Diễn đàn VNF

Nhận diện doanh nghiệp chuyển giá

Để góp phần vào thành công của việc chống chuyển giá, việc nhận diện hành vi chuyển giá và doanh nghiệp chuyển giá có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Nhận diện doanh nghiệp chuyển giá

Metro Việt Nam từng bị vạch trần hành vi chuyển giá.

Cuộc chiến chống chuyển giá không chỉ là vấn đề riêng của Việt Nam mà của toàn thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức cam go.

Nhiều nghi án chưa được xử lý

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, khu vực doanh nghiệp FDI nói chung đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, với mức đóng góp khoảng 20% GDP, khoảng 45% sản lượng công nghiệp và 1/4 tổng đầu tư xã hội hàng năm. Tuy nhiên, khu vực FDI hiện chưa tạo được sức lan tỏa, mức độ động viên vào ngân sách nhà nước còn thấp, kèm theo đó là các doanh nghiệp FDI luôn báo lỗ và có dấu hiệu lạm dụng chính sách giá chuyển giao nội bộ để chuyển giá quốc tế.

Đặc biệt, có đến 90% doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc ở TP. HCM có kết quả kinh doanh thua lỗ trong khi hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề đều có lãi. Mặc dù thua lỗ triền miên, song các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Điều này cho thấy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế được mở rộng, tỷ lệ thua lỗ cao tại các doanh nghiệp FDI trong thời gian qua chính là biểu hiện của hoạt động chuyển giá đang diễn ra ngày càng phổ biến, đa dạng, trở thành thách thức lớn đối với cơ quan thuế Việt Nam.

Minh chứng cho điều này phải kể tới siêu thị Metro Việt Nam bị phát hiện chuyển giá thời gian qua. Ngoài ra còn nhiều doanh nghiệp FDI khác cũng nằm trong diện nghi vấn như: Adidas Group, siêu thị Big C, PepsiCo Việt Nam, Sumitomo Bakelite Việt Nam,...

Giải pháp chống chuyển giá

Để chống lại hoạt động chuyển giá, cần thực hiện một số giải pháp: Thứ nhất, hoàn thiện cơ sở pháp lý chống chuyển giá theo hướng quy định rõ các hình thức bị coi là chuyển giá phi pháp, các tiêu thức định tính và định lượng để xác định hoạt động chuyển giá; hình thành hệ thống thông tin đầy đủ, xây dựng hệ thống định mức, các chỉ tiêu giám sát để tạo thuận lợi cho các công ty tại Việt Nam áp dụng các phương pháp chuyển giá theo nguyên tắc giá thị trường.

Thứ hai, cần tăng cường hợp tác quốc tế về quản lý thuế, đặc biệt là hợp tác về chống chuyển giá; xây dựng cơ chế cung cấp, chia sẻ thông tin liên quan tới giá cả các sản phẩm tiêu thụ trên thị trường thế giới và từng nước làm căn cứ để quản lý và xử lý hoạt động chuyển giá.

Thứ ba, tăng cường đào tạo chuyên môn cho lực lượng công chức tham gia vào việc chống chuyển giá, tại các ngành Thuế, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra...

Thứ tư, cần nâng cao hệ thống thông tin tự động trong việc kê khai thuế. Hệ thống thông tin dữ liệu về người nộp thuế cần bổ sung thêm các thông tin bổ trợ quan trọng và xây dựng ứng dụng khai thác để phục vụ cho việc phân tích rủi ro, thanh tra giá chuyển nhượng.

Tin mới lên