Tài chính quốc tế

Người kế nhiệm Tổng thống Obama cần làm gì để 'hồi sinh' TPP?

Nếu Tổng thống Mỹ kế nhiệm tin rằng việc thông qua TPP sẽ tốt hơn là không thông qua, tân Tổng thống Mỹ rất có thể sẽ chỉ đạo chính quyền mới bổ sung, sửa đổi hiệp định TPP.

Người kế nhiệm Tổng thống Obama cần làm gì để 'hồi sinh' TPP?

Người kế nhiệm Tổng thống Obama cần làm gì để hồi sinh TPP?

Chuyên gia Esther Sainsbury của Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ, mới đây đã đăng bài viết trên trang web của cơ quan này phân tích về năm cách thức mà tân Tổng thống Mỹ có thể làm để hồi sinh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

Theo bài viết, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông "tự tin" rằng Quốc hội Mỹ sẽ thông qua TPP trong năm 2016. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy Quốc hội Mỹ sẽ thông qua hiệp định và rằng sự ủng hộ của Quốc hội đối với TPP là không chắc chắn do đó đã đến lúc xem xét tới khả năng người kế nhiệm ông Obama sẽ hồi sinh TPP trong năm 2017 bằng cách nào? 

Có nhiều lý do để tin rằng ông Obama sẽ không thể giành được sự đồng thuận của Quốc hội để thông qua TPP trong năm 2016. TPP đã được đề cập trong chiến dịch tranh cử của các ứng viên Tổng thống thuộc các đảng Dân chủ và Cộng hòa và dường như chưa giành được sự ủng hộ của công chúng cũng như các nhà làm luật.

Trong khi đó, cả hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump vừa giành thắng lợi đại diện cho các đảng Dân chủ và Công hòa trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, đều bày tỏ quan điểm không ủng hộ hiệp định này. 

Bối cảnh và nhu cầu cấp bách của việc phê chuẩn TPP trong năm 2017 rất có thể thay đổi. Nếu các cuộc đàm phán được thực hiện theo đúng tiến độ, tức vào tháng 1/2017 thì Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một thỏa thuận thương mại tự do cạnh tranh không có sự tham gia của Mỹ, nhưng có mặt Trung Quốc, sẽ được ký kết hoặc cơ bản sẽ hoàn thành đàm phán.

Khi đó tân Tổng thống Mỹ sẽ chứng kiến sự phát triển sâu rộng của RCEP, thay thế cho hiệp định TPP do Mỹ dẫn đầu đang dần bị suy yếu. 

Nếu Tổng thống Mỹ kế nhiệm tin rằng việc thông qua TPP cho dù còn những khiếm khuyết sẽ tốt hơn là không thông qua, tân Tổng thống Mỹ rất có thể sẽ chỉ đạo chính quyền mới bổ sung, sửa đổi hiệp định TPP.

Khi đó Mỹ sẽ cố gắng để tránh việc TPP phải đàm phán lại đồng thời sử dụng các biện pháp để thúc đẩy sự ủng hộ của công chúng và doanh nghiệp Mỹ đối với các thỏa thuận thương mại này. Dưới đây là năm cách Tổng thống mới của Mỹ có thể thực hiện để giúp TPP được phê chuẩn: 

Một là thuyết phục về vai trò của Mỹ, tầm quan trọng của thương mại đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ và ủng hộ các nguyên tắc của TPP. Tổng thống Mỹ kế nhiệm cần duy trì động lực tiếp tục xem xét để thông qua TPP. Thay vì từ bỏ thỏa thuận, ông nên đưa ra các phát biểu thuyết phục công chúng về việc tiếp tục theo đuổi TPP.

Thực hiện điều này, tân Tổng thống cần cam kết đánh giá lại các tác động của TPP trong các lĩnh vực cụ thể liên quan đến nền kinh tế Mỹ và lợi ích của người dân, chẳng hạn như vấn đề tạo việc làm, tiền lương và an ninh quốc gia. Các phát biểu nên tập trung vào lợi ích của TPP đối với Mỹ trong một thế giới toàn cầu hóa. 

Hai là từ bỏ chương trình điều chỉnh thương mại (TAA) và đưa ra chiến lược mới nhằm hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các hiệp định thương mại quốc tế.

Trên cơ sở các khuyến nghị đầu tiên, Tổng thống mới cần cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động Mỹ đối phó với tình trạng mất việc làm và các tác động tiêu cực khác từ việc thực hiện TPP. Các TAA cần được xem xét lại.

Chính phủ Mỹ cần đào tạo việc làm mở rộng và chuyên sâu nhằm đảm bảo người Mỹ có thể tận dụng được các cơ hội mà TTP mang tới. Quốc hội cần hỗ trợ các chương trình phát triển lực lượng lao động mới để hỗ trợ những người mất việc. 

Ba là thúc đẩy lợi thế đổi mới của Mỹ và đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ. Chính quyền mới nên khởi động quỹ đổi mới kinh doanh và trung tâm tư vấn quyền sở hữu trí tuệ để khuyến khích và tư vấn bảo vệ sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ hoạt động trong lĩnh vực như các ngành công nghiệp kỹ thuật số và dược phẩm.

Đây có thể là một sáng kiến độc lập nhưng cần liên kết chặt chẽ với các cơ quan hữu quan hiện có như cơ quan quản lý thương hiệu và bằng sáng chế Mỹ. 

Bốn là cải thiện các công cụ để giải quyết vấn đề thao túng tiền tệ. Thao túng tiền tệ và tác động của nó đối với thâm hụt thương mại và việc làm của Mỹ đã được những người theo quan điểm chống TPP đề cập nhiều trong năm 2016.

Mặc dù thao túng tiền tệ là rất khó định lượng, nhưng Tổng thống kế tiếp cần cam kết theo đuổi các thỏa thuận hợp tác kinh tế vĩ mô song phương mới với các đối tác TPP lớn, ví dụ như Nhật Bản, đồng thời tăng cường chính sách tỷ giá hối đoái, ngăn chặn sự biến dạng của nền kinh tế và thiết lập một cơ chế trừng phạt các hành vi vi phạm.

Những nỗ lực này cần được bổ sung vào thỏa thuận TPP hiện hành về ngăn chặn thao túng tiền tệ. 

Năm là giải quyết các quan ngại liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền sáng chế dược phẩm, bảo hộ doanh nghiệp thuốc lá… Tổng thống mới nên giải quyết các khác biệt về những vấn đề này với Quốc hội thông qua đối thoại, đặc biệt là với các nghị sĩ có quan điểm phản đối TPP.

Nhiều ý kiến cho rằng quá muộn để Quốc hội Mỹ có thể thông qua TPP trong năm 2016, do đó Tổng thống Mỹ mới sẽ phải tiếp tục theo đuổi vấn đề này.

Tuy nhiên, TPP vẫn đảm bảo tính chiến lược và vẫn còn thời gian để đưa ra các lập luận thuyết phục liên quan đến hiệp định nhằm xóa đi những nghi ngờ về ảnh hưởng của nó đối với kinh tế Mỹ và thuyết phục công chúng về tầm quan trọng của TPP đối với an ninh và thịnh vượng của nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Tin mới lên