Bất động sản

Nhà liền thổ TP. HCM: Giá tăng phi mã, thanh khoản tắc

(VNF) - Giá nhà nhà liền kề, biệt thự, nhà phố tại TP. Hồ Chí Minh đã tăng 10%-25% trong 3 tháng gần đây, ghi nhận có biệt thự chào bán với giá 700 tỷ đồng/căn. Nhưng thanh khoản thấp của loại sản phẩm này khá thấp.

Nhà liền thổ TP. HCM: Giá tăng phi mã, thanh khoản tắc

Nghịch lý giá tăng thanh khoản thấp tại thị trường nhà phố TP. HCM

Giá nhà liền kề tăng mạnh

Báo cáo mới nhất của Cushman & Wakefield (công ty dịch vụ, nghiên cứu về bất động sản toàn cầu) về thị trường TP. HCM cho thấy, trong quý II, bình quân giá chưa bao gồm thuế VAT, được chào bán lần đầu (thị trường sơ cấp) đã ghi nhận mức 9.300USD/m2 đối với nhà liền kề và 11.300USD/m2 đối với nhà biệt thự. Với mức chào bán bình quân tăng 25% so với những tháng đầu năm, đây là một mức tăng khá mạnh.

Biểu đồ giá nhà liền thổ TP. HCM tăng mạnh trong quý 2. 2022Biểu đồ ghi nhận giá liền thổ tại TP. HCM tăng mạnh trong quý II/2022

(Nguồn: Cushman & Wakefield)

Báo cáo từ Công ty tư vấn phát triển dự án DKRA cho biết, trong tháng 5/2022, giá bán sơ cấp nhà liền thổ tại khu ven TP. HCM ghi nhận mức tăng 15% - 20% so với giai đoạn mở bán trước đó, mỗi giai đoạn cách nhau 4 - 5 tháng. Mức tăng diễn ra ở những dự án có tiến độ vượt trội, chuẩn bị bàn giao và có hạ tầng kết nối đồng bộ.

Khảo sát của VietnamFinance cho thấy, nhiều dự án nhà liền kề tại TP. HCM có mức tăng giá kỷ lục, đơn cử như dự án The Global City (TP. Thủ Đức) đã mở bán được 2 giai đoạn, hiện tại giai đoạn 2 công bố giá từ 370 triệu đồng/m² đối với các sản phẩm biệt thự, liền kề, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ tại khu đông - nơi được coi là "điểm nóng" của thị trường bất động sản TP. HCM, mà ở nhiều khu vực khác, giá biệt thự cũng đang neo ở mức cao. Ví dụ biệt thự quận 7 diện tích 200 - 300m² năm ngoái giá phổ biến là 60 tỷ đồng thì nay được chào với mức 80 tỷ đồng. Giá biệt thự quận 9, Nhà Bè hiện đã dao động 50 - 100 tỷ đồng/căn, diện tích 300m2-400m2, tăng 30% so với cuối năm 2021.

Chị Hà Anh, một khách hàng đang đi tìm mua biệt thự đơn lập 2 mặt tiền đường Phạm Thái Bường (phường Tân Phong, quận 7) cho biết với diện tích đất 14,5 x 19m, đơn giá tại đây lên đến hơn 378 triệu đồng/m². Trong khi đó, một căn biệt thự đơn lập khác gần đó có diện tích đất được công nhận trên sổ là 578m², rao giá 230 tỷ đồng, tương đương gần 400 triệu đồng/m².

Nhiều người mua cũng cho biết,  trong quý II, nhà phố lẻ (trong ngõ/hẻm) và nhà phố mặt tiền (đường lớn) tại TP. HCM đều tăng giá chào bán trên các sàn giao dịch trực tuyến. Anh Phạm Thắng, trú tại thành phố Thủ Đức, đang tìm mua nhà phố tại khu vực quận 1, 3, cho biết giá bán tăng từ 17% đến 20% với nhà phố mặt tiền.

Giá nhà tăng, thanh khoản thấp

Chị Trần Thu Hà, một người có kinh nghiệm lâu năm trong đầu tư nhà liền kề, nhà phố khu vực TP. HCM cho biết, giá nhà tăng nhưng khi cần tiền, rao bán nhà phố, biệt thự, nhà liền thổ với giá trên 10 tỷ đồng tới vài chục tỷ đồng lại rất khó bán. Đây là một nghịch lý tại thị trường TP. HCM.

Chị Hà phân tích, người bán luôn tính thêm phần "trượt giá", "phát triển hạ tầng" và "lợi nhuận" vào giá trị tài sản, trong khi đó người mua lại kỳ vọng giá giảm nhờ dịch bệnh và chờ mua với giá bằng hoặc thấp 5% - 10% so với cuối năm 2021, hoặc chờ để có thêm nguồn cung mới. Bởi vậy giao dịch rất khó thành công.

Tại một sàn giao dịch bất động sản quận 4, anh Tùng Lê, một môi giới lâu năm cho biết, anh đã nhận ký gửi 6 căn nhà ở các quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận (TP. HCM) từ trước Tết nhưng đến nay, chỉ mới bán được 1 căn. "Khách gọi hỏi thì nhiều nhưng người chịu trực tiếp đến xem nhà đã hiếm chứ đừng nói là chốt cọc. Muốn giảm giá khoảng 5%-10%, nhưng các chủ nhà đều không chịu”, anh Tùng nói.

Thực tế, báo cáo quý II/2022 của DKRA cho biết ngoại trừ phân khúc đất nền tăng nhẹ 6% lượng tiêu thụ so với quý trước và cùng kỳ 2021, thị trường căn hộ và nhà phố, biệt thự đều gặp khó. Tính cả địa bàn TP. HCM và các tỉnh giáp ranh, chưa đầy 2.600 căn hộ được tiêu thụ trong 3 tháng đầu năm, chỉ bằng 45% quý trước và bằng 59% cùng kỳ năm 2021. Mức hấp thụ ở thị trường nhà phố, biệt thự chỉ khoảng hơn 430 căn, tương đương 18% quý IV/2021.

Trước sự tăng giá của biệt thự, nhà phố tại TP. HCM, người mua hiện có xu hướng tìm về các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An nơi có giá "mềm" hơn.

Đưa ra giải pháp bình ổn thị trường, một số chuyên gia cho rằng cần đề nghị các địa phương trong đó có TP. HCM tập trung rà soát các dự án đang bị ngưng trệ, có biện pháp đẩy nhanh tốc độ hoàn thành pháp lý nhằm đưa dự án sớm được triển khai.  

Song song với đó là ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp; thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá đất nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư.

Đặc biệt, Chính phủ cần tháo gỡ khó khăn về thủ tục giao đất để đấu giá, khơi thông nguồn vốn để các dự án dang dở nhanh hoàn thiện thủ tục pháp lý, triển khai tăng nguồn cung sản phẩm cho người mua nhà.

Tin mới lên