Tài chính quốc tế

Ngoài cấm vận dầu, EU còn cân nhắc tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga

(VNF) - Ngoài việc thảo luận về lệnh cấm vận dầu Nga, Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ thảo luận cách hợp pháp hóa việc thu giữ các tài sản bị phong tỏa của Nga tại hội nghị thượng đỉnh bất thường diễn ra ngày 30-31/5.

Ngoài cấm vận dầu, EU còn cân nhắc tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga

Căng thẳng leo thang giữa Nga và EU chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

“Lãnh đạo các nước EU sẽ thảo luận về đề xuất tịch thu tài sản của Nga bị phong tỏa do chịu tác động từ các biện pháp trừng phạt của khối đối với Moscow", hãng tin Tass dẫn nguồn thạo tin cho hay.

4 nước gồm Lithuania, Slovakia, Latvia và Estonia trước đó đã đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) tịch thu tài sản của Nga bị EU phong tỏa để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine sau xung đột quân sự với Moscow.

EC cũng cho biết có thể kiểm tra xem liệu có thể thu giữ tài sản của Nga bị phong tỏa để tài trợ cho Ukraine theo luật quốc gia và châu Âu hay không.

Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, cơ quan này có thể tìm ra “một số ý tưởng khả thi về giải pháp pháp lý phù hợp với các nguyên tắc của chính quyền các nước, tạo điều kiện cho việc tịch thu tài sản của các cá nhân Nga bị EU hoặc các quốc gia khác trên thế giới trừng phạt”.

Tuy nhiên, nhiều quan chức EU đã cảnh báo rằng, việc tịch thu tài sản là một việc khó về mặt pháp lý vì không có luật pháp thích hợp của EU cho việc này.

Được biết, trong hai ngày họp thượng đỉnh đặc biệt tại Brussels, các nguyên thủ châu Âu sẽ thảo luận 4 chủ đề quan trọng bao gồm cuộc chiến tại Ukraine, chính sách quốc phòng, chính sách năng lượng và an ninh lương thực.

Trong số này, diễn biến cuộc chiến tại Ukraine cũng như các chính sách của châu Âu với Nga và Ukraine sẽ là vấn đề trọng tâm, chiếm phần lớn thời gian thảo luận, đặc biệt là gói trừng phạt thứ 6 mà EU dự định áp đặt đối với Nga.

Dù vậy, sau gần 1 tháng chuẩn bị và bàn thảo, các nước EU vẫn chưa thể đạt được sự đồng thuận liên quan đến biện pháp mạnh nhất của gói trừng phạt này là việc cấm vận hoàn toàn dầu mỏ của Nga.

EC đã đề xuất lệnh cấm chỉ áp dụng đối với dầu của Nga được đưa vào EU bằng các tàu chở dầu, nhưng cấm việc nhập khẩu bằng đường biển, qua đó giúp Hungary, Slovakia và Czech tiếp tục nhận dầu của Nga qua đường ống Druzhba của Nga trong một thời gian cho đến khi có nguồn cung cấp thay thế.

Xem thêm >> Đức lo ngại lệnh trừng phạt dầu Nga ‘phá hủy sự thống nhất của châu Âu'

Tin mới lên