Nhân vật

‘Người đàn bà thép’ Nguyễn Bạch Điệp và hành trình gây dựng ‘đế chế’ 500 cửa hàng FPT Retail

(VNF) - Bà Nguyễn Bạch Điệp nổi tiếng với biệt danh “người đàn bà thép”, là người có công lớn phát triển FPT Retail. Dưới sự điều hành của bà, từ 17 cửa hàng ban đầu, đến nay FPT Shop đã có hơn 500 cửa hàng trên hệ thống cả nước, vươn lên thành nhà bán lẻ di động top 2 thị trường Việt Nam.

‘Người đàn bà thép’ Nguyễn Bạch Điệp và hành trình gây dựng ‘đế chế’ 500 cửa hàng FPT Retail

Tổng giám đốc FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp

Nữ doanh nhân Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc FPT Retail mới đây được Forbes vinh danh trong danh sách 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam.

Forbes Việt Nam nhận định con đường hình thành FPT Retail như ngày hôm nay có dấu ấn “khó ai có thể chối bỏ” của bà Nguyễn Bạch Điệp.

Sau lưng người phụ nữ thành đạt là một nhóm người âm thầm hy sinh

Bà Nguyễn Bạch Điệp sinh năm 1972, tốt nghiệp Đại học Mở TP. HCM ngành Quản trị kinh doanh. Sau khi ra trường bà làm việc ở vị trí bán hàng tại một cửa hàng FPT.

“Trong suốt gần một năm làm việc, dù không nhận được lương thưởng nhưng nét văn hóa tôn trọng sự khác biệt, quý trọng nhân tài đã giúp tôi quyết tâm bám trụ tại FPT. Kết quả là tôi được bổ nhiệm lên vị trí quản lý cửa hàng”, bà Điệp từng chia sẻ.

Năm 2012, FPT Retail với thương hiệu FPT Shop chính thức có giấy phép thành lập công ty cổ phần, số lượng cửa hàng ban đầu là 17. Là người đến sau trên thị trường bán lẻ khốc liệt, FPT Shop, đặc biệt là ban lãnh đạo của thương hiệu này và bà Điệp, phải đứng trước “áp lực kinh khủng”.

Nữ doanh nhân kể lại thời gian nhận FPT Retail, giống như giai đoạn startup vậy. “Trước mắt tôi là bao nhiêu ngọn núi lớn – Thế Giới Di Động, Viễn Thông A đã đi trước rất nhiều năm, trong khi mình mới bắt đầu”, bà nhớ lại.

Trước thách thức nhiều “anh tài” trên thị trường, “nữ tướng” FPT Retail cho biết công ty quyết định tập trung phát triển quy mô để tạo tiếng vang cũng như lợi thế cạnh tranh. Nhận thấy địa điểm là yếu tố tiên quyết đối với bất cứ cửa hàng bán lẻ nào, bà Điệp cùng một lãnh đạo nữa đã đích thân đi xuống từng địa phương để chọn ra vị trí phù hợp.

“Trong 1 tuần đi hết 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là chuyện bình thường”, bà kể.

Bà Nguyễn Bạch Điệp chia sẻ đã làm sếp công ty thì về nhà không làm sếp.

Trong 2 năm đầu tiên, ngoài áp lực về tìm địa địa điểm, nữ doanh nhân cũng chịu nhiều sức ép khi xây dựng mọi thứ từ con số 0.

Theo bà Điệp, vào thiểm đó, vấn đề nhân sự cũng là một thách thức lớn, bên cạnh chi phí về địa điểm. “Với các nhân viên cần có chế độ thưởng phạt rõ ràng để vừa khích lệ vừa giúp họ tự phát triển bản thân”, bà nói.

Cũng theo chia sẻ của bà Điệp, khi xảy ra vấn đề quan trọng nhất là cần giải pháp, chứ không phải ngồi đó chỉ ra lỗi. Với một vấn đề bất kỳ, sếp hay nhân viên đều cần nhìn xem mình có lỗi gì không, sau đó mới xem tiếp lỗi người khác nằm ở đâu.

“Trong quan điểm quản trị của mình, những người cùng làm với mình, cùng đi theo mình thì mình phải đảm bảo quyền lợi cho họ”, bà Điệp bày tỏ.

Nữ doanh nhân Bạch Điệp từng nói trên Forbes Việt Nam: “Nếu sau lưng một người đàn ông thành công là một người phụ nữ âm thầm hy sinh, thì nói thật là sau lưng một người phụ nữ thành đạt chắc là một nhóm người âm thầm hy sinh, chứ không phải chỉ có một người đâu: con cái, gia đình, kể cả đồng nghiệp”.

