Nhân vật

Người Singapore tò mò vì vợ Thủ tướng Lý Hiển Long cập nhật Facebook thường xuyên

(VNF) - Các cuộc thảo luận trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy người Singapore rất tò mò về mức lương và vai trò của bà Hồ Tinh (phu nhân Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long) với tư cách là CEO quỹ đầu tư quốc gia Temasek.

Người Singapore tò mò vì vợ Thủ tướng Lý Hiển Long cập nhật Facebook thường xuyên

Bà Ho Ching, vợ thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, tại hội nghị thượng đỉnh G20 2017 ở Hamburg. Ảnh: AFP

Đối với nhiều người Singapore, bà Hồ Tinh - vợ Thủ tướng Lý Hiển Long được biết đến là một nhân vật nổi tiếng trên Facebook.

Từng được mô tả là một người nhút nhát trước công chúng, bà Hồ Tinh - người nắm giữ vị trí đứng đầu lâu năm của quỹ đầu tư vốn nhà nước Temasek Holdings của Singapore -  đã trở thành một trong những nhân vật được theo dõi sát sao nhất trên phương tiện truyền thông xã hội đảo quốc này.

Một cuộc kiểm tra dữ liệu trong tuần này tại châu Á được tổng hợp bởi nền tảng theo dõi truyền thông xã hội CrowdTangle đã tiết lộ quy mô hiện diện của bà Hồ Tinh trên Facebook với hồ sơ công khai có hơn 101.000 người theo dõi.

Các bài đăng trên Facebook của bà Hồ Tinh được đọc rộng rãi ở Singapore, nơi cứ 5 người Singapore thì có 4 người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội.

Bà Hồ Tinh đã đăng tải Facebook trung bình 4.800 lần mỗi tháng trong 12 tháng qua, điều này dễ dàng khiến bà trở thành một trong những người dùng truyền thông xã hội được yêu thích nhất ở Singapore. Từ lâu bà đã duy trì thói quen đăng bài trên nền tảng Facebook, trung bình 1.830 bài đăng hàng tháng trong vòng 5 năm qua.

Hầu hết các bài viết của bà liên kết đến các bài báo, một số là suy nghĩ cá nhân hoặc bình luận về các sự kiện diễn ra ở thời điểm hiện tại. Với một số phản ánh gây ra tranh cãi trong những ngày gần đây, sự hiện diện của bà trên Facebook đã trở thành tâm điểm chú ý.

Một vấn đề đang được tranh luận là liệu việc bà Ho Ching đăng tải quá nhiều trên Facebook về các chính sách của chính phủ có phù hợp hay không bởi bà đã kết hôn với quan chức cao cấp nhất ở Singapore và cũng vì bà là CEO của quỹ đầu tư nhà nước Temasek Holdings, điều đó có nghĩa là các quan điểm cá nhân cũng có thể được coi là quan điểm chính thức.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cùng vợ Ho Ching sau khi tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Indonesia Joko Widodo vào năm 2019. Ảnh: Reuters

Năm 2016, giữa mối hận thù công khai giữa ông Lý Hiển Long và người em gái Lý Vỹ Linh, bà Hồ Tinh đã đăng tải hình ảnh một con khỉ chỉ ngón tay giữa lên trang Twitter cá nhân. Sau đó, bà đã gỡ bài đăng xuống giữa nhiều suy đoán về ý nghĩa của nó. Bà giải thích rằng bà đã vô tình tải lên hình ảnh.

"Hồ Tinh không nắm giữ bất kỳ vị trí nào tại văn phòng chính phủ, nhưng các bài đăng của cô có sức nặng, với quyền lực gần như một nhân vật thuộc chính phủ, bởi vì chồng bà và vị trí mà đang nắm giữ là giám đốc điều hành của quỹ đầu tư quốc gia Temasek Holdings", ông Lynette Ong, một nhà nghiên cứu chính trị châu Á tại Trường đại học Toronto nói.

Phó giáo sư khoa học chính trị của Đại học Quốc gia Singapore Chong Ja Ian cho biết, trong bối cảnh Singapore - nơi giới tinh hoa kinh doanh và chính trị không biết nói thẳng thắn và trực tiếp trước công chúng về các vấn đề xảy ra - đó là điều tự nhiên mà bất kỳ bình luận nào họ đưa ra sẽ nhận được nhiều sự xem xét kỹ lưỡng. "Người ta thường có xu hướng đọc những thông điệp mà các cá nhân có địa vị cao chia sẻ", ông nói.

Vào cuối tuần trước, trong một bài đăng trên Facebook, bà Hồ đã chỉ trích một nhà phê bình giấu tên khi bình luận về phản ứng của chính phủ Singapore đối với sự gia tăng các trường hợp lao động nhập cư nhiễm Covid-19. 10.000 trường hợp được xác nhận bị nhiễm với nhiều người trong số họ được cho là đã mắc bệnh trong các ký túc xá chật chội nơi họ sống.

