Nguyễn Thanh Tĩnh là giàn trưởng của cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh thuộc Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC). Đây là cụm công trình lớn nhất trên biển Đông của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), đồng thời cũng lớn nhất Đông Nam Á. Câu chuyện tại sao kỹ sư Tĩnh nghỉ việc ở một nơi ổn định, mức lương cao, đang trên đà thăng tiến tốt để về đầu quân cho một dự án “xương xẩu” như Biển Đông 01 là một câu chuyện dài; nhưng tất cả bắt nguồn từ tiếng gọi con tim “muốn được phụng sự Tổ Quốc”…

Cụm mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh nằm trong 2 lô dầu khí 05-2 và 05-3 thuộc bể Nam Côn Sơn, thềm lục địa Việt Nam, cụm mỏ này nằm cách Vũng Tàu 320 km về phía Đông Nam, với độ sâu dưới mực nước biển từ 118 đến 145m và có cấu tạo địa chất thuộc loại phức tạp nhất.

Đây là vùng mỏ áp suất cao, nhiệt độ cao dị thường, tại giếng khoan sâu nhất ở mỏ Hải Thạch với chiều sâu thẳng đứng hơn 4.600m, nhiệt độ ở đáy giếng lên đến 190 độ C và áp suất vượt ngưỡng 890 atmosphere. Với nhiều lý do, trong đó, đặc biệt là sự phức tạp, khó khăn về mặt kỹ thuật của dự án khiến BP và ConocoPhillips quyết định rời bỏ và chuyển giao lại cho Việt Nam sau khi mất 9 năm nghiên cứu và tiêu tốn hơn 500 triệu USD. Sau khi các công ty nước ngoài rút lui, Petrovietnam tự phát triển dự án Biển Đông 01 thành công bằng những công nghệ thăm dò, khoan, khai thác, chế tạo cơ khí… hiện đại, tiên tiến bậc nhất bởi đặc thù địa chất đặc biệt ở nơi đây.

Dự án Biển Đông 01 bao gồm việc đầu tư thiết kế, mua sắm, gia công chế tạo và lắp đặt 2 giàn khai thác đầu giếng tại 2 mỏ Mộc Tinh và Hải Thạch, mỗi giàn có khối lượng 14.000 tấn; 1 giàn xử lý trung tâm đặt tại mỏ Hải Thạch có khối lượng lên đến 30.000 tấn cấu kiện sắt thép và thiết bị. Dự án còn bao gồm việc xây dựng toàn bộ hệ thống đường ống nối từ giàn đầu giếng vào hệ thống đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn và hệ thống đường ống vận chuyển, cáp điện và cáp điều khiển nội mỏ; khoan 16 giếng khoan khai thác.

Với tổng khối lượng sắt thép và thiết bị lên đến hơn 60.000 tấn, cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh như một thành phố nổi ở thềm lục địa phía Đông Nam của Tổ quốc. Đây là cụm công trình lớn nhất trên biển Đông của Petrovietnam; để dễ hình dung về khối lượng sắt thép khổng lồ này, xin gửi tới bạn đọc 1 vài phép so sánh. Khối lượng sắt thép để xây dựng cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh gấp gần 3 lần lượng thép được sử dụng để xây dựng sân vận động Wembley (sân vận động lớn nhất Vương quốc Anh và lớn thứ 2 châu Âu); tương đương khối lượng của 330 chiếc máy bay Boeing 747; tương đương 1.200 chiếc xe tăng hạng nặng…

BIENDONG POC là công ty được thành lập để trực tiếp quản lý, điều hành và khai thác dầu khí tại dự án Biển Đông 01 gồm hai cụm mỏ Hải Thạch và Mộc Tinh. Có thể nói, cho đến thời điểm này, dự án Biển Đông 01 khai thác khí và dầu condensate ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh được coi là “con gà đẻ trứng vàng” cho Petrovietnam khi nộp ngân sách nhà nước ít nhất 1 triệu USD/ngày.

