Diễn đàn VNF

Nhà đầu tư, nhà báo, và...

(VNF) - Không có nhà đầu tư thì không có sự phát triển. Nhưng sự phát triển nào cũng phải trả giá, cũng thường mang theo những hệ lụy không mong muốn. Nhà báo là người thúc đẩy tiến bộ xã hội, người bảo vệ chân lý, quyền bình đẳng của con người. Xét về mục tiêu chung là tiến bộ xã hội, thì nhà đầu tư và nhà báo là hai người bạn đồng hành; song nếu nhà đầu tư chỉ coi tiền lời của mình là tối thượng, xâm phạm lợi ích của những nhóm người khác, thậm chí lợi ích quốc gia, thì nhà báo phải là người giám sát, tố cáo trước xã hội.

Nhà đầu tư, nhà báo, và...

Và khi nhà báo “bắt tay” với nhà đầu tư để đưa thông tin sai sự thật, nhận thù lao của nhà đầu tư để chỉ phục vụ nhà đầu tư, nghĩa là anh ta không còn là nhà báo chân chính nữa - thì cần đến bàn tay của cơ quan báo chí, cơ quan bảo vệ pháp luật. Và nếu khi một bộ phận của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan hành pháp và tư pháp “bắt tay” sau lưng nhân dân thì câu chuyện lại to lớn, phức tạp hơn nữa.

Tôi muốn dùng chữ “Và” trong đầu đề bài viết này để tất cả chúng ta cùng suy ngẫm và góp phần kiến giải trước những vấn đề to lớn và phức tạp trong đầu tư phát triển và đầu tư không lành mạnh, “đầu tư có tính tước đoạt” hiện nay.

Tôi, cá nhân tôi coi là “đầu tư có tính tước đoạt” ở Việt Nam trong nhiều năm lại đây là một số nhà bất động sản, có sự tiếp tay của ai đó trong bộ máy Nhà nước, khi mua ruộng đất của nông dân với giá quá rẻ và bán biệt thự liền kề, chung cư với giá rất cao mà người dân ở đấy không được hưởng lợi từ dự án.

Tôi, cá nhân tôi coi là đầu tư có tính tước đoạt khi nhiều hòn đảo và bãi biển đẹp bị rào kín, bị biến thành các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Những người dân sở tại bị bịt đường làm ăn, bị mất quyền được tắm táp, dạo chơi trên những bãi biển mà cha ông, con cháu họ muôn đời sinh sống, gìn giữ.

Mỗi người, có thể nhìn thấy sự phi lý và bất công như vậy ngay chính trên quê hương mình.

Tôi là người Hà Tĩnh, từng ở Kỳ Anh khi chưa có cảng Vũng Áng và câu chuyện đầu tư tai tiếng Formosa. Nỗi đau ấy chắc còn thấm lâu vào đất cát sông núi một vùng quê văn hiến. Khi quê hương lâm nạn, anh ở đâu? Tôi thường tự mình đặt ra câu hỏi ấy. Tôi vẫn mơ ước, Hà Tĩnh đừng quá say máu vào công nghiệp, nên chú tâm vào giáo dục, vào đào tạo nhân lực chất lượng cao, vào du lịch văn hóa thì tốt biết bao!

Không ai không nhớ và đau xót vì cái ụ nổi U83 cơ quan đăng kiểm Nga không cho hoạt động từ năm 2006, ngành hàng hải Việt Nam lại rước về mất 525 tỷ đồng.Còn chuyện các nhà máy xi măng, mía đường công nghệ bãi rác thì kể không hết! Nhà báo, lúc ấy anh ở đâu?

Nước ta hiện có 320 cảng biển nhưng chỉ có 40 cảng tiếp nhận được tàu có trọng tải trung bình của thế giới; công suất rất thấp, một số cảng chỉ đạt dưới 20% công suất thiết kế. Đó là đàu tư lãng phí, là “loạn cảng” như dân gian thường nói.

***

Các lý thuyết về kinh tế cũng như quy định trong luật pháp đều cho rằng, nhà đầu tư (Investors ) dù là cá nhân hay tổ chức, dù trong nước hay nước ngoài, thì hoạt động và mục đích chủ yếu của anh ta là bỏ vốn thu lời. Nhà đầu tư huyền thoại người Mỹ Warren Buffett định nghĩa đầu tư là “quá trình bỏ tiền ra ngay bây giờ để nhận thêm tiền trong tương lai”.

Xin được lưu ý một định nghĩa về nhà đầu tư và hoạt động đầu tư của nhà kinh tế học nổi tiếng thế giới Benjamin Graham về đầu tư: “Hoạt động đầu tư là một quá trình, thông qua phân tích kỹ lưỡng và cẩn trọng, có thể đảm bảo an toàn vốn và thu lời thỏa đáng. Tất cả những hoạt động không đáp ứng được những yêu cầu trên là đầu cơ.”

Tôi xin nhấn mạnh cụm từ “phân tích kỹ lưỡng” và “thu lời thỏa đáng”. Những ví dụ nêu trên và nhiều ví dụ khác ở nước ta trong những năm vừa qua, chắc chắn, đã không có sự phân tích kỹ lưỡng, đã không thu lời thỏa đáng, tức là không bảo đảm có lời, không hài hòa các lợi ích. Nó là đầu cơ hoặc tệ hơn cả đầu cơ.

