Bất động sản

Người Trung Quốc 'mua' đất: Đề nghị sớm sửa luật để ngăn chặn

Trong các kỳ trước, Dân Việt đã chỉ ra hàng loạt hành vi của người Trung Quốc góp vốn mua đất lập doanh nghiệp, núp bóng khách du lịch vào lao động chui, sở hữu những vị trí kinh doanh ở các vùng đất “nhạy cảm”. Trước thực trạng trên, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã lên bày tỏ sự bức xúc và có những quan điểm, chính kiến riêng khẳng định hành vi “tiếp tay” cho người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc là việc làm không nên, sẽ mang lại nhiều hệ lụy xấu cho quốc gia.

Người Trung Quốc 'mua' đất: Đề nghị sớm sửa luật để ngăn chặn

Crowne Plaza, khu resort kiêm kinh doanh dịch vụ vui chơi có thưởng cho người nước ngoài của Silver Shores án ngữ sân bay Nước Mặn, Đà Nẵng. Ảnh: Đình Thiên.

Thực trạng rất nan giải

Trao đổi với PV, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), cho rằng về mặt pháp luật không có kẽ hở để cho người Việt Nam đi mua đất hộ người nước ngoài. Đây là vấn đề quan hệ cá nhân, nếu mua hộ thì sẽ trở thành vi phạm, chúng ta không cho người nước ngoài mua đất tại Việt Nam, nếu đứng hộ sau đó chuyển giao qua các hình thức thì là giả danh. Bản chất của câu chuyện này là thực hiện hành vi “hợp đồng giả cách”, không được pháp luật công nhận cho nên không đúng với quy định.

“Chúng ta không cho phép người dân đứng tên để mua hộ đất cho người nước ngoài. Đây là hành vi vô cùng ngây thơ, tiếp tay cho người nước ngoài để người ta vi phạm pháp luật. Đây có thể là một cá nhân nào đó chuộc lợi chứ không phải là mục tiêu của quốc gia”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Cho rằng ý thức của công dân còn rất kém trong việc này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói, các cơ quan chức năng của địa phương cần tuyên truyền cho người dân không làm những việc để cho người nước ngoài “vỗ mặt”, thuê, sở hữu đất đai ở Việt Nam.

“Đây là việc làm không thể chấp nhận, nếu phát hiện thì phải xử lý vi phạm vì  rõ ràng đây là 'hồn Trương Ba, da hàng thịt", ĐB Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Bày tỏ bức xúc trước thực trạng hiện có nhiều người Trung Quốc “núp bóng” quản lý, sở hữu đất đai ở Việt Nam, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết ông đã đi rất nhiều nơi và nhận thấy ở Việt Nam nhan nhản tình trạng trên.

“Việc người nước ngoài giả danh để mua đất ở Việt Nam đã được đưa vào kết luận của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội. Đây là hành vi giả danh, Chủ tịch TP. Đà Nẵng có biết không hay lờ đi?”, ông nói.

Theo lời ĐB Nguyễn Anh Trí, phải có điều tra toàn quốc về thực trạng này và tổ chức thực hiện thật nghiêm túc vì hiện nay rất mập mờ; tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, QH đã đề nghị làm rõ điều này và cấm không cho xảy ra. Tuy nhiên, gần đây lại tiếp tục rộ lên trầm trọng hơn không chỉ ở Đà Nẵng mà ở khắp cả nước như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Quốc và một số tỉnh ở Tây Nguyên… Đây là thực trạng cực kỳ nan giải.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội).

Về nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, ĐB Nguyễn Anh Trí cho rằng hiện nay Luật Đất đai và Luật Đầu tư đang bị lợi dụng; đồng thời một nhóm người dân hám lợi tiếp tay cho người nước ngoài. “Họ (người nước ngoài - PV) đưa tiền cho rồi mua và đứng tên của mình (người Việt Nam - PV) rồi bằng nhiều cách họ có thể trở thành nhà đầu tư và sử dụng đất tại Việt Nam. Đây là hành vi lách luật. Việc này mang lại hệ lụy rất lớn về đời sống xã hội - kinh tế của đất nước ta”, ĐB Nguyễn Anh Trí nhìn nhận.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung luật

Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng nói: “Theo tôi biết, ở Đà Nẵng có 2 dự án. Trong đó có dự án Silver Shores (1 lô đất có diện tích 20ha được TP. Đà Nẵng cho Công ty Du lịch và giải trí quốc tế Silver Shores Hoàng Đạt thuê - PV). Đây là dự án được cấp phép cho chủ đầu tư là người Trung Quốc nhưng lại có quốc tịch Mỹ. Việc này Giám đốc Sở TNMT Đà Nẵng đã trả lời. Còn một dự án khác của người Việt Nam, quá trình đầu tư dự án có mua đất nhưng trong quá trình phát triển dự án người Trung Quốc có tham gia cổ phần ở trong đó”, ông Sơn nói và khẳng định “không có chuyện người nước ngoài mua đất và được cấp sổ đỏ”.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng cho biết trong năm 2019, QH đã đi giám sát và rất nhiều ĐBQH có ý kiến về việc người nước ngoài giả danh để mua đất ở Việt Nam và đề xuất khi sửa đổi Luật Đất đai phải xem xét đất ở các dự án liên quan đến an ninh, quốc phòng và những vị trí trọng điểm.

Luật Đầu tư cho phép tư nhân đầu tư vào sau đó chuyển nhượng dự án thì tất cả các khu vực này phải có cơ chế chính sách riêng để đảm bảo đất đai và vị trí nhạy cảm về quốc phòng, an ninh không bị chuyển giao vào người nước ngoài.

