Tài chính

Nhà đầu tư mòn mỏi chờ ALC1 trả tiền mua cổ phần

Đã 11 năm kể từ khi IPO bất thành, đến nay Công ty TNHH Cho thuê tài chính 1 (ALC1) vẫn chưa trả lại tiền mua cổ phần cho nhà đầu tư theo quy định pháp luật.

Nhà đầu tư mòn mỏi chờ ALC1 trả tiền mua cổ phần

Nhiều nhà đầu tư trúng đấu giá trong đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) năm 2009 đã nộp tiền mua cổ phần, có hóa đơn/chứng từ, nhưng đến nay ALC1 vẫn chưa thể tổ chức Ðại hội đồng cổ đông lần đầu do không bán đủ tỷ lệ tối thiểu theo quy định.

Vì lý do này, ALC1 chưa thể chuyển đổi mô hình hoạt động thành công ty cổ phần, mà vẫn là công ty trách nhiệm hữu hạn.

Trong 11 năm qua, nhà đầu tư nhiều lần yêu cầu Công ty hoàn trả số tiền mua cổ phần đã nộp, song đều bị từ chối.

Bản thân ALC1 xác định việc cổ phần hóa là không thể thực hiện được và sẽ trả lại cho nhà đầu tư tiền mua cổ phần.

Tuy nhiên, Công ty viện dẫn phải chờ quyết định của cơ quan có thẩm quyền mới trả tiền. Và đến nay, vẫn chưa thấy cơ quan nào có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết những vấn đề tồn đọng khi doannh nghiệp này cổ phần hóa không thành.

Cạn kiên nhẫn, ông Lê Văn K. (trú tại Thái Bình, đã mua đấu giá 100.000 cổ phần và nộp hơn 1 tỷ đồng), bà Lê Thị Thanh U. (trú tại Ba Ðình, Hà Nội, mua 6.000 cổ phần, đã nộp 62 triệu đồng), bà Trần Thị Huyền T. (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội, trúng đấu giá 11.100 cổ phần, đã nộp hơn 110 triệu đồng)... cùng nhiều nhà đầu tư đã nộp tiền khác buộc phải khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết.

Ðối với một số vụ việc đã được xử lý, tòa án cho biết, việc ALC1 bán cổ phần và các nhà đầu tư đồng ý mua cổ phần qua sở giao dịch chứng khoán được coi là hợp đồng mua bán hợp pháp.

Tuy nhiên, tòa cũng cho rằng việc cổ phần hóa không thành là do ALC1 không thực hiện các biện pháp cần thiết để tiếp tục hoàn thành cổ phần hóa theo quy định. Do đó, tòa án tuyên buộc ALC1 phải hoàn trả số tiền mua cổ phần cho nhà đầu tư.

Ðáng chú ý, trong tranh chấp này, các nhà đầu tư đều không yêu cầu Công ty phải trả lãi số tiền đã nộp (trong 10 năm), cũng như bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm hợp đồng.

Kể từ thời điểm ALC1 thực hiện cổ phần hóa, Chính phủ đã ban hành 3 nghị định điều chỉnh hoạt động chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và đều có quy định triệt để xử lý trường hợp bán cổ phần không hết.

Cụ thể, theo quy định tại Ðiều 43 - Nghị định 109/2007/NÐ-CP về việc chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, nếu số lượng cổ phần bán không hết dưới tỷ lệ 50% thì điều chỉnh quy mô, cơ cấu vốn điều lệ để chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần.

Nếu trên 50% thì xem xét điều chỉnh giá khởi điểm để bán tiếp. Trong trường hợp đã điều chỉnh giá bán mà vẫn không bán hết thì tiếp tục điều chỉnh quy mô, cơ cấu vốn điều lệ (tỷ lệ sở hữu của nhà nước) để chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần.

Năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị định 59 thay thế Nghị định 109. Theo quy định mới (Ðiều 40 - Nghị định 59 về xử lý cổ phần không bán hết), có thể chào bán công khai số lượng cổ phần bán không hết cho các nhà đầu tư đã tham dự đấu giá theo phương thức thỏa thuận trực tiếp, nhưng vẫn duy trì việc sau khi áp dụng hết các quy định mà vẫn bán không hết thì điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ để chuyển thành công ty cổ phần.

Nghị định 126/2017/NÐ-CP thay thế Nghị định 59 quy định, nếu không có nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần thì có thể chào bán cho người lao động, tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp theo phương án cổ phần hóa đã duyệt.

Nếu vẫn bán không hết thì điều chỉnh vốn điều lệ, cơ cấu vốn điều lệ và thực hiện thoái vốn sau khi công ty đã hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần.

Như vậy, trong trường hợp chào bán công khai không hết thì ALC1 phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ, chuyển đổi thành công ty cổ phần, ghi nhận tư cách cổ đông cho các nhà đầu tư đã mua cổ phần.

Nhưng thực tế, Công ty không tiến hành bất cứ hoạt động nào khác để chuyển đổi mô hình hoạt động.

Trong khi đó, ALC1 viện dẫn phải chờ ý kiến chỉ đạo của cơ quan chủ quản có thẩm quyền để trả lại tiền cho nhà đầu tư. Việc này mâu thuẫn với quy định của pháp luật, vốn đã quy định triệt để việc xử lý cổ phần bán không hết.              

Tin mới lên