Tiêu điểm

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong đánh giá của các chuyên gia

(VNF) – Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong 9 năm làm Thủ tướng của mình như là một "Thủ tướng kỹ trị nhất, bền bỉ nhất trong nỗ lực xây dựng nền kinh tế thị trường", "người đã chèo lái đưa con tàu kinh tế Việt Nam vượt qua giai đoạn kinh tế sóng gió nhất của khu vực" và "xây dựng được một nền tảng kinh tế, vị thế quốc tế chắc chắn, lành mạnh nhất lịch sử cận đại Việt Nam"…

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong đánh giá của các chuyên gia

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải - vị Thủ tướng kỹ trị nhất, bền bỉ nhất trong nỗ lực xây dựng nền kinh tế thị trường của Việt Nam

Như VietnamFinance đã thông tin, Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã từ trần vào hồi 1h30 ngày 17/3/2018 tại quê nhà huyện Củ Chi, TP. HCM, hưởng thọ 85 tuổi.

Hôm nay, dư luận trong nước vô cùng đau buồn trước sự ra đi của nguyên Thủ tướng. Nhiều chuyên gia từng có thời gian làm việc lâu năm với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã chia sẻ những tâm thư, những đánh giá và nhìn nhận về những công lao to lớn của ông đối với nền kinh tế Việt Nam.

VietnamFinance xin được trích đăng những ý kiến đánh giá của các chuyên gia về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Doanh nhân Việt có thể đi ra thế giới là nhờ công lớn của nguyên Thủ tướng

Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) Nguyễn Duy Hưng chia sẻ: 

"Vĩnh biệt chú Sáu, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, anh em làm chứng khoán chúng tôi muốn tìm một bức ảnh ông chụp chung với Sở giao dịch, với Uỷ ban chứng khoán Nhà nước hay với một công ty chứng khoán nào đấy nhưng bất lực, lục tìm Google cũng chỉ thấy vài bức ảnh ông rung chuông mở cửa Sở giao dịch chứng khoán New York nhân chuyến thăm chính thức đầu tiên của nguyên Thủ Việt nam đến Hoa kỳ.

Cũng lạ thật, vị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam của thời kỳ hậu cấm vận của Mỹ, thời kỳ giải quyết bao vấn đề để Việt Nam hội nhập quốc tế, Asean, WTO... vị Thủ tướng của Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật doanh nghiệp, quyết định cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, quyết định thành lập thị trưởng chứng khoán Việt Nam trong khi nhiều người cho rằng thị trường chứng khoán là đặc tính riêng của chủ nghĩa tư bản, đưa Việt Nam tham gia thị trường tài chính Quốc tế huy động 750 triệu trái phiếu chính phủ đầu tiên tại thị trường New York... mà chẳng có bức ảnh nào lưu lại trên Google.

20 năm kể từ ngày ông lên làm Thủ tướng, những nền tảng mà Chính phủ thời ông đã tạo ra thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân hiện đang đóng góp đáng kể cho sự nghiệp phát triển đất nước, những doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá phát triển hiệu quả vượt bậc, thị trường chứng khoán đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng có thể huy động nhiều tỷ đô la cho nền kinh tế.

Ngày nay giới doanh nhân Việt Nam có thể đi bất cứ đâu để tìm cơ hội trong thế giới nhỏ bé và hội nhập giống như doanh nhân của các quốc gia khác một phần rất lớn nhờ vào chủ trương mở cửa hội nhập của đất nước mình thời Chính phủ của cố Thủ tướng Phan Văn Khải.

Không có ảnh của ông trên Google nhưng hình ảnh của ông chúng tôi nhìn thấy mọi nơi mọi chỗ".

Một tấm gương hết lòng tận tụy vì dân, vì nước, một nhân cách lớn

Là một phiên dịch gắn bó thân thiết với ông Phan Văn Khải từ khi ông là Phó Thủ tướng cho đến khi ông làm Thủ tướng, nhà ngoại giao Phạm Sanh Châu luôn giữ những ấn tượng vô cùng tốt đẹp về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải:

"Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một chính khách Việt Nam thuộc thế hệ đầu tiên những nhà lãnh đạo kỹ trị của Việt Nam. Ông là một trong các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam được đào tạo bài bản nhất thời bấy giờ và rất tự tin khi tham gia các hoạt động đối ngoại.

Ông còn là một chuyên gia sâu về kinh tế, đã kinh qua nhiều cương vị khác nhau, có lý luận và kinh nghiệm thực tế của cả nền kinh tế tập trung, bao cấp và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở cả địa phương và trung ương.

Ông nhận cương vị Thủ tướng Chính phủ từ người tiền nhiệm Võ Văn Kiệt, một nhà lão thành cách mạng đồng thời là một người có tầm nhìn, bao quát, quyết đoán và dám làm của bắt đầu thời kỳ đổi mới.