“Hiện nay việc này còn có nhiều kẽ hở nên phải xem xét nghiên cứu để sắp tới điều chỉnh cho hợp lý để đảm bảo yếu tố kiểm soát người nước ngoài mua đất của Việt Nam. Luật pháp của Việt Nam không có quy định cho phép người nước ngoài mua đất của Việt Nam mà chỉ có mua các căn hộ ở trong các dự án được phê duyệt. Cho nên không thể hiểu là chính quyền thành phố bán đất rồi cấp sổ đỏ cho người nước ngoài” - ông Sơn nhấn mạnh.

Nói về việc người Trung Quốc nhờ người Việt đứng tên, hoặc góp vốn, mua cổ phần rất nhỏ tại các doanh nghiệp hoặc các dự án của người Việt làm chủ. Sau đó, nhiều người Trung Quốc đã có thể trở thành nhà đầu tư và sử dụng đất tại Việt Nam, ông Sơn cho rằng: Đây là một cách làm lợi dụng sơ hở, do đó cần phải làm rõ cho người dân Việt Nam hiểu và đều phải có ý thức trách nhiệm cao về việc này.

“Khi tôi làm Giám đốc Sở Tư pháp, nhiều anh em phản ánh có rất nhiều người dân thuộc hộ nghèo lại vác cả tỷ đồng đi mua đất khiến anh em rất ngạc nhiên, vì nghi ngờ nên người dân cũng đã báo ngay cho cơ quan chức năng. Nó là hiện tượng ban đầu đã nhìn thấy nhưng thời gian vừa qua có hiện tượng tinh vi hơn. Việc này ban đầu mình khó có thể kiểm soát được, vì việc quản lý tiền của mình không được chặt chẽ như các quốc gia khác, mình chưa nắm được nguồn tiền của ông này lấy ở đâu ra. Ở nước ngoài anh phải chứng minh được nguồn tiền anh lấy ở đâu ra thì mới được mua đất, còn ở mình việc quản lý vẫn chưa đạt được nên đây là một hạn chế cần phải khắc phục”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cho rằng “đâu đó khi người dân khó khăn quá, vì nhu cầu cuộc sống ngay trước mắt đòi hỏi họ phải suy nghĩ, tác động đến tâm lý người dân” dẫn đến thực trạng trên, “lỗi hoàn toàn không phải do công tác tuyên truyền vì nếu tuyên truyền thì không biết bao giờ mới đủ, người dân không phải ai cũng nhận thức được ngay nên phải có một quá trình vận động”.

“Thực tế nó luôn đi trước nên phải đánh thức lòng yêu nước của người dân trong từng hành động của mình, anh phải hiểu rằng anh đứng tên mua đất cho người nước ngoài là anh thực hiện một hành động gây phương hại cho lợi ích quốc gia. Việc này các cấp chính quyền chính phải tuyên truyền mạnh mẽ hơn… Phải chỉ rõ cho người dân biết được những việc làm đó sẽ gây ra phương hại cho lợi ích quốc gia thì chắc chắn người dân sẽ nhận thức được”, ông Sơn nói.

Đáng chú ý, ông Sơn cho rằng hiện nay Luật Đầu tư và Luật Đất đai đang có nhiều câu chuyện cần phải bàn. Theo đó, chắc chắn sắp tới sửa Luật Đất đai thì các ĐBQH sẽ phải đề xuất việc này. “Trong quá trình giám sát, tôi cũng thấy được rất nhiều ĐBQH đã đề xuất việc đó, chắc chắn trong việc sửa đổi luật sắp tới, các ĐBQH sẽ nói rõ việc này”, ông nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí khẳng định: Trong kỳ họp QH sắp tới, ông sẽ “bấm nút” - nếu được, việc đầu tiên ông sẽ phản ánh thực trạng việc người nước ngoài giả danh để mua đất ở Việt Nam.

Trong phiên QH nghe báo cáo của Đoàn giám sát của QH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến hết 2018, một số ĐB đã nêu ý kiến về công tác quản lý đất đai (Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV), nhiều ĐBQH đã bình luận về câu chuyện người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.

ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định): "Ngay bây giờ chúng ta cần có sự vào cuộc để phát hiện và xem đây là vấn đề quan trọng để kịp thời xem xét, nghiên cứu và có quản lý. Tôi rất quan ngại với hiện tượng hiện nay có một số người Việt Nam đứng tên để mua nhà chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất có yếu tố nước ngoài, tôi cho rằng đây là hiện tượng cần hết sức quan tâm đến".

ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn): "Tình trạng người dân đứng tên mua nhà nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài diễn ra ở một số nơi trong thời gian vừa qua. Chúng ta có thể thấy dấy lên nhiều lo ngại về an ninh, quốc phòng. Tôi đề nghị cần đánh giá cụ thể về thực trạng này, nghiên cứu sửa đổi những quy định không phù hợp.

"Nếu chưa đánh giá, đề xuất giao Chính phủ nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài, mới chỉ là biện pháp mang tính chất tình thế, để giải quyết những trường hợp trước mắt, còn người nước ngoài sở hữu diện tích đất ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng thì giải thích ra sao? Chính phủ ban hành văn bản để áp dụng chung trong cả nước hay văn bản cá biệt áp dụng cho địa phương diễn ra tình trạng này? Nội dung này tôi cũng đề nghị có sự quan tâm để thực hiện".

Tin mới lên