Tài chính

Nhà đầu tư ngoại tiếp tục 'than thở' về những vướng mắc về thuế

(VNF) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2017, nhiều doanh nghiệp nước ngoài phản ánh vẫn đang gặp khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư vào Việt Nam.

Nhà đầu tư ngoại tiếp tục 'than thở' về những vướng mắc về thuế

Tại VBF 2017, nhiều doanh nghiệp nước ngoài phản ánh vẫn đang gặp khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư vào Việt Nam.

Theo bà Natasha Ansell, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AMCHAM), sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam vẫn bị giá thành rất cao và phức tạp. 

Với thâm hụt thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ lên đến 32 tỷ USD vào năm ngoái, đại diện AMCHAM cho hay Việt Nam cần nghiêm túc giải quyết hàng loạt các rào cản kỹ thuật phi thuế quan đối với thương mại chủ yếu gặp phải tại biên giới, và những vấn đề được gọi rào cản phía sau biên giới làm hạn chế nguồn hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam.

Đặc biệt, theo đại diện AMCHAM, Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của 05 Luật thuế, trong đó có Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), có quy định bổ sung nước ngọt vào nhóm các đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10%, điều nay gây phát sinh chi phí lớn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ chịu tổn hại nhiều nhất, thậm chí không thể tiếp tục hoạt động. Khi giá các sản phẩm nước giải khát tăng khoảng 12%, doanh số bán hàng sẽ giảm xuống, dẫn đến doanh thu giảm trong khi các chi phí sản xuất vẫn tăng do giá đường tăng. 

Hệ quả là lợi nhuận của các công ty giải khát sẽ bị ảnh hưởng. Các công ty lớn có thể có đủ tiềm lực tài chính để tiếp tục kinh doanh, nhưng những doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ bị tổn hại nghiêm trọng và thậm chí có thể bị đào thải nếu họ không có nguồn lực tài chính đủ mạnh.

Dựa trên phản hồi của nhiều doanh nghiệp, phản hồi của cơ quan thuế (cơ quan thuế địa phương và trung ương), đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM) cũng cho hay các văn bản thuế yêu cầu hướng dẫn gần đây rất chung chung và không đưa ra hướng dẫn cụ thể cho các mối quan tâm, yêu cầu giải thích chính sách thuế của doanh nghiệp. 

Theo đó, sau khi nhận được phản hồi từ cơ quan thuế, các doanh nghiệp tiếp tục bị lẫn lộn và không biết áp dụng đúng quy định như thế nào, chẳng hạn như quy định về hoàn thuế GTGT, ưu đãi thuế,…

"Thực trạng này tạo ra quan ngại, thất vọng của các doanh nghiệp về sự minh bạch trong việc áp dụng các quy định về thuế hiện hành trong thực tiễn và thái độ của cơ quan thuế. Chúng tôi kiến nghị cơ quan thuế nên nâng cao chất lượng phản hồi để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc áp dụng và tuân thủ đúng các quy định về thuế cũng như tăng cường sự tin tưởng của doanh nghiệp vào hệ thống thuế Việt Nam", vị đại diện nhấn mạnh.

"Chúng tôi cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính hợp tác để làm rõ các quy định về phí vận chuyển và những khoản nào không được bao gồm trong chi phí vận chuyển để Bộ Tài Chính quyết định một cách nhất quán các khoản thuế nhà thầu phải được áp dụng để thuận tiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hậu cần", đại diện EUROCHAM nói thêm.

Liên quan đến công tác cải cách cơ cấu tài chính, Báo cáo của IMF được công bố vào tháng 7 vừa qua đã chỉ ra: Về mặt thu ngân sách, cần thiết phải rà soát lại chính sách hướng tới việc mở rộng và đa dạng hóa dựa trên các sắc thuế, cụ thể: tăng thuế bảo vệ môi trường, áp dụng đánh thuế tài sản, thống nhất mức thuế suất cho thuế giá trị gia tăng, tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, áp dụng đánh thuế giao dịch đất đai để làm nguồn tài chính cho các dự án hạ tầng, xem xét lại về ưu đãi thuế (tax incentive)…

Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cũng cho rằng, Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục tham khảo những đề nghị nêu trên của IMF, đồng thời kiện toàn tài chính thông qua việc mở rộng và đa dạng hóa các sắc thuế về mặt thu ngân sách và việc hợp lý hóa cũng như vận hành hiệu quả hơn nữa về mặt chi ngân sách; phát huy được hết những lợi thế của khoản vay dài hạn với lãi suất thấp để thực hiện hiệu quả công tác hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

Tin mới lên