Tài chính quốc tế

Nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu bị pháo kích, Nga và Ukraine lại đổ lỗi cho nhau

(VNF) - Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia đã liên tục bị hàng chục cuộc pháo kích tàn phá vào cuối tuần qua. Trong khi cả Nga lẫn Ukraine vẫn đang đổ lỗi cho nhau và không chịu đứng ra nhận trách nhiệm về vụ việc, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc đã lên án, cho biết các cuộc tấn công như vậy có nguy cơ gây ra thảm họa lớn.

Nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu bị pháo kích, Nga và Ukraine lại đổ lỗi cho nhau

Một góc nhìn cho thấy Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia từ thị trấn Nikopol (Bulgaria).

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), rạng sáng 20/11, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia (ZNPP), thuộc phần lãnh thổ đã được Nga tuyên bố sáp nhập, đã bị tấn công bởi hàng chục cuộc pháo kích.

Theo mô tả của cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc, các vụ nổ đã "đột ngột kết thúc thời kỳ tương đối yên tĩnh tại Zaporizhzhia và nhấn mạnh thêm nhu cầu cấp thiết về các biện pháp giúp ngăn ngừa tai nạn hạt nhân ở đó".

Dựa trên thông tin do ban quản lý nhà máy cung cấp, IAEA cho biết đã có thiệt hại đối với một số tòa nhà, hệ thống và thiết bị tại địa điểm của nhà máy, "nhưng cho đến nay không có thiết bị nào quan trọng đối với an toàn và an ninh hạt nhân". Cơ quan này cũng thông tin thêm rằng chưa có thương vong nào được ghi nhận.

“Vụ nổ xảy ra tại địa điểm của nhà máy điện hạt nhân lớn này là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Kẻ nào đứng đằng sau vụ này, phải ngăn chặn ngay lập tức. Như tôi đã nói nhiều lần trước đây, bạn đang đùa với lửa”, Rafael Grossi, Tổng giám đốc IAEA, cho biết trong một tuyên bố.

Ông Grossi "lặp lại lời kêu gọi khẩn cấp của mình đối với cả hai bên trong cuộc xung đột để đồng ý và thực hiện một khu vực an ninh và an toàn hạt nhân xung quanh ZNPP càng sớm càng tốt", đồng thời cho biết thêm rằng IAEA trong những tháng gần đây "đã tham gia vào các cuộc tham vấn tích cực với Ukraine và Nga về việc thiết lập một khu vực như vậy, nhưng cho đến nay vẫn chưa có thỏa thuận".

“Tôi sẽ không bỏ cuộc cho đến khi khu vực này trở thành hiện thực. Như các cuộc pháo kích rõ ràng đang diễn ra cho thấy, điều đó là cần thiết hơn bao giờ hết”, người đứng đầu IAEA tuyên bố.

Trong khi đó, sau những cuộc pháo kích ngày 20/11, cả Ukraine và Nga đã đổ lỗi cho nhau về vụ việc.

Công ty năng lượng hạt nhân quốc gia Ukraine Energoatom cho biết trong một tuyên bố hôm 20/11 rằng pháo kích của Nga đã đánh trúng cơ sở hạ tầng của nhà máy hơn 12 lần.

Energoatom cho biết: “Kết quả là cầu vượt liên lạc với quân đoàn đặc biệt, bể chứa nước khử muối bằng hóa chất, hệ thống xả hơi của máy phát điện hơi nước, hệ thống phụ trợ của một trong hai động cơ diesel trên toàn nhà ga và các thiết bị khác của cơ sở hạ tầng nhà ga đã bị hư hỏng. Ba lượt pháo kích cũng được ghi nhận gần trạm biến áp 'Raiduha' ('Cầu vồng')".

Cũng theo Energoatom, "bản chất và danh sách các thiết bị bị hư hỏng" tại nhà máy cho thấy mục đích là vô hiệu hóa "chính xác cơ sở hạ tầng cần thiết để khởi động các tổ máy điện 5 và 6 và tiếp tục sản xuất điện của nhà máy Zaporizhzhia cho nhu cầu của Ukraine".

Bộ Quốc phòng Nga cũng báo cáo vụ pháo kích vào Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là kết quả của pháo binh do quân đội Ukraine bắn.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố vụ pháo kích được thực hiện từ khu vực thị trấn Marganets, gần Dnipro, do Lực lượng Vũ trang Ukraine kiểm soát.

"Hỏa lực của kẻ địch đã bị dập tắt bởi hỏa lực đáp trả từ các đơn vị pháo binh Nga", Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

"Tình hình bức xạ trong khu vực của nhà máy điện hạt nhân vẫn bình thường", Bộ Quốc phòng Nga cho biết, đồng thời cho biết thêm các chuyên gia từ IAEA và Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Nhà nước Nga, Rosatom, sẽ đánh giá thiệt hại có thể xảy ra.

Xem thêm >> Nga chiếm quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu

Tin mới lên