Nhân vật

Nguyễn Hà Đông: ‘Tôi đã đánh đổi sự trưởng thành lấy thành công của Flappy Bird’

(VNF) - Vài ngày sau khi game Flappy Bird lọt danh sách 25 ứng dụng có nhiều ảnh hưởng nhất trong một thập kỷ qua (2010-2019) do tạp chí công nghệ Cnet (Mỹ) bình chọn… “cha đẻ” của Flappy Bird – Nguyễn Hà Đông đã có buổi trò chuyện với các sinh viên công nghệ thông tin của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội về con đường thành công cũng như những thứ anh phải đánh đổi để có được vinh quang với Flappy Bird.

Nguyễn Hà Đông: ‘Tôi đã đánh đổi sự trưởng thành lấy thành công của Flappy Bird’

Nguyễn Hà Đông.

'Cái mà tôi đánh đổi chính là sự trưởng thành'

Tối 18/11, Nguyễn Hà Đông, cựu sinh viên K49 Khoa Công nghệ thông tin – Đại học Bách khoa Hà Nội xuất hiện cùng 2 đồng môn của mình là Hùng Trần – nhà sáng lập GotIt - startup thành danh duy nhất của người Việt tại Silicon Valley và Trung Ngô – một người khởi nghiệp "không mệt mỏi", Co-Founder của hàng loạt startup như Cex, OSS, True Plus, Magestore…

Họ cùng có mặt tại trường cũ để chia sẻ với những người yêu thích công nghệ thông tin và khởi nghiệp câu chuyện đời mình.

Khác với hai đồng môn khoá trước, Nguyễn Hà Đông khá kiệm lời.

“Không giống anh Hùng và anh Trung, 17 năm qua tôi chỉ có màn hình máy tính, nên tôi không có nhiều câu chuyện để kể. Tôi nghĩ rằng mình phải đánh đổi một số thứ để có được thành công. Cái mà tôi đánh đổi chính là sự trưởng thành của mình”, Nguyễn Hà Đông nhắc tới “sự trưởng thành” với hàm ý về những trải nghiệm thăng trầm trong đời sống của một người khởi nghiệp, kinh doanh.

Nguyễn Hà Đông sinh năm 1985, lớn lên ở làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, trong một gia đình có bố làm kinh doanh còn mẹ là một viên chức. Trước khi Flappy Bird nổi tiếng vào tháng 2/2014, là game được tải nhiều nhất tại hơn 100 quốc gia và đạt trên 50 triệu lượt tải về, Nguyễn Hà Đông đã có 12 năm học và làm lập trình game.

Khi 16 tuổi, Nguyễn Hà Đông đã học lập trình trò chơi cờ vua trên máy tính riêng của mình. Ba năm sau, khi đang học công nghệ thông tin tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, anh đã lọt vào top 20 của một cuộc thi lập trình và được thực tập với một trong những công ty game duy nhất của Hà Nội lúc bấy giờ, Punch Entertainment, chuyên sản xuất game cho điện thoại di động.

Trong ký ức của ông Bùi Trường Sơn – ông chủ cũ của Nguyễn Hà Đông, lập trình viên trẻ tuổi này nổi bật vì tốc độ, kỹ năng và sự độc lập, quyết liệt.

Năm 2012, Nguyễn Hà Đông thành lập GEARS Studios và bắt đầu xuất bản các trò chơi trên điện thoại thông minh, phần lớn được thiết kế riêng cho iPhone. Sản phẩm thành công và nổi tiếng nhất của GEARS tính đến thời điểm hiện tại chính là Flappy Bird.

“Ở thời điểm đó, ước tính, Đông kiếm được 50.000 USD/ngày. Ngay cả Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook cũng không giàu lên nhanh như thế”, TS Tạ Hải Tùng – Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông thuộc Đại học Bách Khoa không khỏi thắc mắc tại sao đang ở đỉnh cao như vậy mà Nguyễn Hà Đông lại đột ngột gỡ bỏ Flappy Bird?

Gỡ bỏ Flappy Bird là cách để làm chủ cuộc đời

Đáp lại thắc mắc của TS Tạ Hải Tùng, Nguyễn Hà Đông cho biết vì bẩm sinh không chịu được áp lực nên anh chọn cách gỡ bỏ Flappy Bird khỏi App Store.

Những áp lực mà nhà thiết kế trò chơi Flappy Bird đã phải đối diện là gì?

“Tôi chỉ làm một điều gì đó thú vị để chia sẻ với những người khác. Tôi không thể dự đoán được sự thành công của Flappy Bird”, Nguyễn Hà Đông chia sẻ với Rolling Stone cách đây 5 năm, khi Flappy Bird đang là cơn sốt trên toàn cầu.

Khi thông tin về số tiền kiếm được bị rò rỉ, khuôn mặt Nguyễn Hà Đông xuất hiện dày đặc trên các tờ báo tiếng Việt và trên TV. Đó là cách mà cha mẹ Đông lần đầu biết con trai họ là nhà phát triển game.  

Nguyễn Hà Đông từng phải ‘trốn’ khỏi sự truy lùng của truyền thông bằng cách rời khỏi nhà của cha mẹ mình để đến ở cùng một người bạn.

Ở thời điểm hoàng kim của Flappy Bird, Nguyễn Hà Đông phải đối diện với dư luận, những lời chỉ trích và buộc tội không ngừng. Anh cảm thấy ngột ngạt: “Flappy Bird có thể là một thành công của tôi nhưng nó cũng hủy hoại cuộc sống đơn giản của tôi”.

Có lẽ, việc gỡ bỏ Flappy Bird chính là cách mà Nguyễn Hà Đông làm chủ số phận, cuộc đời của mình giống như anh từng chia sẻ với Rolling Stone.

Xác suất để có một Flappy Bird thứ 2 là 0,1%

Sau cơn sốt toàn cầu của Flappy Bird, Nguyễn Hà Đông đang thực hiện dự án game mới với một người bạn thời đại học của mình.

Khi được hỏi “liệu dự án này có tạo được hiệu ứng như Flappy Bird đã từng”, Nguyễn Hà Đông cho biết  “xác suất thành công như Flappy Bird là 0,1%”.

“Tôi không muốn nói trước vì nói trước thì khó mà đạt được. Game này trông rất đơn giản nhưng trình độ công nghệ của nó chưa từng có”, Nguyễn Hà Đông tiết lộ.

Hiện nay, ngoài việc phát triển dự án game của mình, Nguyễn Hà Đông cho biết anh cũng đang hỗ trợ các startup, tuy nhiên đó không phải là “rót vốn” mà là “cho tiền” – theo cách nói của Đông.

Cụ thể, nếu các bạn sinh viên công nghệ cần tiền để thực hiện dự án của mình thì Nguyễn Hà Đông sẵn sàng hỗ trợ kinh phí chứ không phải đầu tư.

Để được tài trợ từ Nguyễn Hà Đông, các bạn sinh viên cần chứng minh được tính khả thi và tiến độ của dự án; nói rõ các bạn cần bao nhiêu tiền và số tiền đó sẽ được tiêu vào việc gì.

Tin mới lên