Ngân hàng

Nguy cơ hụt sức trong cuộc đua, ngân hàng dồn dập xin tăng vốn

(VNF) - Áp lực cung ứng vốn cho nền kinh tế lớn trong khi hệ số an toàn vốn khiêm tốn, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho tăng vốn ngay từ đầu năm.

Nguy cơ hụt sức trong cuộc đua, ngân hàng dồn dập xin tăng vốn

Chạy đua tăng vốn, ngân hàng quốc doanh còn vướng nhiều quy định.

Tăng vốn ngân hàng quốc doanh, nhiều năm quyết chưa xong

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng năm 2023 diễn ra mới đây, lãnh đạo nhiều ngân hàng mong muốn sớm được phê duyệt, triển khai phương án tăng vốn ngay đầu năm 2023 trong bối cảnh quy mô vốn điều lệ, hệ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước còn ở mức rất khiêm tốn.

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét tiếp tục ưu tiên tăng vốn điều lệ cho các NHTM nhà nước trong bối cảnh quy mô vốn điều lệ, hệ số an toàn vốn của các NHTM vốn nhà nước còn ở mức rất khiêm tốn so với nhu cầu phát triển cũng như chuẩn mực quốc tế.

“Vietcombank rất mong sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại của các năm 2019 và 2020 sau khi trích lập các quỹ. Trong năm 2023, Vietcombank dự kiến xin ý kiến NHNN để trình Đại hội đồng cổ đông tiếp tục tăng vốn điều lệ sử dụng toàn bộ lợi nhuận tích lũy còn lại của năm 2021 và các năm trước,” ông Dũng cho biết.

Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho hay, do vốn điều lệ thấp nên theo quy định thì với quy mô tín dụng hiện tại, Agribank không còn đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu để tăng trưởng tín dụng vì vậy trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng của Agribank chỉ ở mức thấp so với bình quân chung toàn hệ thống.

Chủ tịch Agribank khẳng định, cấp vốn điều lệ cho Agribank là việc rất cấp thiết, bởi chỉ khi đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu cho tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2023, Agribank mới có nguồn lực để phục vụ nhu cầu vốn của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực tam nông.

"Chính phủ cần tạm ứng cấp vốn điều lệ cho Agribank 6.753 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua dự toán ngân sách cấp vốn điều lệ cho Agribank trong năm 2023," Chủ tịch Agribank kiến nghị.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ trình Quốc hội tăng vốn điều lệ cho Agribank để đảm bảo đáp ứng hệ số CAR theo quy định vì hiện nay với số vốn điều lệ của Agribank đã sát với ngưỡng cho phép nếu không tăng vốn điều lệ sẽ hạn chế cả hoạt động huy động vốn lẫn cho vay.

Còn ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, NHNN tiếp tục cho phép các NHTM Nhà nước được tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2022 để tăng nguồn lực tài chính, đảm bảo chỉ số an toàn vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước.

Trước các mong muốn tăng vốn của nhóm 4 NHTM vốn nhà nước, NHNN đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng này.

Trong khi đó, các ngân hàng cũng đã có kế hoạch tăng vốn trong năm nay. Vietcombank dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường bàn về việc tăng vốn. Còn Agribank đã thông báo phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng để tăng vốn. 

Tăng vốn là giải pháp cấp thiết

Chiếm hơn 40% thị phần tín dụng của các nước, khối NHTM có vốn nhà nước suốt 3 năm qua là lực lượng chủ lực trong hỗ trợ nền kinh tế, luôn đi đầu về giảm lãi suất, giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, các NHTM có vốn nhà nước lại đang đứng trước khó khăn về vốn.

Số liệu từ NHNN cho thấy, đến cuối tháng 7/2022, vốn điều lệ của 4 NHTM Nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV đạt 180,3 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản đạt 7.060,3 nghìn tỷ đồng.

Dù vốn điều lệ của 4 ngân hàng đã được bổ sung song việc tăng vốn của các NHTM vốn nhà nước chậm hơn rất nhiều so với khối NHTM cổ phần. Điều này ảnh hưởng đến vai trò dẫn dắt thị trường, vai trò chủ lực, chủ đạo của toàn hệ thống.

Mức an toàn vốn của hệ thống các NHTM vốn nhà nước tương đối thấp khi so sánh với các nước trong khu vực. Tới tháng 10/2022, hệ số CAR của các ngân hàng quốc doanh nước ta chỉ đạt 9,04%. Con số này đang rất thấp so với các nước trong khu vực, như Philippines (16,29%), Singapore (17,2%), Malaysia (18,3%), Thái Lan (19,3%), Indonesia (23,3%).

Đó là còn chưa kể nhiều nước trong khu vực đã thực hiện Basel III hoặc một phần Basel III trong khi các NHTM Việt Nam mới đang trong giai đoạn triển khai Basel II.

Nguyên nhân khiến hệ số CAR của hệ thống vẫn ở mức thấp chủ yếu là do việc tăng vốn của các NHTM, đặc biệt là các NHTM nhà nước còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn có thể xuất phát từ việc thị trường vốn suy giảm, việc tìm kiếm nhà đầu tư ngoại khó hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái.

Trước nguy cơ nợ xấu có thể gia tăng trở lại trong thời gian tới, từ các khoản nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong hơn hai năm qua, cũng như các khoản vay gần đây đang đối mặt với các đợt lãi suất điều chỉnh tăng vọt mà có thể khiến người vay không chịu nổi áp lực tài chính gia tăng nên dẫn đến nợ xấu, các ngân hàng càng phải tăng vốn điều lệ để gia tăng bộ đệm dự phòng rủi ro.

Hơn nữa, trong bối cảnh chi phí vốn huy động đầu vào của hầu hết các ngân hàng đã tăng mạnh trong năm 2022 trong khi tình hình huy động vốn từ khách hàng vẫn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn có xu hướng sụt giảm, việc tiếp cận nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng hạn chế, lãi suất huy động leo thang thì mục tiêu tăng vốn điều lệ càng trở nên cấp thiết.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải thực thi nhiệm vụ giữ ổn định lãi suất cho vay, thể hiện qua việc một số ngân hàng gần đây bất ngờ giảm lãi suất cho vay trong thời gian gần đây như là cách thể hiện để nhận được room tín dụng cao hơn.

Ngoài ra, theo Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, cơ quan quản lý cũng xác định phân nhóm giữa các tổ chức tín dụng theo tiêu chuẩn vốn điều lệ. Lộ trình này càng khuyến khích các ngân hàng có động lực tăng vốn điều lệ.

Vốn điều lệ cũng là một cấu phần chủ yếu để tính toán hệ số CAR và xếp hạng các ngân hàng. Vì thế, đây có thể là tiêu chí quan trọng để đánh giá sức khỏe của các ngân hàng từ đó giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Tin mới lên