Nhân vật

Nhà tư sản Đỗ Đình Thiện – một trong những người đặt nền móng cho nền tài chính cách mạng

(VNF) - Sau ngày độc lập (2/9/1945), một trong những mục tiêu quan trọng mà lực lượng cách mạng phải nắm giữ là hệ thống tài chính - tiền tệ, để chính phủ mới có điều kiện hoạt động và bảo đảm đời sống cơ bản cho quốc dân. Một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên cho nền tài chính – tiền tệ của chính quyền cách mạng non trẻ chính là nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện.

Nhà tư sản Đỗ Đình Thiện – một trong những người đặt nền móng cho nền tài chính cách mạng

Nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện. Ảnh:mof.gov.vn

Theo các tài liệu lưu trữ tại khu Di tích nhà máy in tiền Chi Nê (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình), ông Đỗ Đình Thiện sinh năm 1904 tại làng Noi (nay thuộc Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) trong một gia đình 4 anh chị em, có bố là thư ký cho một chủ đồn điền Pháp nhưng mất sớm.

Với sự nuôi dưỡng của mẹ, ông Thiện được học chữ Nho và chữ Quốc ngữ rồi sang Pháp du học.

Tại Pháp, ông trường Đại học Canh Nông (Toulouse), vừa học vừa tham gia hoạt động cách mạng, đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, rồi vào Đảng Cộng sản Pháp năm 1928. 

Do tích cực hoạt động, ông bị cảnh sát Pháp để ý và bị bắt giữ khi khi trao truyền đơn cách mạng cho những binh sĩ người Việt Nam đang trên đường hồi hương. Ông bị kết án 4 tháng tù và bị trục xuất về nước.

Sau khi về nước, ông kết hôn với bà Trịnh Thị Điền và tiếp tục hoạt động cách mạng. Tuy nhiên, ông bà bị kiểm soát gắt gao, nhà cửa thường xuyên bị khám xét.

Nhận thấy thời cơ chưa chín muồi, ông bà Đỗ Đình Thiện chuyển sang làm kinh tế, mở hiệu buôn bán tơ lụa rồi tậu đất, dựng nhà máy, lập đồn điền… trước hết là để nuôi sống gia đình và sau đó để chờ thời, một khi có điều kiện sẽ ủng hộ cách mạng, giúp đỡ các đồng chí mình hoạt động. Ngôi nhà 54 Hàng Gai hiện nay chính là cửa tiệm buôn tơ lụa của ông bà Thiện vào thế kỷ trước.

Đầu những năm 40 của thế kỷ 20, ông bà Đỗ Đình Thiện đã được giới tư sản Hà Nội biết tiếng và kính nể. Ông tẩy chay Pháp bằng cả việc không đi xe ô tô của Pháp, mà tậu hẳn xe Ford của Mỹ.

 Nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện (1904-1972).

Sau khi Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, chính quyền cách mạng lúc này gặp nhiều khó khăn. Cùng với nhiều nhà tư sản yêu nước khác, gia đình ông Đỗ Đình Thiện đã góp vào Quỹ Độc Lập 10 vạn đồng (tương đương 4kg vàng). Trong “Tuần lễ vàng”, gia đình ông góp 100 lượng vàng.

Không chỉ góp tiền và vàng, nhà tư sản Đỗ Đình Thiện chính là người đặt những viên gạch đầu tiên cho nền tài chính – tiền tệ của chính quyền cách mạng non trẻ bằng việc hiến tặng nhà in và đồn điền cho chính quyền làm nhà máy in tiền.

Ngày 15/11/1945, theo chỉ thị của Bác Hồ, “Cơ quan Ấn loát” được thành lập với nhiệm vụ in những đồng tiền mới của Việt Nam. Ông Phạm Văn Đồng – Bộ trưởng Bộ Tài chính lúc đó được giao phụ trách việc in và phát hành tiền mới. Giúp việc cho đồng chí Phạm Văn Đồng có các đồng chí Phạm Quang Chúc, Nguyễn Văn Khoát, Trịnh Văn Đán…

Đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn trong điều kiện nhà nước Việt Nam lúc đó. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật dùng cho việc sản xuất tiền như: xưởng in, máy in, giấy in chuyên dụng, mực in, mẫu tiền, vật liệu, cán bộ…đều không có.

