Tài chính quốc tế

Người đứng đầu quỹ đầu tư 10 tỷ USD của Nga gọi lệnh trừng phạt của Mỹ là 'điều nực cười'

(VNF) - "Các biện pháp trừng phạt của Mỹ không làm các doanh nghiệp quốc tế sợ hãi khi đầu tư vào Nga", người đứng đầu một quỹ đầu tư của Nga cho biết tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg hôm thứ Tư.

Người đứng đầu quỹ đầu tư 10 tỷ USD của Nga gọi lệnh trừng phạt của Mỹ là 'điều nực cười'

Kirill Dmitriev, giám đốc điều hành của Russian Direct Investment Fund (RDIF)

"Các hạn chế hiện tại cũng không thể ngăn cản việc đầu tư vào Nga", Kirill Dmitriev, giám đốc điều hành của Russian Direct Investment Fund (RDIF) nói với tờ CNBC, cho biết một thỏa thuận đầu tư mới đã được ký kết tại diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg năm nay.

Dmitriev cũng trích dẫn 12 thỏa thuận mới được công bố tại sự kiện này, trong đó có 6 hợp đồng với Pháp.

Khi được hỏi liệu ông có lo ngại về việc gia tăng trừng phạt từ Bộ Tài chính Mỹ lên RDIF, Dmitriev cho biết: "Là một quỹ đầu tư quốc gia, việc trừng phạt chúng tôi sẽ chỉ tạo tiền lệ cho các quỹ tài sản quốc gia khác rút dòng vốn ra khỏi nền kinh tế Mỹ".

"Chúng tôi tin rằng, một cách thẳng thắn, các biện pháp trừng phạt là một điều khá ‘nực cười’. Nhưng bất kể thế nào chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục làm việc với các nhà đầu tư hàng đầu trên toàn thế giới".

RDIF là quỹ đầu tư trị giá 10 tỷ USD được thành lập bởi điện Kremlin để cùng các quốc gia khác đầu tư vào nền kinh tế Nga. Dmitriev trở thành giám đốc điều hành của quỹ từ năm 2011 để cải thiện dòng vốn đầu tư nước ngoài và niềm tin của nhà đầu tư.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ trong tháng 4/2018 đã công bố các lệnh trừng phạt mới cho bảy “ông trùm” của Nga và 12 công ty mà họ đang kiểm soát, cùng với 17 quan chức khác. Quan hệ giữa hai nước được cho là ở mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Đầu tư nước ngoài tại Nga đã giảm đáng kể từ năm 2014 khi Phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt lên nước này. Mặc dù hiện đang bắt đầu phục hồi, dự báo tăng trưởng kinh tế của Nga vẫn ở mức 1,5% đến 2% và một cuộc cải cách kinh tế là cần thiết để cải thiện năng suất và mức đầu tư.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây đã công bố mục tiêu tăng trưởng 4%, thừa nhận rằng cần phải nâng mức đầu tư tăng đáng kể mới đạt được mục tiêu này.

Tin mới lên