"Tất cả chúng ta đều đánh giá thấp các trường hợp không bị nhiễm bệnh - không chỉ Singapore, mà cả thế giới", bà Hồ bày tỏ sự thất vọng.

"Đừng nói sai sự thật, chàng trai trẻ!", bà Hồ viết trên Facebook. Bà khuyến cáo nhà phê bình ngừng lãng phí thời gian làm một tài xế ngồi ghế sau, và dừng đổ lỗi cho người này hay người kia.

Vào ngày 20/4, một bài đăng trên trang Facebook của bà Hồ Tinh đã khiến cư dân mạng hơi hoang mang. Bài đăng có tiếng cười (Heehee heehee heeheehee!) và các biểu tượng mặt cười và những lời chia sẻ sử dụng ngôn ngữ "dân dã".

Bà Hồ Tinh viết: "Xin lỗi mọi người, tôi đang vui vẻ thôi! ... Sinh ra là một người không theo những quy tắc của tổ chức, vì vậy tôi đoán là sự bất kính nằm trong máu của tôi...".

Một bài đăng của bà Hồ Tinh trên trang Facebook cá nhân ngày 20/4. Ảnh chụp màn hình

Theo một số nhà bình luận chính trị, các cuộc thảo luận trực tuyến về bà Hồ Tinh nên được hoan nghênh, cho thấy rằng công dân đang trở nên thoải mái hơn khi nói lên suy nghĩ của họ về gia tộc họ Lý vốn đã thống trị chính trị Singapore từ lâu.

Trong nhiều thập kỷ, các vấn đề của hoàng gia Singapore đã được thảo luận với giọng điệu im lặng, một phần do sự kính nể mà công dân Singaore dành cho nhà sáng lập đảo quốc Lý Quang Diệu.

Kể từ khi ông Lý Quang Diệu qua đời, ba người con ông lục đục, công khai phê phán, chỉ trích, tố cáo nhau trên các phương tiện truyền thông khiến nhiều người bất ngờ.

Garry Rodan, một nhà quan sát kỳ cựu của Singapore tại Đại học Murdoch của Úc, cho biết ông tin rằng những câu hỏi xung quanh các hoạt động trên Facebook của bà Hồ đã nói lên mối quan tâm từ lâu của nhiều người Singapore về tính khả thi trong việc quản trị của vợ Thủ tướng Lý Hiển Long với tư cách là giám đốc điều hành của quỹ đầu tư Temasek.

Người Singapore không chỉ tò mò về vai trò của bà Hồ trong Temasek, công ty có khoảng 313 tỷ đô la Singapore (219 tỷ đô USD) tài sản được quản lý tính đến thời điểm tháng 3 năm ngoái - mà còn quan tâm đến tiền lương của bà khi Temasek không tiết lộ.

"Làm thế nào mà bà ấy có thời gian cho Facebook với tư cách là CEO của Temasek? Đây có phải là một phần của chiến lược quan hệ công chúng Temasek không?", Rodan đặt câu hỏi. "Có hay không một sự phân định rõ ràng giữa việc sử dụng tài nguyên nhà nước và cá nhân trong việc tạo ra các bài đăng? Đây là những câu hỏi mà một số người Singapore dường như quan tâm trên phương tiện truyền thông xã hội".

Bà Hồ đã không trả lời các câu hỏi từ This Week in Asia, bao gồm cả hoạt động truyền thông xã hội của bà. Thay vào đó, người phát ngôn của công ty đã đề cập đến một thông cáo báo chí được đưa ra vào Chủ nhật, theo đó bác bỏ những đồn đoán phát ra từ một chương trình trò chuyện của Đài Loan vào tuần trước cho rằng bà Hồ hưởng mức lương 100 triệu đô la Singapore mỗi năm.

Thông báo của Temasek nói rằng thông tin trên là sai và bà Hồ không phải người hưởng mức lương cao nhất trong Temase  và cũng không nằm trong số 5 giám đốc điều hành được trả lương cao nhất trong công ty.

"Vào thời điểm thắt lưng buộc bụng sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến người dân Singapore có thu nhập thấp hơn trong và sau cuộc khủng hoảng Covid-19, những thắc mắc về việc công dân không có quyền biết mức lương của CEO của Temasek có khả năng sẽ cao hơn bình thường", ông Rodan nói.

Trong số những người đang thảo luận về vấn đề này có Andrew Loh, cựu biên tập viên của tờ The Online Citizen. "Tại sao người này lại có mức lương bí mật như vậy, khi bà ấy đứng đầu một công ty được giao trách nhiệm quản lý một phần tài sản dự trữ đáng kể của quốc gia (hơn 300 tỷ đô la Singapore)?", Loh đã viết trong một bài đăng công khai trên Facebook.

"Làm thế nào để một người có công việc quan trọng như vậy có thời gian đăng tải thường xuyên trên Facebook trong một ngày, hơn 100 bài đăng mỗi ngày (và làm như vậy trong nhiều ngày)?", Lod đặt câu hỏi.

Tin mới lên