Để bàn về quan hệ giữa nhà báo và nhà đầu tư, xin được cùng bạn đọc cùng chúng tôi đến với khái niệm nhà báo. Điều 25 Luật Báo chí 2016 quy định: “ Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo” với những quyền hạn và nghĩa vụ được luật định.

“Nhà báo có các quyền sau đây:

a) Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp;

b) Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật;

c) Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;

d) Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật;

đ) Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ báo chí;

e) Khước từ việc tham gia biên soạn hoặc thể hiện tác phẩm báo chí trái với quy định của pháp luật”.

Nhà báo có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân;

b) Bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm;

c) Không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật;

d) Phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

đ) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp luật;

e) Tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Đó là những điều các nhà báo hoạt động ở Việt Nam phải tuân thủ. Tuy nhiên, chúng ta cần phải mở rộng vấn đề hơn, vì thực tế, nhà báo không chỉ là người được cấp thẻ; hoạt động, loại hình báo chí cũng đang mở rộng không ngừng, do đó, chúng ta cũng cần hiểu nhà báo cởi mở hơn.

Nói một cách tóm tắt, nhà báo là người đưa tin. Công việc của người làm báo, tờ báo là thu thập thông tin một cách đa dạng từ ngọn nguồn của nó, xử lý và trình bày thông tin ấy một cách sống động và chân thực, hướng tới một mục đích lương thiện và cao đẹp. Nhưng thế nào là vì lợi ích bạn đọc, vì tiến bộ xã hội? Không phải dễ dàng trong mọi trường hợp đều có thể nhận ra, dù anh có thiện ý. Nó còn phụ thuộc vào trình độ nhận thức.

Bản chất của báo chí là phát hiện và bảo vệ sự thật. Nhưng làm sao anh biết được sự thật khi ở trường anh chỉ đào tạo một số kỹ năng viết báo mà không có kiến thức cơ bản về kinh tế, chính trị, về sự câu kết vô cùng phức tạp, tinh vi của những kẻ xấu? Cho nên, trong thời đại ngày nay, nhà báo phải là người có kiến thức sâu rộng về nhiều mặt. Song như vậy vẫn chưa đủ. Điều quan trọng hơn là ở đạo đức, ở nhân phẩm: Không bao giờ uốn cong ngòi bút, uốn cong mình trước tiền và quyền. Mà phải hiểu tiền và quyền lực là hai thứ có sức mạnh khủng khiếp có thể buộc con người phải chết. Bởi vậy, nhà báo vì sự nghiệp là nhà báo sẵn sàng chấp nhận hy sinh, kể cả hy sinh tính mạng để bảo vệ chân lý, bảo vệ chính nghĩa.

Nhà báo, từ trong bản chất, phải là một nhà yêu nước, nhà dân chủ. Và với tất cả những lý do đó, anh ta là một nhà chính trị, nhà hoạt động xã hội nhưng khác với nhà chính trị, nhà hoạt động xã hội thuần túy khác, là không lấy quyền lực và quyền lợi làm mục đích. Nhà báo là một chiến sĩ của tự do. Anh ta đấu tranh vì quyền tự do của con người. Để làm được điều ấy phải có tự do báo chí.

Nhưng tự do nói chung, tự do báo chí nói riêng không phải là tự do vô chính phủ. Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng tư sản 1789 Pháp cũng khẳng định: “Mọi công dân có quyền tự do nói, viết, in ấn; song phải chịu trách nhiệm về sự lạm dụng của quyền tự do ấy trong những trường hợp được pháp luật quy định”. Điều này cũng được thể hiện trong Luật Báo chí nước ta như đã nói ở trên.

*

Xét về mục tiêu chung là tiến bộ xã hội, thì nhà đầu tư và nhà báo là hai người bạn đồng hành; song nếu nhà đầu tư chỉ coi tiền lời của mình là tối thượng, xâm phạm lợi ích của những nhóm người khác, thậm chí lợi ích quốc gia, thì nhà báo phải là người giám sát, tố cáo trước xã hội. Và khi nhà báo “bắt tay” với nhà đầu tư để đưa thông tin sai sự thật, nhận thù lao của nhà đầu tư để chỉ phục vụ nhà đầu tư, nghĩa là anh ta không còn là nhà báo chân chính nữa - thì cần đến bàn tay của cơ quan báo chí, cơ quan bảo vệ pháp luật. Và nếu khi một bộ phận của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan hành pháp và tư pháp “bắt tay” sau lưng nhân dân thì câu chuyện lại to lớn, phức tạp hơn nữa.

Tôi muốn dùng chữ “Và” trong đầu đề bài viết này để tất cả chúng ta cùng suy ngẫm và góp phần kiến giải trước những vấn đề to lớn và phức tạp trong đầu tư phát triển và đầu tư không lành mạnh như đã thấy và còn sẽ diễn ra nhiều nữa trong cuộc sống của chúng ta. Nhà báo phải là trạm gác tiền tiêu để canh gác nổ phát súng đầu tiên vào kiểu đầu tư đầu cơ, đầu tư tước đoạt và cố thủ đến cuối cùng để bảo vệ quyền lợi của “những người dưới đáy” và của đất nước.

Tin mới lên