Bất động sản

Nghịch lý của thị trường bất động sản: Cầu lớn, giá tăng nhưng không thể tăng cung

(VNF) – Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VnREA) nhận định nghịch lý duy nhất của thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2020 là dù nhu cầu mua nhà vẫn duy trì ở mức cao, giá bán cũng tăng nhưng các chủ đầu tư lại không thể đẩy mạnh đầu tư phát triển dự án.

Nghịch lý của thị trường bất động sản: Cầu lớn, giá tăng nhưng không thể tăng cung

Nghịch lý của thị trường bất động sản: Cầu lớn, giá tăng nhưng không thể tăng cung

Theo báo cáo của VnREA, trong năm 2019, thị trường nhà ở cả nước có sự sụt giảm mạnh mẽ cả về nguồn cung lẫn giao dịch. Cụ thể, nguồn cung năm 2019 chỉ đạt 107.284 sản phẩm, bằng 61,5% năm 2018; giao dịch đạt 72.828 sản phẩm, bằng 64,7% năm 2018.

Sự suy giảm của nguồn cung đã làm biến động giá cả. Tại Hà Nội, giá nhà tại mọi phân khúc bắt đầu tăng trong quý IV/2019, trong đó phân khúc trung cấp và cao cấp tăng khoảng 5% so với quý IV/2018. Còn tại TP. HCM, giá bán căn hộ trung cấp đã tăng liên tục trong cả năm 2019: quý I tăng 3%, quý II tăng 4,9%, quý III tăng 4%, quý IV tăng 5%.

VnREA nhận định việc sụt giảm nguồn cung nhà ở trên cả nước do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là do việc rà soát, thanh/kiểm tra của cơ quan nhà nước đối với các dự án.

Lượng giao dịch năm 2019 suy giảm cũng bắt nguồn từ việc người tiêu dùng lo sợ khi thị trường xuất hiện nhiều dự án không phù hợp pháp luật, trong khi lại thiếu thông tin từ cơ quan nhà nước để kiểm tra.

Về giá bán, VnREA cho rằng khan hiếm nguồn cung là động lực đẩy giá bán tăng trưởng. Tuy nhiên, điều nghịch lý là việc khan hiếm nguồn cung không phải do thị trường không còn dư địa phát triển nguồn mà do các dự án đều bị ngưng trệ bởi cơ quan nhà nước.

Nhận định về thị trường bất động sản năm 2020, VnREA cho rằng lực cầu về dầu tư và mua sắm vẫn được duy trì; nguồn cung tại Hà Nội và TP. HCM có thể không suy giảm so với năm 2019 nhưng lượng dự án đủ điều kiện bán sẽ giảm mạnh.

Giá nhà, đất có thể sẽ tiếp tục tăng nhưng lực tăng không mạnh vì sự khan hiếm chỉ là tạm thời. Sự siết chặt tín dụng bất động sản chắc chắn sẽ làm giảm lực đầu tư từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều này khiến hoạt động mua bán – sáp nhập diễn ra sôi động hơn.

VnREA cũng cho rằng “đầu tư đất nền sẽ vẫn là lựa chọn hàng đầu tại các địa phương mới phát triển” và sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp/cá nhân hoạt động môi giới bất động sản có thể sẽ khiến nhiều doanh nghiệp/cá nhân “bật” khỏi lĩnh vực này.

Đối với bất động sản nghỉ dưỡng, VnREA nhận xét trong năm 2020, các dự án sẽ vẫn thu hút nhà phát triển; số giao dịch có thể không tăng so với năm 2019 và chỉ tập trung ở những dự án có kkhar năng khai thác tốt.

Một số vùng được dự đoán sẽ có giao dịch tốt gồm: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Bình Thuận và Ninh Thuận.

Điều thuận lợi gần như là duy nhất của bất động sản nghỉ dưỡng là pháp lý dành cho các sản phẩm có thể được quy định cụ thể trong năm nay.

Tin mới lên