Tài chính

Nhà đầu tư nên ứng xử thế nào trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19?

(VNF) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà đầu tư được khuyến nghị thận trọng đối với các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, xuất nhập khẩu, nhà hàng, khách sạn, du lịch, hàng không, thực phẩm đồ uống, vận tải, dệt may, dầu khí và giáo dục. Đồng thời không nên sử dụng đòn bẩy trong giai đoạn này.

Nhà đầu tư nên ứng xử thế nào trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19?

Nhà đầu tư không nên sử dụng đòn bẩy trong giai đoạn này.

Diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam đang khá phức tạp khi Hà Nội liên tục ghi nhận ca nhiễm mới. Người dân nói chung và nhà đầu tư nói riêng có phần hoang mang khi bệnh nhân thứ 17 nhiễm virus SARS-CoV-2 đã không khai báo y tế khi từng đi qua Ý trước khi về Việt Nam cũng như khi bắt đầu nghi ngờ bản thân nhiễm virus.

Trên thực tế, không ít người tiếp xúc với bệnh nhân thứ 17 (cả trên máy bay lẫn khi về nơi ở) đã dương tính với Covid-19. Thậm chí, đã có lãnh đạo cấp cao phải cách ly vì ngồi cùng khoang bay với bệnh nhân này.

Trong báo cáo chiến lược tháng 3/2020 công bố gần đây, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhấn mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, rủi ro nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng là khá cao.

"Chúng tôi cho rằng hoạt động của khối ngoại chỉ dừng hẳn hoặc chuyển sang mua ròng khi tình hình dịch ổn định và Chính phủ Việt Nam đưa ra những chính sách để hỗ trợ nền kinh tế", báo cáo của VDSC viết.

VDSC khuyến nghị "chưa nên tham gia bắt đáy ở những cổ phiếu được nắm giữ nhiều bởi khối ngoại là một ý tưởng không tồi trong giai đoạn này".

Trước đó, trong tháng 2, chỉ số VN-Index nhanh chóng chạm đáy 2 năm trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng trước khi phục hồi trở lại sau đó. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong và ngoài nước đã xóa bỏ nỗ lực hồi phục trước đó. VN-Index chốt tháng 2 đã kiểm định lại mốc 880 điểm.

Khối ngoại là tác nhân chính cho diễn biến tiêu cực của thị trường trong tháng 2 khi bán ròng tới 2.400 tỷ đồng. Đây là mức bán ròng cao nhất kể từ tháng 10/2018.

Dữ liệu của VDSC giai đoạn 2015-2018 cho thấy nhóm dịch vụ tiêu dùng (hàng không, bán lẻ, du lịch, khách sạn, nhà hàng và xuất bản) là những ngành có tỷ lệ doanh thu và lợi nhuận sau thuế cao trong quý I (chiếm trên 25% cả năm). Do vậy, ảnh hưởng của dịch trong tháng 2 và tháng 3 sẽ tác động mạnh đến kết quả kinh doanh quý I của các ngành như hàng không, bán lẻ và du lịch.

VDSC cũng bày tỏ sự lo ngại rằng tốc độ tăng trưởng đang chậm lại của tổng doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy mức tăng trưởng thấp nhất từ năm 2014) có thể khiến tổng cầu suy yếu trong các tháng tiếp theo, trừ phi Chính phủ kịp thời đưa ra các gói hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư công và kiểm soát tốt lạm phát.

VDSC cho rằng việc nối lại chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, hàng hóa đầu vào cho hoạt động của các ngành dệt may, giày dép, điện và điện tử là quan trọng trong giai đoạn này. Do phần lớn hàng hóa đầu vào của các nhóm ngành kia được cung ứng bởi Trung Quốc (trên 30%), việc quốc gia này kiểm soát được dịch bệnh (đã qua đỉnh điểm) và bắt khôi phục các hoạt động sản xuất sẽ rất quan trọng.

"Vì vậy, đây là vấn đề mà các nhà đầu tư cần liên tục theo dõi", chuyên gia của VDSC khuyên.

"Cho đến khi chúng tôi nhận thấy các dấu hiệu khôi phục hoạt động rõ ràng hơn, chúng tôi vẫn thận trọng đối với các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, xuất nhập khẩu, nhà hàng, khách sạn, du lịch, hàng không, thực phẩm đồ uống, vận tải, dệt may, dầu khí và giáo dục.

Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư không nên sử dụng đòn bẩy trong giai đoạn này", báo cáo của VDSC nhấn mạnh.

Tuy vậy, theo VDSC, vẫn có những yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường như: sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và các nước trên thế giới, P/E của thị trường đang ở mức thấp 3 năm qua và sự ra đời của các ETF mới.

Tin mới lên