Ngân hàng

Người nước ngoài không được gửi tiết kiệm VNĐ?

Sau quy định ngưng nhận tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ của các cá nhân nước ngoài được thực hiện cách đây 2 năm, Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra dự thảo về quy chế tiền gửi tiết kiệm, trong đó không quy định người nước ngoài được gửi tiết kiệm tiền đồng VN tại các tổ chức tín dụng.

Người nước ngoài không được gửi tiết kiệm VNĐ?

Cần cho người nước ngoài gửi tiết kiệm VNĐ để thu hút nguồn vốn

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các quy định tại Pháp lệnh ngoại hối không có quy định cho phép người cư trú là cá nhân nước ngoài, người không cư trú được gửi tiền gửi tiết kiệm bằng đồng VN (VNĐ) tại tổ chức tín dụng (TCTD).

Bước lùi đáng tiếc

Ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Công ty luật IPIC GROUP, cho rằng quy định của NHNN hiện thừa nhận người nước ngoài được phép gửi tiết kiệm VNĐ tại các TCTD. Nay nếu thông tư được ban hành thì đây là một bước lùi đáng tiếc trong quản lý hoạt động tiền gửi tiết kiệm nói chung và quản lý hoạt động tiết kiệm đối với người nước ngoài nói riêng.

"Trong một thời đại mà việc dịch chuyển dân cư theo xu hướng "thế giới phẳng" và "công dân toàn cầu" thì việc làm ăn sinh sống giữa các quốc gia cần phải được gỡ bỏ giới hạn về rào cản. Cùng với ý nghĩa đó thì việc gửi tiết kiệm bằng đồng tiền của quốc gia đó từ chính thu nhập hợp pháp cần được thừa nhận và khuyến khích, thay vì cấm đoán một cách không có cơ sở thực tiễn.

Mặt khác, đây là một lãng phí lớn về nguồn vốn, vì nếu không được gửi tiết kiệm tại VN, những nguồn thu nhập hợp pháp này sẽ phải chuyển ra nước ngoài để tái đầu tư (thông qua gửi tiết kiệm hoặc tiếp tục đầu tư). Vô hình trung chúng ta là người bị thiệt", ông Hưng phân tích.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng không có lý do gì để không cho người nước ngoài gửi tiết kiệm VNĐ tại các TCTD VN, khi đã có quy định cho mở tài khoản thanh toán. Xét về góc độ rủi ro thì tài khoản thanh toán có độ rủi ro hơn so với tài khoản tiết kiệm.

"So với lãi suất USD, lãi suất VNĐ hiện nay tốt hơn nhiều nhưng khi quyết định đổi từ nguồn USD sang VNĐ, người nước ngoài cũng phải chấp nhận sự biến động tỷ giá. Đối với cá nhân người nước ngoài có việc làm tại VN lâu dài, nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công hay các khoản đầu tư trong nước được gửi dưới hình thức tiết kiệm thì cũng nên khuyến khích họ để lại trong nước", ông Hiếu phân tích và cho biết tại một số tiểu bang của Mỹ, người nước ngoài được mở tài khoản tiền tiết kiệm khi có công ăn việc làm. "Tôi cũng không rõ nguyên nhân tại sao không cho người nước ngoài gửi tiết kiệm VNĐ vì đây cũng là một nguồn vốn tốt cho đất nước", ông Hiếu nói.

Theo tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần, dự thảo thông tư hướng dẫn "hơi cứng nhắc". Xét về lợi ích, việc không cho người nước ngoài đang sinh sống tại VN gửi tiết kiệm bằng VNĐ là hạn chế đầu tư tài chính tại VN. "Trước đây, một luồng vốn của cá nhân nước ngoài chuyển vào VN nhằm hưởng chênh lệch lãi suất cao do lãi suất huy động USD của các ngân hàng Việt ở mức 5%, trong khi Mỹ ở mức gần 0%.

