường Tôn Đức Thắng là một mô hình tốt, có được trường ấy như ngày hôm nay có thể nói là một điểm sáng của giáo dục đại học và của tự chủ đại học”.

Còn với việc xử lý cán bộ, Phó thủ tướng nói rằng cần tuân theo các quy định của Đảng và pháp luật công chức cũng như theo thông lệ quản lý cán bộ, ví dụ như kỷ luật hành chính thì đồng bộ với kỷ luật Đảng.

Sau phần trả lời của Phó thủ tướng, đại biểu Lê Thanh Vân tiếp tục nêu quan điểm: Tổng Liên đoàn Lao động có quyền kỷ luật viên chức do mình quản lý, nhưng chức danh Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng thì phải theo luật.

"Vì vậy, việc làm đúng đắn của Tổng Liên đoàn Lao động là chỉ có thể can thiệp vào đối tượng quản lý của mình, đó là viên chức thuộc quyền của mình, còn chức danh Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng chưa có hội đồng trường quyết định thì hiệu trưởng đấy chưa bị bãi miễn, chưa bị cách chức".

“Nhân diễn đàn này, tôi đề nghị các cơ quan có đơn vị là đại học trực thuộc nên tôn trọng Luật Giáo dục đại học, một chủ trương tự chủ rất là tiến bộ của Quốc hội vừa mới thông qua chưa ráo mực, cần phải tôn trọng và thi hành triệt để”, đại biểu Vân nói.

Phản bác quan điểm của đại biểu Lê Thanh Vân, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP. HCM), Ủy viên Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng việc Tổng Liên đoàn Lao động ký luật Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng là đúng quy định.

Bà Thúy lập luận: "Trong điều kiện Đại học Tôn Đức Thắng chưa có Hội đồng trường thì thẩm quyền kỷ luật viên chức (ở đây là Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng) sẽ do chủ sở hữu  quyết định. Như vậy, trong trường hợp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kỷ luật đối với Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng là đúng quy định.

"Báo cáo với Quốc hội và báo cáo với quý cử tri, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có một văn bản để xin ý kiến Bộ Nội vụ và Bộ Nội vụ có văn bản trả lời số 4378 ngày 21/8/2020 về thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với cán bộ, viên chức là người đứng đầu của các trường đại học.

"Văn bản này đã trả lời: 'Tuy nhiên, đến nay do trường Đại học Tôn Đức Thắng chưa có Hội đồng trường nên thẩm quyền tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật đối với Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định'", bà Thúy nói.

Đại biểu Lê Thanh Vân lập tức phản ứng: "Tôi đề nghị đại biểu Diệu Thúy đọc lại Luật Giáo dục đại học. Tôi chưa đọc các văn bản mà đại biểu Thúy dẫn ra để khẳng định rằng có đầy đủ cơ sở pháp lý cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quyền cách chức Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng, trái Luật Giáo dục đại học".

"Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ giải trình vấn đề này. Nếu như Bộ Nội vụ mà đồng ý với việc làm đó thì tôi cho rằng đây là một hành vi trái pháp luật, tôi khẳng định như vậy. Chúng ta, những đại biểu Quốc hội vừa mới thông qua Luật Giáo dục đại học, ở khoản 1 Điều 20 quy định rất rõ ràng như vậy mà bây giờ cứ biện minh, thanh minh có cơ sở pháp lý thế nào? Nhân diễn đàn này, tôi đề nghị các cơ quan chủ quản các trường đại học phải tôn trọng và tuân thủ triệt để Luật Giáo dục đại học do Quốc hội thông qua", ông Vân đanh thép.

Tin mới lên