Thị trường

Nghịch lý vàng trong nước cao hơn thế giới bao giờ chấm dứt?

(VNF) - Hôm nay (11/6), vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) chốt giá phiên giao dịch cuối tuần với giá niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 68,75 - 69,65 triệu đồng/lượng.

Nghịch lý vàng trong nước cao hơn thế giới bao giờ chấm dứt?

SJC là một thương hiệu vàng được người dân rất ưa chuộng từ trước khi ra đời Nghị định 24/2012/NĐ-CP (năm 2012).

So với 1 tuần trước, giá vàng trong nước hôm nay gần như không thay đổi ở chiều mua vào lẫn chiều bán ra, dù trong tuần giá vàng đã có nhiều phiên tăng- giảm nhưng vẫn dao động quanh ngưỡng 69 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới ngày 11/6 đang ở mức 1.872,7 USD/ouce, tăng thêm khoảng 11 USD/ounce so với 1 tuần trước.

So với mức giá ở phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021, giá vàng SJC giao dịch ở mức 61 triệu đồng/lượng, trừ chênh lệch giá mua- bán, đến thời điểm này nhà đầu tư vẫn còn lãi 7,75 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên so với mức giá đỉnh kỷ lục ngày 8/3 là 74,4 triệu đồng/lượng, giá vàng đã giảm gần 5 triệu đồng mỗi lượng.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại hôm nay cũng được điều chỉnh giảm, mua bán quanh mức 54,15 - 55,15 triệu đồng/lượng, so với 1 tuần trước thì giá vàng trang sức đã tăng thêm khoảng 250.000 đồng mỗi lượng.

Hiện khoảng cách chênh lệch giá mua vào - bán ra của vàng SJC hôm nay được giữ ở mức 900.000 đồng/lượng, tương đương mức trung bình của tuần trước.

Khoảng cách chênh lệch giá vàng thế giới và vàng trong nước hôm nay cũng biến động theo giá vàng. Quy đổi theo tỷ giá, giá vàng thế giới đang thấp hơn giá vàng SJC khoảng 17 triệu đồng/lượng.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 5 giảm 0,52% so với tháng trước; tăng 9,86% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 5 tháng đầu năm 2022 giá vàng đã tăng 6,48%.

Trong tuần, vấn đề thị trường vàng trong nước với mức giá cao hơn thế giới có lúc lên đến gần 19 triệu đồng/lượng đã trở thành đề tài nóng, một số đại biểu Quốc hội đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tình trạng này và đặt câu hỏi xoay quanh việc độc quyền thương hiệu vàng miếng quốc gia của vàng SJC.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, SJC là một thương hiệu vàng được người dân rất ưa chuộng từ trước khi ra đời Nghị định 24/2012/NĐ-CP (năm 2012).

Theo đó, từ năm 2014 đến nay, giá vàng biến động khó lường, nên doanh nghiệp để giá cao vì lo sợ rủi ro. Tuy SJC giá cao nhưng là mua cao, bán lại cao nên người dân chọn mua thương hiệu này thì khi mua cao, bán sẽ được giá. Còn các thương hiệu khác thường mua thấp, bán thấp.

Theo Thống đốc, việc có sửa Nghị định 24 và bỏ độc quyền thương hiệu SJC hay không, trong thời gian tới sẽ nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của đại biểu và sẽ xin ý kiến rộng rãi, để xem lựa chọn như thế nào giữa việc nhiều thương hiệu khác cùng sản xuất vàng miếng hay một thương hiệu của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng nhà nước sẽ đánh giá, phân tích tác động và xin ý kiến sau.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá, giá vàng trên thị trường quốc tế diễn biến rất phức tạp và rất khó lường (bởi chịu tác động do nhiều yếu tố như chỉ số đồng USD hay căng thẳng giữa Ukraine và Nga, một loạt các sự kiện về thương mại, về chính trị khác…). 

Ngân hàng Nhà nước sẽ sẵn sàng điều tiết nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, trong thời gian qua, người dân không có nhu cầu mua vàng miếng quá nhiều. Do đó, ngân hàng chưa can thiệp nhưng trong trường hợp cần thiết sẽ thực hiện nhập khẩu vàng.

Ngày 11/6, giá vàng giao ngay của thế giới đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại 1.872,7 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tháng 8/2022 giao dịch tại 1.876 USD/ounce. Đêm qua, giá vàng trên thị trường quốc tế có lúc lao xuống 1.830 USD/ounce nhưng sau đó bất ngờ tăng mạnh khi Mỹ công bố dữ liệu liên quan đến lạm phát .

Trong ngày 10/6, giá vàng thế giới có lúc xuống còn 1.830 USD/ounce. Thế nhưng, khi CPI tại Mỹ nóng lên, dòng tiền trên thị trường đã dồn vào kim loại quý này. Giá vàng có lúc đảo chiều đi lên gần 50 USD/ounce để chạm ngưỡng 1.880 USD/ounce lúc 1 giờ ngày 11/6. Sau đó giá vàng thế giới có dấu hiệu giảm nhẹ rồi đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại 1.872 USD/ounce.

Theo một số nhà phân tích thị trường, dữ liệu kinh tế đáng thất vọng, bao gồm cả lạm phát nóng hơn dự kiến trên thị trường toàn cầu, đã tạo ra động lực tăng giá mới cho kim loại quý. Đồng thời, sự yếu kém hơn nữa trên thị trường chứng khoán đang cải thiện sức hấp dẫn trú ẩn an toàn của vàng.

Tin mới lên