“Nữ tướng” FPT Retail thừa nhận rằng: “Mình không hoàn hảo trong thiên chức của một người phụ nữ”.

Bà cho rằng làm lãnh đạo rất tốn thời gian bên ngoài, cho công việc thì dĩ nhiên là không thể chu toàn hết mọi thứ hoàn hảo được.

Để cân bằng cuộc sống và công việc, bà Nguyễn Bạch Điệp chia sẻ 3 bí quyết: Thứ nhất, nếu được, thì chọn chồng phụ công ty. Chồng sẽ hiểu ngay việc mình làm và biết đồng cảm hơn, thông cảm hơn.

Thứ hai, đã làm sếp công ty thì về nhà không làm sếp.

Thứ ba, nếu mình không có nhiều thời gian cho con cái thì biến sở thích của con thành sở thích của mình. Con thích gì thì mình làm theo và làm thật nhiệt huyết. Mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều.

"Động vào công việc là cứ như… lên đồng"

“Người đàn bà thép” Nguyễn Bạch Điệp tiết lộ trên Forbes Việt Nam là người nóng tính và quyết liệt trong công việc. Bà cũng tự nhận là “cứ động vào công việc là như… lên đồng”.

Luôn định hướng nhân viên phải xử lý mọi việc thật nhanh chóng, triển khai ngay chứ không bao giờ để kéo dài lằng nhằng hay cứ tranh luận mãi. “Tuy nhiên, cũng có vài lần mình suy nghĩ kỹ lại thấy nhân viên mới đúng, hôm sau mình lại điều chỉnh ngay”, bà Điệp nhớ lại.

Nữ doanh nhân nêu quan điểm, khi bản thân mình đã lựa chọn việc gì thì phải tập trung làm tốt và “đừng than vãn”. Chỉ có như vậy mới phát triển được.

Cẩn trọng trong đầu tư và không ngừng học hỏi, bà Điệp cùng các cộng sự đã đưa chuỗi cửa hàng FPT Shop gặt hái thành công sớm hơn mong đợi.

Vào tháng 4/2018, 40 triệu cổ phiếu FRT của FPT Retail đã chính thức niêm yết trên sàn HoSE đã khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ngày khi chào sàn, cổ phiếu FRT đã tăng kịch trần 20% lên 150.000 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa của FPT Retail theo đó tăng vọt từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng.

Bà Điệp cho hay, việc cổ phiếu FRT lên sàn đối với bà là một trải nghiệm mới trong quá trình làm việc 20 năm ở FPT, sau khi làm qua nhiều công ty với nhiều vị trí trong tập đoàn nhưng là lần đầu tiên phải “lead” một công ty lên sàn như vậy.

Kết thúc năm 2018, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt 15.298 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2017. Trong đó doanh thu online đạt mức 2.432 tỷ đồng, tăng 21%; lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt 348 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với năm 2017.

Cũng trong năm 2018, tổng số cửa hàng của FPT Retail đã cán mốc con số 533, tăng 60 điểm bán so với cuối năm 2017 vươn lên thành nhà bán lẻ di động top 2 thị trường Việt Nam sau Thế Giới Di Động. Nếu tính riêng, doanh số trung bình trên mỗi cửa hàng đạt 2,4 tỷ đồng/tháng, tăng nhẹ so với năm 2017.

Chưa dừng lại ở mảng bán lẻ thiết bị số, FPT Retail còn nhảy vào mảng bán lẻ dược phẩm sau khi mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu.

Cũng trong năm 2018, doanh nghiệp này chính thức công bố thành lập công ty con là Công ty Cổ phần dược phẩm FPT Long Châu (FPT Pharma) có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Theo đó, FPT Retail sẽ nắm 75% vốn của FPT Pharma, tương đương giá trị 75 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật của FPT Pharma là bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch của FPT Retail.

Từ nay đến năm 2022, FPT Retail tham vọng sẽ mở thêm 100 nhà thuốc, kiểm soát 30% thị phần thị trường dược phẩm tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Bạch Điệp cho biết những kinh nghiệm quản lý hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ các thiết bị kỹ thuật số sẽ giúp FPT Retail đạt được tham vọng của mình.

>>> Xem thêm: Top 20 nữ doanh nhân hàng đầu của Forbes vắng tên doanh nhân Nguyễn Thanh Phượng, Trần Uyên Phương

Tin mới lên