Tài chính

Nghịch lý PVGAS: Lợi nhuận càng giảm, thị giá càng tăng

(VNF) - Mặc dù một năm qua, lợi nhuận sau thuế của PVGAS giảm tới 46% nhưng thị giá cổ phiếu GAS của tổng công ty này lại tăng tới 53%. Vì sao có điều nghịch lý này?

Nghịch lý PVGAS: Lợi nhuận càng giảm, thị giá càng tăng

Lợi nhuận càng giảm, thị giá cổ phiếu GAS càng tăng

Lợi nhuận PVGAS chìm sâu theo giá dầu

Vậy là không có gì khả quan hơn trong kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2016 của "ông lớn" Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS), thậm chí mọi thứ có vẻ đang tồi tệ hơn.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2016, PVGAS ghi nhận lợi nhuận sau thuế 4.161 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, giảm mạnh 46% so với con số 7.730 tỷ đồng cùng kỳ 2015.

Sở dĩ nói mọi thứ có vẻ đang tồi tệ hơn với PVGAS là bởi tính riêng trong quý III/2016, tổng công ty này chỉ ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế 986 tỷ đồng, giảm tới 59% so với quý III/2015.

Trong khi mức giảm quý I và quý II/2016 của PVGAS so với cùng kỳ 2015 lần lượt chỉ là 44% và 38%, thấp hơn đáng kể mức giảm quý III/2016 của PVGAS.

Theo lý giải của PVGAS, nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận quý III/2016 của tổng công ty này giảm mạnh so với cùng kỳ 2015 vẫn là do giá dầu diễn biến không thuận lợi.

Cụ thể, giá dầu trung bình quý III/2015 là 60 USD/thùng, trong khi giá dầu trung bình quý III/2016 chỉ là 45 USD/thùng, giảm 15 USD/thùng, tương đương mức giảm 25%.

Đồng thời, giá FO trung bình quý III/2015 là 352 USD/tấn, trong khi giá FO trung bình quý III/2016 là 247 USD, giảm 105 USD/tấn, tương đương mức giảm 30%. Điều này khiến giá bán sản phẩm của PVGAS giảm theo tương ứng, dẫn đến lợi nhuận giảm mạnh.

Ngoài ra, cũng trong quý III/2016, PVGAS đã phải chi tới 366 tỷ đồng để thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa lớn đối với các công trình khí, gấp 33 lần con số 11 tỷ đồng cùng kỳ 2015.

Đi sâu hơn vào kết quả kinh doanh của PVGAS, nhiều người có thể hơi khó hiểu khi một công ty con của PVGAS là Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí Miền Nam (PVGAS South) có lợi nhuận 9 tháng 2016 gấp tới 3 lần cùng kỳ 2015, đạt mức 321 tỷ đồng.

Trong khi đó, các công ty con khác của PVGAS có lợi nhuận chỉ tăng nhẹ như trường hợp của PVGAS D, giảm nhẹ như trường hợp của CNG, giảm mạnh như trường hợp của PVGAS North hay thậm chí thua lỗ nặng như trường hợp của PV Coating.

Bản thân lợi nhuận của Công ty mẹ - PVGAS cũng giảm mạnh.

Thực tế thì lợi nhuận tăng vọt trong 9 tháng đầu năm 2016 của PVGAS South không phải đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính, mà đến từ hoạt động tài chính.

Cụ thể, hồi tháng 3/2016, PVGAS South đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình tại Công ty Cổ phần CNG Việt Nam, đồng thời sáp nhập Công ty TNHH MTV Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Đông thành chi nhánh miền Đông của công ty.

2 thương vụ này đã đem lại cho PVGAS South 365 tỷ đồng tiền lãi thanh lý.

Thực chất, hầu hết cổ phần Công ty CNG mà PVGAS South bán ra đều được Công ty mẹ PVGAS mua lại, nghĩa là thương vụ này chỉ mang tính chất "chuyền tay nhau", không có nhiều ý nghĩa về mặt kinh doanh khi ghi nhận lợi nhuận.

Đề cập đến điều này để thấy, kết quả kinh doanh của PVGAS ở cả công ty mẹ và các công ty con đều không có mấy khả quan trong một năm trở lại đây.

Và nghịch lý thị giá

Mặc dù lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2016 của PVGAS giảm tới 46% so với cùng kỳ 2015 nhưng điều đáng ngạc nhiên là thị giá mỗi cổ phiếu GAS của PVGAS lại tăng tới 53% trong một năm qua.

Cụ thể, nếu như kết thúc phiên giao dịch ngày 28/10/2015, thị giá cổ phiếu GAS là 44.300 đồng/cổ phiếu, thì thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 28/10/2016, thị giá mỗi cổ phiếu GAS lên tới 68.000 đồng, tương đương mức tăng 53% chỉ sau một năm.

Điều này có thể coi là khá nghịch lý, vì thị giá cổ phiếu phụ thuộc rất nhiều vào kết quả kinh doanh, đặc biệt là lợi nhuận của doanh nghiệp. Thông thường, doanh nghiệp có lợi nhuận giảm, xu hướng thị giá cũng biến động theo hướng giảm.

Hơn nữa, với trường hợp của PVGAS, lợi nhuận tất cả các quý từ đầu năm tới nay đều giảm mạnh so với cùng kỳ 2015 chứ không riêng gì quý III.

Về cơ bản, có 2 luồng tâm lý thị trường cộng hưởng tạo ra nghịch lý này. Một là, giới đầu tư nghĩ rằng cổ phiếu đã giảm quá đà trong thời gian trước, vì vậy, cần đưa giá trị cổ phiếu về với giá trị thật. Hai là, giới đầu tư kỳ vọng khả quan vào biến động giá dầu thế giới.

Nhưng có vẻ như sau một năm tăng giá trong nghịch lý, giá cổ phiếu GAS không còn tình trạng giảm quá đà nữa, thậm chí có phần tăng quá đà.

Thời điểm kết thúc ngày 28/10/2014, nghĩa là 2 năm trước đây, giá cổ phiếu GAS ở mức khá cao là 99.600 đồng/cổ phiếu. Đến thời điểm kết thúc ngày 28/10/2016, giá cổ phiếu GAS ở mức 68.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm 46% sau 2 năm.

Cũng trong 2 năm qua, lợi nhuận sau thuế của PVGAS giảm từ mức 9.568 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2014 xuống còn 4.161 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2016, tương đương mức giảm 57% sau 2 năm.

Như vậy, tính trong 2 năm qua, mức giảm thị giá cổ phiếu GAS vẫn chưa theo kịp mức giảm lợi nhuận của PVGAS. Trên khía cạnh này, cổ phiếu GAS có vẻ như đang tăng quá đà.

Trong khi đó, giá dầu thế giới vẫn đang diễn biến theo hướng đi ngược lại với mong đợi và kỳ vọng của các nhà đầu tư. Điều này càng cho thấy, sự tăng giá của cổ phiếu GAS trong một năm qua có phần quá đà với diễn biến thực tế.

Tin mới lên