Ngân hàng

Nhà đầu tư nội tháo chạy, tay to nước ngoài gom cổ phiếu ngân hàng

(VNF) - Nhóm "cổ phiếu vua" vẫn luôn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Trong nửa đầu tháng 11, khối ngoại đã chi hàng nghìn tỷ đồng để thu gom nhiều mã cổ phiếu ngân hàng.

Nhà đầu tư nội tháo chạy, tay to nước ngoài gom cổ phiếu ngân hàng

Giá giảm sâu, xuất hiện tay to bắt đáy.

Khối ngoại mua gom cổ phiếu ngân hàng

Hai tuần giao dịch đầu tháng 11 chứng kiến sự sụt giảm sâu của thị trường chứng khoán Việt Nam. Vn-Index liên tục giảm mạnh, xuyên thủng mốc 1.000 rồi có lúc xuống dưới 900 điểm. Đây là vùng điểm thấp nhất 25 tháng qua.

Thị trường chứng khoán lao dốc, cổ phiếu bị bán tháo. Áp lực bán mạnh chủ yếu xuất phát từ khối nội, trong bối cảnh hoạt động bán giải chấp tiếp tục diễn ra trên diện rộng trong bối cảnh thanh khoản giảm. Thêm vào đó là tâm lý kém tích cực và mất niềm tin của những người cầm cổ phiếu, muốn nhanh chóng bán ra để thu hẹp danh mục dẫn tới lực bán mạnh trong vài phiên gần đây.

Ngược dòng bối cảnh chung, trong khi nhà đầu tư trong nước xả hàng ồ ạt thì khối ngoại lại tranh thủ "vợt hàng". Khối ngoại đã có những giao dịch mua - bán sôi động, đặc biệt là tại nhóm cổ phiếu ngân hàng

Mặc dù thị trường giảm điểm nhưng khối ngoại đã quay trở lại mua ròng 9/10 phiên gần đây với tổng giá trị mua ròng gần 8.000 tỷ đồng. Trong 4 phiên gần đây, giá trị mua ròng đã lên tới trên 6.000 tỷ đồng.

Trong khi trước đó, nhà đầu tư nước ngoại đã bán ròng liên tiếp trong tháng 9 và tháng 10 với giá trị gần 5.000 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng là tâm điểm hút tiền của các nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều phiên gần đây. Nhiều mã cổ phiếu ngân hàng là mục tiêu bắt đáy của khối ngoại khi giá đã giảm sâu.

Trong phiên giao dịch 16/11, khối ngoại tiếp tục là điểm sáng khi mua ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị 686 tỷ đồng. Đáng chú ý, khối ngoại ngày 16/11 đã có hành động mạnh tay ở nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng hơn 3,8 triệu cổ phiếu CTG của VietinBank sau khi đã mua ròng 3 phiên liên tục trước đó.

Cổ phiếu HDB ngày 16/11 cũng được khối ngoại mua ròng trên 1,6 triệu đơn vị. HDB cũng là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng thời gian liên tục dài nhất đợt này với 5 phiên liên tiếp, bất chấp diễn biến thị trường xấu, với tổng cộng mua ròng hơn 6,5 triệu đơn vị.

Tương tự, ngày 16/11, STB được khối ngoại mua ròng hơn 1,5 triệu cổ phiếu. Đây phiên mua ròng thứ 4 liên tiếp của khối ngoại với cổ phiếu này.

SHB cũng được khối ngoại mua ròng với gần 1,5 triệu đơn vị. Cổ phiếu này cũng chứng kiến 4 phiên mua ròng liên tiếp của khối ngoại.

Các cổ phiếu khác như BID của BIDV, OCB của Ngân hàng Phương Đông, TPB của TPBank hay SSB của SeABank và EIB của Eximbank cũng được mua ròng trong nhiều phiên gần đây.

Cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn vốn ngoại

Giá nhiều cổ phiếu ngân hàng đang ở mức thấp trong khi triển vọng tăng trưởng ngành này vẫn cao. Đây được coi là cơ hội để nhà đầu tư nước ngoài tăng mua nhóm cổ phiếu “vua”.

Trong báo cáo công bố mới đây, nhiều quỹ ngoại cũng đưa ra nhận định tích cực đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Quỹ ngoại VinaCapital cho biết, ngành ngân hàng tiếp tục có sức hấp dẫn cao trong dài hạn do tỷ suất lợi nhuận cao, chất lượng tài sản được kiểm soát tốt, tỷ lệ thâm nhập của các khoản vay thế chấp và bán lẻ thấp và thu nhập tăng.

Nhưng VinaCapital cũng chỉ ra những lo ngại với ngành ngân hàng trong ngắn hạn. Những lo ngại với ngành ngân hàng có thể đến từ biên lợi nhuận mỏng do chi phí huy động vốn cao hơn và điều chỉnh lãi suất cho vay chậm hơn. Hơn nữa, những lo ngại này còn xuất phát từ rủi ro với chất lượng tài sản từ trái phiếu doanh nghiệp có khả năng không thể tái cấp vốn, chuyển nhượng hoặc hoàn trả trong bối cảnh các yêu cầu phát hành chặt chẽ hơn.

Còn các chuyên gia của Dragon Capital Việt Nam nhận định, năm 2022, tín dụng được cải thiện, lợi nhuận bình quân toàn ngành có thể đạt mức tăng 30% so với năm 2021. Các thông tin khác hỗ trợ cổ phiếu ngân hàng là một số nhà băng đang triển khai kế hoạch bán vốn chiến lược, ghi nhận lợi nhuận đột biến từ bán bảo hiểm độc quyền hay khả năng được chấp thuận tăng room ngoại.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá, cổ phiếu ngân hàng đang có mức định giá hấp dẫn so với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận, cùng nhiều yếu tố hỗ trợ có thể diễn ra sẽ giúp nhóm này tăng giá vượt trội so với mặt bằng chung của VN-Index.

BSC kỳ vọng, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2022 sẽ tăng 36,4% nhờ kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19 và mức nền lợi nhuận thấp năm 2021. Trong đó, việc đẩy mạnh bán lẻ sẽ giúp các ngân hàng giảm thiểu rủi ro tập trung và có biên lãi ròng (NIM) cao hơn so với khách hàng lớn. Sự phục hồi của nền kinh tế giúp tăng trưởng tín dụng cao, đặc biệt tập trung vào nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng cá nhân với NIM cải thiện là yếu tố hỗ trợ tốt cho thu nhập của các ngân hàng. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) gia tăng giúp ngân hàng giảm chi phí vốn.

Hiện định giá P/E (giá thị trường so với giá trị thu nhập cổ phiếu) ở thị trường chứng khoán Việt đang ở vùng rất hấp dẫn khi về gần mức thấp nhất 10 năm. P/E thị trường ở mức 10,7 lần cho 12 tháng gần nhất - thấp hơn so với thị trường ở nhiều nước khác lân cận như Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan... Với định giá cổ phiếu rơi xuống vùng thấp bậc nhất trong lịch sử, đây là thời điểm để đầu tư dài hạn và tích sản.

Tin mới lên