Diễn đàn VNF

Nhà 'Hội An học' Nguyễn Sự: ‘Khơi thông sông Cổ Cò sẽ mang lại nhiều giá trị cho xã hội’

(VNF) - Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự, người được xem là một nhà "Hội An học", cho rằng việc khởi thông dòng chảy sông Cổ Cò sẽ có tác động tích cực rất cho môi trường Hội An. Tuy nhiên, về quy hoạch phải nghiên cứu kỹ, khơi thông để bán đất thì không khó mà phải mang lại nhiều giá trị hơn cho xã hội, con người, kinh tế mới là ý nghĩa.

Nhà 'Hội An học' Nguyễn Sự: ‘Khơi thông sông Cổ Cò sẽ mang lại nhiều giá trị cho xã hội’

Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự

Phát biểu tại hội thảo “Khơi thông sông Cổ Cò: Đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam và Đà Nẵng" diễn ra chiều nay (8/1), ông Nguyễn Sự cho hay sông Cổ Cò từng là trục giao thông chính góp phần hình thành thương cảng Hội An. 

Việc bồi lấp dòng sông Cổ Cò có từ thời vua Tự Đức, mùa nước cạn thuyền không đi được và đến thời vua Đồng Khánh thì thuyền to không đi được nữa. Chính chế độ thuỷ triều đã tạo nên sự bồi lấp của sông Cổ Cò.

“Ý định khơi thông sông Cổ Cò bắt đầu từ khá lâu từ năm 1994-1995 giống như nhu cầu khai thông mạch máu. Thế nhưng, do điều kiện lịch sử tách tỉnh, chia tỉnh thì đến năm 2012 mới bàn nhiều hơn về vấn đề này”, ông nói.

Với một số vấn đề đặt ra khi khơi thông sông Cổ Cò như nhiễm mặn, lũ nhưng thực tế ông Sự cho biết không thông sông Cổ Cò thì cứ tới mùa khô là Hội An, Đà Nẵng đã bị nhiễm mặn ở một số vùng. Vì vậy dù có khơi thông dòng chảy sông Cổ Cò không thì vẫn nhiệm mặn. Đó là tất yếu phải xảy ra do tự nhiên.

Về vấn đề lo ngại nhiều lũ hơn, thực tế, lũ không phải do dòng sông mà do thuỷ điện, do cửa biển. Mùa khô không có nước chảy do nhiều yếu tố và như thế dứt khoát bị bồi lấp. Việc khơi thông dòng chảy được Cửa Đại sẽ được mở thông lại ít bị bồi lấp hơn.

Về giá trị của đất tăng lên sau khi khơi thông dòng chảy sông Cổ Cò và việc đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho rằng việc khơi thông dòng chảy không chỉ mang lại giá trị đất tăng giá mà còn có giá trị về mặt lâu dài là giá trị dịch vụ, xã hội, kinh tế tăng thêm từ hoạt động kinh doanh.

“1.300 tỷ dự kiến dùng để đầu tư, khai thông sông Cổ Cò không phải là nhiều để dồn lực cho dự án mang tính chiến lược cho tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng - 2 vùng vốn chỉ khác nhau về địa giới hành chính còn đa phần là giống nhau. Không thể ngăn chặn các dòng sông, dòng nước bằng địa giới hành chính, đó còn là giá trị xã hội, kinh tế”, ông Sự bày tỏ.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cũng chỉ ra rằng việc dòng sông bị bồi lấp càng xảy ra tắc nghẽn dòng chảy chất thải càng làm ảnh hưởng tới môi trường. Do đó, việc khơi thông dòng chảy sông Cổ Cò sẽ có tác động tích cực cho môi trường Hội An.

“Tuy nhiên về quy hoạch phải nghiên cứu kỹ, khơi thông để bán đất thì không khó mà phải mang lại nhiều giá trị hơn cho xã hội, con người, kinh tế mới là ý nghĩa”, ông Nguyễn Sự bình luận.

>>> Xem thêm: GS Đặng Hùng Võ: 'Để khơi thông sông Cổ Cò hiệu quả cần bàn kĩ quy hoạch, kiến trúc và nguồn vốn'

Tin mới lên