Nhưng nay, mặt bằng huy động lãi suất USD của VN thấp, mức chênh lệch không đáng kể. Còn lãi suất VNĐ ở mức 5% - 7,8%/năm tùy theo từng kỳ hạn, mức lãi suất này khá hấp dẫn nhưng người nước ngoài chấp nhận biến động tỷ giá, chuyển từ USD sang VNĐ để gửi thì chúng ta không nên từ chối khoản tiền này", ông này nói.

Sao phải từ chối?

Ông Cấn Văn Lực, Giám đốc Trung tâm đào tạo Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV), chia sẻ: "Ở một số nước như Mỹ, Thái Lan... những cá nhân nước ngoài có công ăn việc làm, có thời gian cư trú dài sẽ được thực hiện gửi tiết kiệm cả đồng nội tệ và ngoại tệ. Ở VN cũng có nhiều chuyên gia sống và làm việc lâu dài, họ có được phép mở tài khoản tiết kiệm tiền đồng hay không là vấn đề cần cân nhắc cho phù hợp".

Thực tế, lượng người nước ngoài đến sinh sống và làm việc ở VN ngày càng nhiều. Trang web InterNations vừa đưa ra bảng xếp hạng mang tên Expat Insider, khảo sát 67 nước và vùng lãnh thổ, được thực hiện trên 14.000 người thuộc 174 quốc tịch khác nhau về việc đi lại, sinh sống và làm việc ở mức quốc gia khác. Theo đó, VN đứng thứ 11 trên thế giới về môi trường sinh sống và làm việc. Trong những năm gần đây, số lượng người nước ngoài làm việc tại VN ngày càng tăng lên.

Vì vậy, theo một chuyên gia tài chính: "VN đã gia nhập các tổ chức thế giới như WTO, TTP... nên cần ban hành những quy chế đối xử công bằng. Chúng ta cần xem lại các quy định hiện nay có gì sai so với những cam kết hay không. Để tạo môi trường thông thoáng cho người nước ngoài, hỗ trợ các ngân hàng trong việc huy động vốn, tại sao chúng ta lại từ chối nguồn vốn này thay vì sửa đổi Pháp lệnh Ngoại hối cho phù hợp với tình hình mới".

Dưới góc độ pháp lý, ông Nguyễn Duy Hưng kiến nghị: "Nếu Pháp lệnh Ngoại hối, các nghị định hướng dẫn không có quy định cho người nước ngoài được phép gửi tiết kiệm bằng VNĐ thì chúng ta nên xem xét, sửa đổi các văn bản này. Việc cho phép người nước ngoài được gửi tiết kiệm bằng VNĐ cũng sẽ nâng đồng tiền của VN "có giá" hơn".

Không khuyến khích tổ chức tín dụng đầu tư ngoài ngành

NHNN VN vừa đưa ra dự thảo hướng dẫn điều kiện, hồ sơ, trình tự thủ tục chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của TCTD. Theo đó, đối với hình thức đầu tư thương mại, TCTD sở hữu mức vốn góp từ 11% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp (DN) nhận vốn góp trở xuống. Đây là các khoản góp vốn, mua cổ phần vào các DN hoạt động ngoài lĩnh vực ngân hàng - tài chính, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhất là khi đầu tư vào các DN chưa niêm yết nên không nên khuyến khích. Tuy nhiên, quy định hiện hành về các giới hạn an toàn nhằm hạn chế rủi ro đối với hình thức này lại chưa cụ thể, ngoại trừ giới hạn tổng mức góp vốn, mua cổ phần (bao gồm cả hình thức đầu tư thương mại) là 40% và 60% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của NHTM, công ty tài chính. Vì vậy, theo dự thảo, cần ràng buộc đối với loại hình góp vốn, mua cổ phần này với các điều kiện cao nhất so với các hình thức khác.

Ngoài ra, dự thảo còn đề cập đến quy định hoán đổi nợ thành vốn góp, mua cổ phần với điều kiện TCTD chỉ được thực hiện đối với nợ thuộc nhóm 5 hoặc nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro; tổng mức góp vốn, mua cổ phần dưới mọi hình thức không vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại, không vượt quá 60% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của công ty tài chính...

Tin mới lên