Tài chính

Nhà xuất bản Giáo dục dự kiến có thêm trăm tỷ nhờ tăng giá sách giáo khoa

NXB Giáo dục đặt mục tiêu doanh thu bán sách giáo khoa tăng 110 tỷ đồng nhờ điều chỉnh giá bán bình quân thêm 1.100 - 1.600 đồng mỗi quyển.

Bất chấp lo ngại cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực xuất bản ngày càng tăng, sản lượng in và tiêu thụ sách giáo khoa những năm gần đây của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn tăng trưởng hai chữ số. Hơn 113 triệu bản sách được sản xuất trong năm ngoái, vượt kế hoạch gần 10 triệu bản và mang về cho đơn vị này 734 tỷ đồng doanh thu.

Dù mục tiêu sản lượng sách năm nay giảm khoảng 5 triệu bản, nhưng đơn vị độc quyền xuất bản sách giáo khoa kỳ vọng doanh thu từ hoạt động này vọt lên 844 tỷ đồng. Lãi trước thuế dự kiến cũng tăng 10%, lên trên 141 tỷ đồng. Cơ sở cho mục tiêu này là phương án điều chỉnh giá bán sách giáo khoa năm học 2019-2020 đã được thông qua với mức tăng bình quân 1.000-1.600 đồng mỗi quyển.

Ban lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục cho rằng, việc điều chỉnh giá sách giáo khoa là giải pháp nhắm bù đắp chi phí sau 8 năm cố gắng ổn định giá trong bối cảnh chi phí vận chuyển, nguyên vật liệu tăng 20-25%. Chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa được triển khai khiến thế độc quyền xuất bản bị phá vỡ. Đơn vị này sẽ bước vào môi trường cạnh tranh khốc liệt về chất lượng, giá bán và chính sách bán hàng với đối thủ là nhà xuất bản thuộc sở hữu của các trường đại học có tiềm lực tài chính và sự đầu tư lớn.

Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Công ty ước tính chiếm khoảng 80% thị phần phát hành sách cả nước cách đây hai năm, nhưng con số này liên tiếp giảm và phải "cố gắng giữ vị thế dẫn đầu với 60-70% thị phần". Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm từ 2017, công ty đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng liên tiếp 4% một năm và cán mốc 1.500 tỷ đồng vào 2022.

Công ty đang chủ trì và tổ chức biên soạn 495 đầu sách giáo khoa mới từ lớp 1 đến 12 cho giai đoạn từ nay đến 2020, với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng một bộ. Đồng thời, tập trung phát triển đề án xuất bản điện tử và sản xuất thiết bị trường học để tăng sức cạnh tranh.

Xem thêm >> Thừa Thiên - Huế dành gần 600ha để làm dự án điện mặt trời

Tin mới lên