Là một nhà kinh tế với kiến thức chuyên môn sâu, được sự trợ giúp của một Ban Tư vấn gồm các chuyên gia kinh tế hàng đầu và đặc biệt bắt đúng đà của thời kỳ đổi mới được hình thành từ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, ông cùng tập thể các nhà lãnh đạo Việt Nam đã xây dựng một chiến lược hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam sau giai đoạn Việt Nam bình thường hoá quan hệ với các nước lớn, gia nhập Asean.

Ông đã khôn ngoan chèo lái đưa con tàu kinh tế Việt Nam vượt qua giai đoạn kinh tế sóng gió nhất của khu vực do cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 tạo ra, duy trì bền vững đà tăng trưởng trung bình 7% năm của nền kinh tế Việt Nam trong suốt 9 năm ở cương vị Thủ tướng…".

Trước sự ra đi của nguyên Thủ tướng, nhà ngoại Phạm Sanh Châu bày tỏ:"Thế là cuối cùng Chú đã về với Cô lúc 1h30 sáng nay thật rồi. Xin vĩnh biệt Chú, một tấm gương hết lòng tận tuỵ vì nước vì dân. Xin vĩnh biệt Chú, một nhân cách lớn. Và cũng vĩnh biệt ký ức của một thời kỳ đối ngoại đầy sôi động!"

Vị Thủ tướng kỹ trị nhất, bền bỉ nhất trong nỗ lực xây dựng kinh tế thị trường

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP. HCM, đồng thời là Nhà nghiên cứu cao cấp tại trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy, đánh giá:

"Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một người bình dị, thậm chí bình dân. Tuy bề ngoài không tỏ ra sắc sảo, phong thái không có vẻ hào hoa như các vị Thủ tướng trước và sau mình, nhưng ông thực sự là một Thủ tướng "kỹ trị" nhất, bền bỉ nhất trong nỗ lực xây dựng nền kinh tế thị trường, phát triển khu vực kinh tế tư nhân và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Quan điểm của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải về phát triển kinh tế tư nhân và song song với nó là quan điểm về vai trò của kinh tế nhà nước đã dần được định hình từ thời ông còn làm Chủ tịch UBND TP. HCM.

Cách đây tròn 4 năm, tôi được nghe ông kể: "Chú thì chú bác việc kinh tế nhà nước làm nền tảng từ lâu rồi, từ lúc nhận thức ra, từ lúc ở trong TP. HCM. Kinh tế nhà nước mà không có hiệu quả thì làm nền tảng cái gì, cứ kiểu đó mà nền tảng thì chết, làm sao dân giàu nước mạnh được. Các ổng không căn cứ vào đó (dân giàu nước mạnh) mà cứ căn cứ vào những lập luận cũ, lỹ thuyết cũ, mô hình cũ, cứ cãi nhau hoài, đến giờ vẫn thế, sửa một số cái nhưng tới cái đó chưa ai dám sửa …"

Chính nhờ sớm nhận thức về vai trò quyết định của kinh tế tư nhân nên từ hồi phụ trách Tổ biên tập Chiến lược 1991 ông và tổ biên tập đã nhất trí ghi vào dự thảo "Trên con đường đổi mới, nhân vật trung tâm để chấn hưng kinh tế đất nước là các nhà kinh doanh thuộc nhiều tầm cỡ, từ người chủ kinh tế hộ gia đình gắn với thị trường đến người đầu tư và quản lý các doanh nghiệp lớn".

Tiếc là trong quá trình xét duyệt để trình Đại hội Đảng, câu này đã bị sửa thành "Phát triển đội ngũ những nhà kinh doanh giỏi thuộc nhiều tầm cỡ ... ". Chính những nhận thức mới mẻ này về kinh tế tư nhân đã trở thành nền tảng của Luật Doanh nghiệp 1999 và 2005 sau này.

Cũng chính dưới thời nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, khu vực kinh tế tư nhân lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã trở thành "người đối thoại chính sách" với Chính phủ thay cho thân phận "đối tượng cải tạo" mới hơn một thập niên trước đó. Tinh thần đối thoại với doanh nghiệp do nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải khởi xướng chỉ vài tháng sau khi ông nhậm chức đã không được người kế nhiệm tiếp tục và chỉ được khởi động lại từ tháng 4/2016.

Không chạy theo những công trình kỳ vĩ hay những mục tiêu đầy tham vọng, bằng sự bền bỉ và những quyết sách căn cơ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cùng Chính phủ đã xây dựng được một nền tảng kinh tế và vị thế quốc tế chắc chắn và lành mạnh, nếu không nói là chắc chắn và lành mạnh nhất trong lịch sử cận đại của Việt Nam.

Vĩnh biệt ông, một vị Thủ tướng kỹ trị, tận tụy và bình dị. Cầu chúc linh hồn ông an nghỉ ở cõi vĩnh hằng!"

Tin mới lên