Đối với Biển Đông 01 lại càng quan trọng, bởi sự phức tạp của dự án này. Tại Biển Đông 01, công tác chuẩn bị, kiểm tra kỹ và cẩn trọng, từng thiết bị, từng bộ phận, những cuộc họp thâu đêm, suốt sáng. 14 giờ 45 phút ngày 23/7/2013 mở van. Đón dòng khí là thời khắc quan trọng bậc nhất, nhưng cũng là thời khắc nguy hiểm, rủi ro bậc nhất, dưới lòng biển hàng ngàn mét, khí, áp suất, nhiệt độ cao không khác hàng chục quả bom. Mỗi giờ trôi qua mà khí chưa lên, là những anh em kỹ sư lại như ngồi trên đống lửa. Kỹ sư Nguyễn Thanh Tĩnh khi ấy là quyền giàn trưởng tự nhủ với bản thân “mình phải là người bình tĩnh nhất”.

Đến 13 giờ 7 phút ngày 24/7/2013, tức là gần 24 giờ kể từ khi mở van, khí mới lên, quyền giàn trưởng Nguyễn Thanh Tĩnh vồ lấy điện thoại gọi vào bờ, nói như hét lên “khí lên rồi”. Ba chữ ngắn ngủi ấy là kết tinh cho trí lực, trí tuệ, ý chí vượt khó của người làm Dầu khí Việt Nam; là thành quả của hàng vài ngàn con người trong ròng rã nhiều năm trời. Bởi dự án Biển Đông 01 nằm trên cấu tạo địa chất vô cùng đặc biệt, chưa từng có tiền lệ khai thác thành công trong lịch sử ngành Dầu khí thế giới.

Thời điểm dự án Biển Đông 01 còn nằm trên giấy thì kỹ sư Nguyễn Thanh Tĩnh đang là giám sát khai thác tại Liên doanh Dầu khí Việt - Nhật. Anh kể, trước đó, cứ nghĩ công việc sẽ gắn bó với Liên doanh Việt – Nhật vì lương cao, con đường thăng tiến lại đang rộng mở.

Tuy hồ sơ đẹp, có nhiều kinh nghiệm thực tế, nhưng kỹ sư Nguyễn Thanh Tĩnh vẫn phải trải qua 3 vòng phỏng vấn. Ở vòng thứ 2, anh Tĩnh gặp lại cố nhân, sếp cũ từng là giàn trưởng ở JVPC - chuyên gia người Australia tên Graham Slapp - Trưởng phòng Vận hành. Vòng cuối, Tĩnh gặp ông Nguyễn Quỳnh Lâm, khi ấy là Tổng giám đốc BIENDONG POC (Công ty được thành lập để điều hành dự án), cuộc phỏng vấn tưởng căng thẳng những lại trở thành một cuộc trò chuyện cởi mở. Ông Nguyễn Quỳnh Lâm chia sẻ rất thật lòng những khó khăn dự án đang gặp phải, những giải pháp, những lợi ích của dự án đem lại cho Tổ quốc và niềm tin vào những người trẻ, nhiệt huyết như Tĩnh. Và từ đó, Tĩnh trở thành nhân sự của dự án Biển Đông 01.

Trải qua nhiều vị trí công việc, Nguyễn Thanh Tĩnh được đề bạt làm quyền giàn trưởng của một cụm giàn gồm 2 giàn khai thác, cộng thêm 1 giàn xử lý trung tâm, 1 kho nổi vào năm 33 tuổi. Từng có những trường hợp giàn trưởng trẻ tuổi hơn, nhưng chỉ là giàn trưởng của một giàn khai thác. Còn kỹ sư Nguyễn Thanh Tĩnh là giàn trưởng của cả một cụm giàn gồm hai giàn khai thác khí Hải Thạch, Mộc Tinh, một giàn xử lý trung tâm PQP và một kho nổi FSO nên khối lượng và trách nhiệm công việc của kỹ sư Tĩnh nặng nề hơn nhiều. Một năm sau, anh được bổ nhiệm chính thức làm giàn trưởng.

Mới đây, giàn trưởng Nguyễn Thanh Tĩnh đã vinh dự là một trong những điển hình của ngành Dầu khí được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021.

Anh tên Tĩnh, có thể người đặt tên cho anh hy vọng cuộc đời anh sẽ an yên, tĩnh lặng như cái tên nhưng để trở thành người giàn trưởng của cụm giàn hùng vĩ nhất biển Đông, anh đã phải vượt qua rất nhiều biến cố, khó khăn của cuộc đời. Tên Tĩnh, nhưng anh chọn 1 cuộc đời gắn bó với những giàn khoan nơi sóng gió tuyến đầu – 1 cuộc đời cống hiến, không hề tĩnh lặng.