Trước Cách mạng Tháng 8, cả Đông Dương chỉ có 2 nhà máy in lớn là Nhà in Viễn Đông và Nhà in Tô-panh. Nhà in Viễn Đông có thể in giấy bạc, nhưng lúc đó quân Tưởng Giới Thạch đang chiếm đóng nên chính quyền Việt Nam Dân chủ cộng hoà không sử dụng được. Trong khi đó, phía Pháp không chịu bán nhà in Tô-panh cho Chính phủ.

Trước tình hình đó, gia đình ông Đỗ Đình Thiện đã bỏ tiền mua lại nhà in Tô-panh rồi hiến tặng cho Chính phủ. Để che mắt địch, nhà in Tô-panh được đổi tên thành Việt Nam Quốc gia Ấn thư cục. Từ đó, việc in tiền được thực hiện suốt cả ngày và đêm, Chính phủ đã có nhà in riêng, được tổ chức lại đàng hoàng.

Tháng 3/1946, trước nguy cơ nhà in tiền bị lộ, Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến ra lệnh sơ tán một bộ phận của nhà in lên xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình. Bộ phận nhà máy in này đóng tại đồn điền Chi Nê của gia đình ông Đỗ Đình Thiện. Lúc bấy giờ đồn điền Chi Nê có vị trí chiến lược, có thể xuyên tuyến đường 21 (nay là chặng đầu của đường Hồ Chí Minh đi qua) vào Thanh Hóa; hoặc ngược lên Tây Bắc. Về kinh tế, đồn điền lúc đó trù phú và dồi dào lương thực, thực phẩm.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Văn Hiến và ông Phạm Quang Chúc – Giám đốc Cơ quan Ấn loát, nhiều máy móc, thiết bị in tiền đã được chuyển đến địa điểm sơ tán trong đồn điền, dưới rừng cây um tùm, mênh mông với chiều dài 13km, rộng 9km, rất thích hợp với hoàn cảnh chiến tranh. Nơi đây trở thành địa điểm in tiền cách mạng thứ hai của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đến tháng 11/1946 thì phần còn lại của nhà máy in tiền được chuyển lên Chi Nê.

Nhà máy in tiền Chi Nê là nơi ra đời tờ bạc 100 đồng – đồng bạc “con trâu xanh”. Đây là giấy bạc có mệnh giá lớn nhất lúc bấy giờ.

Đến tháng 3/1947, hoạt động tại nhà máy in tiền Chi Nê bị lộ, toàn bộ nhà máy được chuyển lên bến Tràng Đà – Tuyên Quang. Ít lâu sau, nhận thấy đóng ở Tuyên Quang không an toàn nên theo lệnh của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính lại cho di chuyển nhà máy in tiền vào chiến khu Bản Thi thuộc chiến khu Việt Bắc. Đến đây nhà máy đi vào củng cố, ổn định các mặt và được mang tên mới là Cơ quan Ấn loát đặc biệt Trung ương thuộc Bộ Tài chính.

Sau khi nhà máy in tiền sơ tán, ông bà Đỗ Đình Thiện đã giao lại đồn điền Chi Nê cho Ban Kinh tài của Đảng quản lý. Ngoài ra,  ông bà Thiện còn ủng hộ một nửa cổ phần để thành lập Việt Nam công thương Ngân hàng (tiền thân của Ngân hàng quốc gia Việt Nam). Sau đó,  ông bà Thiện cùng cả gia đình lên chiến khu Việt Bắc để xây dựng Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo.

Kháng chiến thành công, ông bà Đỗ Đình Thiện sống giản dị tại nhà riêng ở số 76 Nguyễn Du, Hà Nội và tham gia liên tục Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông Đỗ Đình Thiện mất ngày 2/1/1972 tại Bệnh viện Việt Xô, hưởng thọ 69 tuổi. Đồn điền Chi Nê của gia đình tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện được công nhận Di tích lịch sử Cách mạng cấp Quốc gia năm 2008.

Tin mới lên